Một phát ngôn viên của Quân đội Nhân dân Giải phóng Sudan chịu trách nhiệm về an ninh Nam Sudan nói cuộc tấn công xảy ra trong một số cuộc đụng độ riêng rẽ tại các bang lân cận.
Ông nói phe nổi loạn đã từ chối ký vào một lệnh ân xá do chính quyền miền nam đưa ra và tìm cách làm gián đoạn cuộc trưng cầu dân ý bắt đầu vào ngày Chủ Nhật.
Người dân Nam Sudan tuần tới sẽ quyết định trong cuộc bỏ phiếu được chờ đợi lâu nay là vẫn kết hợp với bắc Sudan hay là tách rời để thành lập một quốc gia mới nhất tại châu Phi.
Tổng thống của chính phủ miền Nam Sudan, Salva Kiir, nói trước cuộc bỏ phiếu là không có sự lựa chọn nào khác là chung sống hòa bình với miền bắc.
Tổng thống Sudan Omar al-Bashir trong chuyến viếng thăm vùng này hôm thứ Ba, hứa chấp nhận kết quả cuộc trưng cầu dân ý và giúp miền nam bất kể kết quả ra sao.
Một viên chức của Ủy ban bầu cử, ông Francis Kenyi nói những tài liệu bầu cử đã được phân phát cho tất cả 26.000 trung tâm bầu cử trên một vùng lãnh thổ rộng lớn. Ông Kenyi nói:
“Chúng tôi đã ở vào giai đoạn cuối cùng phân phát tài liệu và chúng tôi biết rất rõ hôm nay là ngày cuối cùng đối với chúng tôi để hoàn tất mọi việc. Phần còn lại thuộc về những người tại các trung tâm bỏ phiếu.”
Gần 4 triệu người đã ghi tên đi bỏ phiếu. Cuộc trưng cầu dân ý này là một phần của hòa ước có từ 6 năm nay nhằm chấm dứt hơn 2 thập niên nội chiến.
Các nhân vật có uy tín trên thế giới trong đó có các chính trị gia lão thành như cựu Tổng thống Mỹ Jimmy Carter, cựu Tổng Thư Ký Liên Hiệp Quốc Koffi Annan và cựu Tổng thống Nam Phi Thabo Mbeki hiện có mặt tại Nam Sudan cùng với hàng trăm quan sát viên được điều động đến toàn vùng.
Ông David Gressey, người đứng đầu Phái bộ của Liên Hiệp Quốc tại Nam Sudan tiên đoán cuộc bỏ phiếu sẽ diễn ra trong vòng trật tự. Ông nói:
“Có nhiều người nghi ngờ nghĩ rằng chúng ta không bao giờ đạt đến điểm này, nhất là đúng thời hạn. Nhưng một lần nữa Sudan làm cho nhiều người ngạc nhiên. Và cuối cùng tôi nghĩ đó là vì hai bên có quyết tâm muốn tránh trở lại chiến tranh.”
Chiến tranh đã làm khoảng 2 triệu người thiệt mạng, nhiều người là thường dân. Chiến tranh cũng để lại một vùng nghèo khổ, thiếu trường học, bệnh viện và hạ tầng cơ sở.
Nhiều người miền nam nói rằng điều kiện sống được cải thiện một ít kể từ khi có hòa ước. Họ hy vọng độc lập sẽ giúp đẩy mạnh những tiến bộ.
Người miền bắc Sudan nói những tiến bộ to lớn hơn có thể được thực hiện xuyên qua việc thống nhất hai miền.
Để cuộc trưng cầu dân ý có hiệu lực, hơn 50% người đi bỏ phiếu phải bỏ phiếu thuận và số người đi bỏ phiếu phải vượt mức 60% của gần 4 triệu người ghi tên đi bỏ phiếu.
Các giới chức Nam Sudan nói những cuộc tấn công của phe nổi loạn vào một khu vực giàu dầu hỏa dọc theo đường ranh giới với bắc Sudan làm ít nhất 6 người thiệt mạng trong hai ngày. Việc này xảy ra trong khi người Nam Sudan đếm từng giờ cho đến khi các phòng phiếu mở cửa cho một cuộc trưng cầu dân ý kéo dài một tuần lễ về độc lập của vùng này.