Theo một bản phúc trình gần đây của Tổ chức Ân xá Quốc tế, hàng ngàn phụ nữ Indonesia bị đưa lậu sang Hong Kong để làm người giúp việc nhà, có nguy cơ phải chịu đựng các điều kiện giống như nô lệ, vì các chính phủ của cả hai bên đều không bảo vệ được họ trong hoàn cảnh bị bạo hành và bóc lột tràn lan.
Không chỉ tại Hong Kong, hiện nay có nhiều phụ nữ trẻ ở các quốc gia có thu nhập thấp đến thu nhập trung bình đổ xô tới tới những nơi giàu có hơn ở Châu Á và những nơi khác trên thế giới để làm nghề giúp việc trong nhà. Sri Lanka, Ấn Độ, Bangladesh là các nước có đông đảo số người lao động ở nước ngoài. Tiến sĩ Rahul Malhotra, phó giáo sư tại trường Y Duke-NUS ở Singapore, là đồng tác giả của một bản báo cáo tập trung vào tình trạng sức khỏe và điều kiện làm việc của các phụ nữ giúp việc nhà. Ông và cộng sự nghiên cứu, ông Truls Ostbye, sau khi tổng hợp 32 bài báo cáo đã được xuất bản về các công nhân di trú đến từ Đông Nam Á và Nam Á, nhận ra rằng có rất nhiều phụ nữ đã hứng chịu sự bạo hành dưới nhiều hình thức, bị đau ốm, gặp các vấn đề về tinh thần, và có rất ít cơ hội nhận được các dịch vụ chăm sóc y tế.
Tiến sĩ Maholtra cho biết lý do của việc sức khỏe của những phụ nữ này bị ảnh hưởng từ công việc của họ:
"Giờ làm việc của họ rất dài, trong khoảng từ 13 tới 18,19 tiếng một ngày. Đôi khi, họ không được nghỉ ngơi một lúc nào. Thậm chí họ còn phải làm việc tới tận đêm khuya khi chủ của họ về nhà hoặc vẫn còn thức. Một điểm đáng chú ý là nhiều quốc gia không có ngày nghỉ cho người làm. Có nhiều quốc gia hiện giờ bắt đầu tiến hành ngày nghỉ trong tuần và như vậy chỉ có một ngày nghỉ cho người làm trong một tuần làm việc bảy ngày.
Một khía cạnh đáng chú ý khác đó là tình trạng bạo hành tại nơi làm việc. Gần như tại khắp nơi trên thế giới, phần lớn các cuộc nghiên cứu mà họ xem xét, đại đa số phụ nữ cho biết họ đều bị bạo hành theo một cách nào đó. Phần lớn họ nói rằng họ bị bạo hành qua lời nói và tinh thần. Hình thức bạo hành ít hơn là bạo hành thân thể và bạo hành tình dục là ít nhất. Nhưng tất cả những hình thức bạo hành này đều được báo cáo rõ ràng trong bảng thống kê các cuộc nghiên cứu."
2/3 những người giúp việc ở nước ngoài được Tổ chức Ân xá Quốc tế phỏng vấn cho biết đã phải chịu nhiều dạng bạo hành về cả thể chất lẫn tâm lý. Điều kiện yêu cầu các công nhân di trú như những người giúp việc này phải sống cùng với chủ nhân đã làm gia tăng tình trạng bị cô lập và làm những người giúp việc này đối mặt thêm nhiều rủi ro bị bạo hành.
Một người phụ nữ kể lại rằng bà chủ của bà đã thường xuyên bạo hành bà về mặt thể chất. Một lần, bà chủ của bà đã ra lệnh cho hai con chó cắn bà và kết quả là bà có khoảng 10 vết cắn trên người, làm rách da và chảy máu. Người chủ này còn quay lại cảnh tượng đó trong điện thoại, sau đó liên tục bật lại xem và cười một cách sảng khoái.
Một người phụ nữ khác kể với Tổ chức Ân xá Quốc tế chuyện ông chủ của bà đã đánh đập bà như thế nào. Bà nói: “Ông ấy đã đá vào mông tôi, nắm quần áo tôi và kéo tôi xềnh xệch vào phòng. Sau khi chốt cửa, ông ấy đã đánh đấm tôi. Ông ta còn xô tôi ngã xuống sàn và tiếp tục đá tôi. Tôi bị thâm tím khắp người - mặt mày, tay chân. Miệng và trán còn chảy máu.”
Tuy không bị bạo hành thân thể một cách trực tiếp nhưng một số phụ nữ lại rơi vào những trường hợp khác. Tiến sĩ Malhotra nói:
"Trong số những phụ nữ báo cáo tình trạng sức khỏe bị ảnh hưởng do công việc, có những người phải nâng người chủ dậy khỏi giường, đưa chủ trở lại giường, tắm rửa cho họ. Những công việc này khiến họ bị đau lưng bên cạnh những hiện tượng đau cơ hay đau đớn khác.
Không chỉ vậy, họ còn phải dùng và tiếp xúc với những hóa chất tẩy rửa độc hại khi lau dọn nhà cửa khiến da của họ bị ửng đỏ hoặc những bệnh về da khác mà không được cung cấp thiết bị an toàn, bảo hộ nào cả."
Tại Indonesia, những người muốn ra nước ngoài trở thành những người giúp việc đều bắt buộc phải đến những cơ sở tuyển dụng do chính phủ cấp phép bao gồm trải qua một đợt huấn luyện trước khi đi. Những cơ sở này và những đơn vị trung gian thay mặt họ làm thủ tục ra nước ngoài thường lừa dối họ về mức lương, mức phí phải đóng, sau đó tịch thu giấy tờ tùy thân, các tài sản khác của họ với lý do bảo đảm, và còn thu phí vượt quá mức phí cho phép trong luật pháp. Mức phí đầy đủ dành cho việc huấn luyện thường khiến những người phụ nữ rơi vào cảnh nợ nần chồng chất nếu họ rút lui.
Cô Lestari, 29 tuổi, kể lại cảnh tượng khi cô mới đến trung tâm huấn luyện. Cô nói cô đã rất sốc. Tường rào cao bao quanh và tất cả phụ nữ đều bị cắt tóc ngắn. Có người đưa cho cô một tờ giấy viết bằng tiếng Anh. Tất cả những gì cô có thể đọc được là con số 27 triệu. Nhân viên ở đó nói với cô rằng cô phải ký vào tờ giấy đó. Cô nói rằng, ở đó có khoảng 30 người và tất cả các cô đều làm theo những gì được bảo. Sau đó, họ nói với các cô rằng thứ mà các cô vừa ký có nghĩa là nếu các cô quyết định bỏ thì các cô sẽ phải trả lại cho trung tâm 27 triệu rupiah, tương đương 2.700 đô la Mỹ.
Một số phụ nữ của các trung tâm huấn luyện khác còn cho biết rằng họ bị ép phải chích thuốc ngừa thai. Rất nhiều phụ nữ nói rằng họ thường xuyên bị các nhân viên ở các trung tâm huấn luyện mắng nhiếc, bạo hành, và đe dọa huỷ đơn xin việc. Đại đa số trong số họ không thể tự do mà rời khỏi các trung tâm huấn luyện này.
Ngoài gánh nặng chăm sóc gia đình, theo tiến sĩ Malhotra, điểm yếu khiến những người phụ nữ này dễ bị bóc lột là vì ở nhiều nước, những phụ nữ này không được coi là thành phần lao động chính thức. Phần lớn họ chỉ là những thành phần lao động không chính thức.
"Tôi nghĩ một thực tế đó là những người phụ nữ này không làm việc trong môi trường công khai bên ngoài mà họ làm việc trong môi trường tư, cá nhân, khi người chủ trong công việc của họ cũng chính là chủ nhà của họ. Một khi họ sống trong nhà của chủ nhân họ, nếu chủ nhân của họ không cho phép họ ra ngoài, họ khó có cơ hội để lên tiếng về những nỗi lo lắng hay các vấn đề của họ với những người ở bên ngoài. Những người chủ của họ còn không cho phép họ giao tiếp với bất kỳ ai trong gia đình hay thậm chí là cả hàng xóm."
Bản phúc trình của Tổ chức Ân xá Quốc tế còn phơi bày một thực tế là các cơ sở tuyển dụng thường không cung cấp cho các công nhân di trú giấy tờ hợp pháp được yêu cầu bao gồm hợp đồng làm việc, bảo hiểm bắt buộc, và thẻ căn cuớc có ảnh để làm việc ở nước ngoài, thứ làm giảm đi các hình thức nhận bồi thường.
Không chỉ dừng lại ở các giấy tờ, một cơ chế trả lương chính thức cũng chưa được thiết lập tại nhiều nước. Tiến sĩ Malhotra cho biết thêm:
“Thực ra ở một số nước hiện nay thì vấn đề trả lương có đang thay đổi. Ví dụ như gần đây, ở Indonesia hay Philippines, họ đã thành lập và ra chỉ thị đối với vấn đề lương tối thiểu cho những phụ nữ là công dân nước họ sang nước ngoài làm người giúp việc. Ví dụ ở Singapore hay Philippines, mức lương tối thiểu cho những người phụ nữ này 400 đô la Mỹ một tháng. Nhưng không phải nước nào có phụ nữ xuất khẩu lao động nước ngoài với công việc giúp việc nhà cũng đều có chính sách như vậy, và cũng không phải nước nào nhận người giúp việc nước ngoài cũng sẽ chấp nhận một mức lương tối thiếu nào đó. Vì thế mà hiện tại chưa có một điều luật chung quản lý tất cả những phụ nữ làm công việc giúp việc này, và cũng không có nước nào có một điều luật cụ thể quyết định vấn đề lương tối thiểu hay giờ làm việc tối thiểu, do vậy mà tình hình đôi lúc cũng trở nên mờ mịt.”
Tuy nhiên, theo tiến sĩ Malhotra, vấn đề ra nước ngoài làm người giúp việc có thể được giải quyết tốt hơn nếu các nước tạo ra các điều luật và nghiêm túc thực thi chúng:
"Tôi nghĩ điều đầu tiên là những điều luật này được viết rõ ràng trên giấy và chúng thực sự tồn tại ở đó. Tôi nghĩ đây là điều quan trọng bởi vì ở nhiều nước thậm chí còn không có những điều luật này. Và chuyện thực thi luật tùy thuộc vào mỗi quốc gia. Ý tôi là nói cho cùng thì họ vẫn là một nguồn thu nhập quan trọng của các quốc gia đó. Chắc chắn một điều là họ gửi rất nhiều kiều hối về quê nhà của họ. Ở một số quốc gia, ví dụ như Philippines, không nhất thiết chỉ là những người giúp việc nhà, một phần lớn tổng thu nhập của những nước này là nhờ vào kiều hối của những người xuất khẩu lao động gửi về, vì thế mà dĩ nhiên là những nước này phải có nghĩa vụ lo lắng chu đáo cho những công dân của nước họ ra nước ngoài làm việc. Tôi nghĩ là tất cả mọi người đều có một vai trò của riêng họ. Chính phủ, các nhóm bảo vệ quyền lợi cho người lao động, các tổ chức phi chính phủ v..v... Nhưng cuối cùng điều quan trọng vẫn là mối quan hệ giữa người chủ và người giúp việc nước ngoài. Mọi người cần phải hiểu nhau để tất cả cùng đạt được một mối quan hệ có lợi cho cả hai bên."
Nguồn: VOA, Amnesty International