Từ nhỏ tôi đã được mẹ cho học đàn. Sau này sang Úc tôi lại được ba dạy kèm thêm nên cũng có thể nói tôi thuộc loại biết chút ít về âm nhạc. Không giỏi như ba tôi có thể chơi guitar tất cả những bài classic nổi tiếng trên thế giới. Nhưng nếu như có ai muốn hát những bài dễ đánh như Xuân này con không về, hay đại loại kể lể theo điệu bolero kiểu tôi ca không hay, tôi đàn nghe cũng dở thì tôi cũng có thể đệm kèm chạy theo được.
Hoặc thỉnh thoảng những lúc rỗi rang mang đàn ra hát ngêu ngao một mình bên hiên nhà. Nhất là khoảng thời gian tôi mới sang Phi làm việc ít quen biết ai.
Tôi rất thích bài hát Đưa em tìm động hoa vàng của Phạm Duy, lời của Phạm Thiên Thư. Từ lời ca cho đến ý nhạc đều có một chút gì đó rất trong sáng, nhẹ nhàng, lãng mạn tuy có thoáng buồn. Dù mình vẫn đang ngồi sống nhăn răng tự đàn tự hát cho mình tự nghe, vậy mà cứ nghĩ lanh quanh chuyện:
Chim ơi, chết dưới cội hoa
Tiếng kêu rơi rụng giữa giang hà
Mai ta chết dưới cội đào
Khóc ta xin nhỏ lệ vào thiên thu…
….
Nói thì nói thế chứ tôi nghĩ sau này đợi thằng cu Phi lớn hơn một chút tôi cũng sẽ cho nó học nhạc. Học gì cũng được không hẳn là phải học chơi piano hay guitar thùng như tôi. Nhưng chắc chắn là phải học. Vì âm nhạc không những là một nghệ thuật giải trí lành mạnh, rẻ tiền. Mà hơn thế nữa, nó giúp cho những ai gần với âm nhạc cảm nhận được nhiều hơn, dễ rung động hơn với cảm xúc của chính mình. Nó làm cho tâm hồn dịu lại, thương nhiều hơn ghét. Lắng đọng hơn là… nổi cơn tam bành.
Bởi thế những năm tháng đầu tiên của tôi ở Phi, vật bất ly thân, cái mà tôi yêu quí nhất là cây đàn mà tôi đã tự sắm cho mình. Chỉ là một cây đàn thùng thường thôi, không có gì đặc biệt. Không đáng là bao. Nhưng đó là cây đàn đầu tiên của riêng tôi. Và nó đã cùng tôi nghêu ngao suốt khoảng thời gian tôi ở tạm ngôi chùa Vạn Đức dã chiến ở Manila cùng với những người tỵ nạn đầu tiên mà tôi quen biết.
Mãi cho đến một hôm tôi đã không còn thể tự mình đệm bài hát Tà Áo Xanh của Đoàn Chuẩn - Từ Linh.
Vì đàn đã bị đập vỡ vứt bỏ vào sọt rác nằm trơ trọi trước hiên nhà.
Tôi vẫn còn nhớ rất rõ hình ảnh ấy.
Hôm đó tôi phải vào tòa đại sứ Mỹ ở Manila để làm hồ sơ cho một số anh em tỵ nạn tôi đang giúp đở. Đến chiều tôi mới về tới nhà. Nhưng vừa về đến cổng là tôi đã thấy cây đàn thân yêu của mình đã bị đập vỡ tan tành, không còn cách gì hàn gắn lại.
Tim tôi chợt hụt mất đi một nhịp. Nhưng lúc ấy trong đầu cứ thắc mắc không hiểu sao một cây đàn như thế lại có thể bị đập vỡ ra đến vậy?
Tôi bước vào nhà thấy mọi người vẫn sinh hoạt bình thường, cười nói vui vẻ chứng tỏ là trong lúc tôi đi vắng ở nhà đã không có xảy ra chuyện gì đáng tiếc như… đánh lộn chẳng hạn (trong thời gian tôi ở Phi, nhà và cũng là văn phòng của tôi luôn luôn có nhiều người tỵ nạn và thiện nguyện viên đến ở chung, có khi lên đến mười mấy hai mươi người).
Thế thì tại sao đàn lại bị đập vỡ? Tôi có bao giờ cãi lộn với những anh em tỵ nạn đâu mà có chuyện… giận người chém đàn???
Không thấy ai nói gì nên tôi cũng lẳng lặng bước vào phòng riêng của mình xem như không có chuyện gì xảy ra. Tuy thành thật mà nói lúc ấy trong lòng tôi cảm thấy không được vui, buồn cũng có hơn 5 phút!
Mãi đến tối sau khi đang cùng ngồi ăn cơm tôi mới hỏi Thụy, một người tỵ nạn đang sống chung ở văn phòng:
Mày có biết tại sao cây đàn của tao bị đập không vậy Thụy?
Hơi bị khựng lại một tí sau khi nghe tôi hỏi, đợi ít lâu sau Thụy mới trả lời:
Tại vì hồi chiều mấy anh em đang ngồi nhậu lai rai, ai cũng hơi xỉn nên có người thách anh Ó (là một người tỵ nạn khác cũng đang xin ở ké) dám đập cây đàn của Luật Sư Trịnh Hội!
Vậy thì sao?
Thì ảnh đem ra đập đó.
Trời.
Cái này nói theo kiểu của Bằng Kiều trong một chương trình hài mới đây trên Paris By Night là: Thiệt là đau lòng!
Nhưng rồi thì câu chuyện cũng trôi qua như hàng trăm, hàng ngàn câu chuyện khác về tỵ nạn Palawan và những kỷ niệm khó quên của một thời. Hôm gặp lại Thụy và các anh em hiện đang ở Houston, cả đám nhắc lại mà cười đau cả ruột. Đúng là bị kẹt ở lại lâu quá nên đầu ai cũng bị đứt một vài sợi như chúng tôi thường bảo nhau. Trong đó có cả tôi. Vì sau khi nghe phán vậy thì tôi cũng chỉ biết nhún vai, cười trừ. Và tiếp tục với công việc, quên bẵng mất cây đàn của năm nào.
Mãi cho đến cách đây mấy hôm, khi cả nhóm tỵ nạn Palawan một lần nữa tổ chức buổi tiệc tất niên hằng năm ở quận Cam khu Little Saigon và mời tôi cùng một số quan khách đến dự. Sau phần nghi lễ, chào cờ, đọc diễn văn khai mạc, chúng tôi đã được mời lên sân khấu để được tặng hoa, xem như đó là lời cảm ơn từ những người đến sau (vì thật ra thì ai cũng như ai, đều là tỵ nạn cả. Khác biệt chỉ ở chổ đến trước hay đến sau mà thôi).
Riêng tôi lại được mời đứng lại để trình bày về hoàn cảnh của những người Việt tỵ nạn hiện vẫn còn bị kẹt ở Thái Lan và Cambodia. Và những gì tôi cùng các thiện nguyện viên trong nhóm VOICE đang cố gắng giúp đỡ.
Khi tôi phát biểu xong, vừa định bước xuống thì đã bị MC giữ lại và được cho biết là hôm nay có người muốn tặng cho tôi một món quà đặc biệt.
Và các bạn biết món quà đó là gì không?
Đó là một cây đàn thùng do chính anh Yên, một trong những người tỵ nạn vừa mới sang năm 2005 đã tự tay làm trong hai năm vừa qua để tặng cho tôi. Để xem như trả lại tôi cây đàn mà tôi đã từng để mất hơn mười năm về trước ở Phi. Với cả vốn lẫn lãi. Vì xét ra cây đàn này nó đắt hơn và có ý nghĩa hơn rất nhiều. Vì có hàng ngàn, hàng vạn tôi cũng sẽ chẳng bao giờ mua được cho mình một cây đàn đẹp như thế.
Cảm ơn anh Yên đã bỏ công, bỏ tiền, bỏ sức trong hai năm vừa qua chỉ để làm cho em một món quà tràn đầy ý nghĩa. Chắc chắn em sẽ nâng niu trân trọng nó cho đến hết cuộc đời này. Cảm ơn tất cả các anh chị em, cô chú tỵ nạn đã cho con biết giá trị và sự hy sinh cho hai chữ tự do. Để biết và hiểu được rằng: cho là nhận.
* Blog của Luật sư Trịnh Hội là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.