Bà Joan Friedman hiểu rằng việc có một người anh chị em sinh đôi thông thường có thể cùng lúc vừa là điều phúc nhưng cũng là một tai họa. Bà Joan là một nhà trị liệu tâm lý với chuyên môn về các vấn đề liên quan tới sinh đôi, bản thân có một người em sinh đôi và đồng thời là mẹ của một cặp sinh đôi khác trứng. Theo lời bà Joan, tuy việc có một người bạn thân trong cuộc đời thực sự rất tuyệt vời, phần lớn những cặp sinh đôi trưởng thành đều phải gặp khó khăn trong việc đối mặt với cuộc sống với tư cách là một cá thể độc lập.
50 năm trước, khi bà Joan Friedman và người em sinh đôi cùng trứng của bà, Jane Friedman, cùng lớn lên, thời đó không có nhiều các cặp sinh đôi. Bà Joan nói:
“Lúc đó chúng tôi như những ngôi sao và nhận được rất nhiều sự chú ý. Mọi người luôn biết rằng chúng tôi là cặp song sinh nhà Friedman. Nhưng sau đó, khi chúng tôi lớn lên, bạn biết là vào tuổi đó thì ai cũng muốn có được cá tính riêng của mình. Mọi người thực ra không biết chúng tôi là ai cả. Có thể hiểu là chúng tôi được mọi người chú ý nhưng không ai biết chúng tôi cả.”
Cũng giống như nhiều cặp song sinh khác hồi đó và ngay cả ngày nay, bà Joan và bà Jane ăn mặc giống nhau và luôn luôn đi cùng nhau. Bà Joan cho biết:
“Lần đầu tiên Jane và tôi sống tách nhau là khi chúng tôi vào đại học. Lúc đó là một quãng thời gian mà chúng tôi phải điều chỉnh lại cuộc sống của mình một cách khó khăn không thể tưởng tượng được. Đột nhiên, một ngày, bạn thấy bản thân mình là một cá thể độc lập chưa được chuẩn bị sẵn sàng một chút nào cả.”
Nhờ vào sự tiến bộ trong việc điều trị những ca vô sinh, bà Joan nói số lượng các cặp song sinh ngày càng tăng.
“Ngày nay, tôi nghĩ là số liệu thống kê mới nhất cho thấy cứ một trong 33 ca sinh nở thì chúng ta lại có một cặp song sinh. Tôi nghĩ là trong những năm 1980, tỉ lệ đó là một trong 90 ca.”
Bà Joan chia sẻ rằng, những người sinh đôi thường vẫn bị coi là hai nửa của một khối thay vì các cá thể riêng rẽ.
“Mọi người cứ tự họ hình dung ra rất nhiều mối lo ngại. Họ nghĩ là nếu bạn tách rời một cặp sinh đôi, điều này có nghĩa là bạn sẽ phá vỡ sợi dây kết nối của một cặp sinh đôi, rằng bạn sẽ làm ảnh hưởng tới tình cảm yêu thương mà họ dành cho nhau trước đó. Tôi thấy điều này rất hay xảy ra ở tất cả các nền văn hóa. Nếu bạn cho họ những trải nghiệm mà họ được học cách sống với chính mình, học cách dựa vào bản thân mình, họ sẽ phát triển được một sự kiên cường mà họ cảm thấy họ có thể được là chính mình. Nếu không làm như vậy, họ sẽ phát triển một sự phụ thuộc quá mức vào nhau hoặc một sự phụ thuộc lẫn nhau từ cả hai bên bởi vì họ chưa bao giờ sống tách nhau cả.”
“Chúng tôi luôn ở cạnh và đi cùng nhau từ khi chúng tôi sinh ra và bạn biết đấy, chúng tôi đang cố gắng tách nhau ra.”
Đó là cô Nazy Farkhondeh, 24 tuổi. Cô và người em sinh đôi của mình, cô Ranah luôn luôn là hai người bạn thân không thể tách rời của nhau. Họ đi học cùng một trường và có chung những người bạn. Mặc dù họ nộp hồ sơ vào những trường đại học khác nhau, họ cuối cùng lại cùng theo học tại trường đại học Michigan, trở thành bạn cùng phòng, và tốt nghiệp cùng một chuyên ngành. Hiện tại, họ cùng sinh sống tại Los Angeles, bang California.Cô Nazy nói:
“Phần thích thú nhất có lẽ là việc có một người bạn đồng hành mà bạn có thể tin tưởng. Còn phần khó khăn nhất là cảm giác rằng mọi thứ là một trải nghiệm chung trong khi bạn lại muốn có một trải nghiệm của riêng mình.”
Cô Nazy còn nói rằng thường mọi người coi một cặp song sinh là một người trong khi thực tế là họ rất khác nhau.
“Phong cách của chúng tôi hoàn toàn khác nhau. Cô ấy là một cô gái nữ tính hơn. Cô ấy thích trang điểm. Cô ấy thích làm tóc trước khi đi ra ngoài. Còn bản thân tôi thì đơn giản hơn. Tôi không trang điểm và cũng không bao giờ làm tóc cả. Tôi thích văn học hơn, còn cô ấy thì quan tâm tới âm nhạc hơn. Thậm chí trong lúc lớn lên, tôi luôn luôn là một đứa cởi mở hơn một chút, còn cô ấy thì rụt rè hơn.”
Cũng giống như phần lớn trường hợp các anh chị em thông thường, các cặp song sinh cũng hay bất đồng ý kiến với người kia.
“Thật sự là rất buồn cười khi tôi thật ra nhìn thấy được một sự trớ trêu rất lớn trong việc bất đồng với anh/chị em sinh đôi. Bởi lẽ một mặt, bạn đánh giá cao nó vì đó là cách bạn tạo sự khác biệt với người kia. Nhưng mặt khác, đó lại là một cảm giác khó chịu vì một người rất thân thiết với bạn lại không đồng tình với quan điểm của bạn. Do vậy mà cảm giác còn khó chịu hơn.”
Theo nhà điều trị tâm lý Joan Friedman nói, các cặp song sinh nam lại nhìn nhận sự khác biệt không giống với các cặp song sinh nữ.
“Những cặp song sinh cùng trứng nữ có một mối quan hệ khăng khít nhất chỉ bởi vì con gái có xu hướng cần và tìm kiếm sự thân thiết với nhau hơn. Những cặp sinh đôi nữ thực sự cố gắng kìm chế sự cạnh tranh, trong khi những cặp song sinh nam sẽ có thể phô bày cảm xúc hay sự chống đối theo một cách rõ ràng hơn.”
Trong cuốn sách mới của bà có tựa đề “The Same But Different: How Twins Can Live, Love and Learn to Be Individuals,” – tạm dịch: "Giống nhưng Khác: Các cặp sinh đôi sống, yêu, và học cách trở thành một cá thể riêng biệt như thế nào," bà Joan đưa ra lời khuyên giúp nuôi dạy các cặp sinh đôi trở thành những người độc lập.
“Tôi có một số điều mà chắc chắn phải nói với các bậc cha mẹ rằng, dĩ nhiên là, không cho chúng mặc giống nhau, không đặt tên chúng nghe gần giống nhau ví dụ như Tom và Tony, Natalie và Nancy. Hãy đặt tên chúng khác nhau hẳn. Hãy chắc chắn là bạn chụp những bức ảnh của từng đứa một. Nếu chúng lớn lên và không bao giờ nhìn thấy một bức ảnh mà chỉ có riêng mình chúng thì sẽ rất khó cho chúng nghĩ rằng chúng là hai người riêng biệt. Và ‘thời gian một mình’ thực sự là điều mà tôi cảm thấy là quan trọng nhất; nếu bạn dẫn một đứa đi mua đồ ăn với bạn, hãy dẫn đứa còn lại đi ra công viên, và điều này sẽ cho bạn một cảm giác được kết nối với cả hai đứa con của mình.”
Củng cố tính cách khác biêt và không ngừng nuôi dưỡng sự khác biệt đó, theo nhà trị liệu tâm lý Joan Friedman, là chìa khóa để nuôi dạy một cặp song sinh vui vẻ, thân thiết với nhau, nhưng trong chúng vẫn có những mục tiêu và hướng đi riêng của mình trong cuộc sống sau này.