Đường dẫn truy cập

Sự can thiệp của Pháp vào Mali: Nhiều rủi ro nhưng cũng có lợi


Binh sĩ và xe bọc thép của Pháp tiến vào thủ đô Mali từ Bờ Biển Ngà, ngày 15/1/2013.
Binh sĩ và xe bọc thép của Pháp tiến vào thủ đô Mali từ Bờ Biển Ngà, ngày 15/1/2013.

Binh sĩ nước ngoài được gởi tới Mali

Binh sĩ nước ngoài tại Mali

Pháp: Hiện có khoảng 800 binh sĩ tại Mali và có ý định gia tăng sự hiện diện của binh sĩ lên 2500 người trong những tuần lễ sắp tới. Hôm thứ Ba, Tổng thống Francois Hollande nói rằng, quân đội của nước ông sẽ bắt đầu rút ra khỏi cựu thuộc địa của Pháp này một khi khối ECOWAS của vùng Tây Phi triển khai binh sĩ của họ và sẵn sàng nhận lãnh trách nhiệm.

ECOWAS: Ecowas đang tới quyết định chót để gởi tới 3300 binh sĩ tới Mali, dưới kế hoạch can thiệp được Liên Hiệp Quốc hậu thuẫn. Loan báo về việc đóng góp binh sĩ từ các nước Châu Phi gồm các nước sau đây:

-Nigeria: 900 binh sĩ
-Burkina Faso: 500
-Niger: 500
-Senegal: 500
-Togo: 500
-Benin: 300
-Guinea: 144
-Ghana: 120
-Chad: chưa xác định nhân số
Sự can thiệp quân sự của Pháp ở Mali đã nhận được sự tán thưởng ở trong nước và nước ngoài, nhưng hành động này cũng có những yếu tố bất định và làm tăng mối rủi ro của những vụ tấn công trả đũa của các phần tử Hồi giáo cực đoan. Từ Paris, thông tín viên Lisa Bryant của đài VOA có bài tường thuật sau đây.

Vài ngày sau khi bắt đầu chiến dịch quân sự ở Mali, Pháp đã nhanh chóng thay đổi từ chỗ ngăn chặn đà tiến xuống miền nam của các phần tử Hồi giáo tới chỗ tấn công các mục tiêu ở miền bắc để đè bẹp phong trào nổi dậy.

Trong cuộc phỏng vấn trên Đài phát thanh Pháp hôm thứ hai, Đại sứ Pháp ở Mali, ông Christian Royer, nói rằng luồng gió đã xoay chiều đối với các phần tử cực đoan, là những người gây đe dọa cho sự ổn định của Mali và cho khu vực Sahel.

Đại sứ Royer nói rằng những vụ không kích của Pháp đã làm thay đổi hiện trạng, làm cho những phần tử Hồi giáo bị đánh bật ra khỏi những thị trấn chiến lược như Mopti và Savare, cách thủ đô Bamako chỉ có vài trăm kilo mét. Ông cho biết tình hình ở thủ đô yên tĩnh.

Tuy nhiên, các giới chức Pháp thừa nhận rằng họ cảm thấy bất ngờ trước sự khéo léo và sự chuẩn bị của phe nổi dậy. Và vài giờ sau khi loan báo phá vỡ một cuộc tiến quân của các chiến binh nổi dậy, các giới chức Pháp cho biết phiến quân đã tấn công và chiếm được thị trấn Diabaly.

Bản đồ Mali.
Bản đồ Mali.
Ông Gilles Yabi, một nhà phân tích ở Dakar của Nhóm Khủng hoảng Quốc tế, tiên đoán có nhiều khó khăn trong việc dẹp tan những căn cứ của phe Hồi giáo ở miền bắc Mali.

Ông Yabi nói: "Loại hoạt động quân sự này luôn luôn có mối rủi ro là sẽ mất nhiều thời gian hơn dự kiến ban đầu và điều đặc biệt là đây không phải là một cuộc chiến tranh qui ước vì địch quân có tính lưu động cao và họ lại là những nhóm khủng bố. Và rất có thể là sau khi rút lui từ các thành phố, nơi họ không thể chống cự với quân đội Pháp mạnh hơn rất nhiều, họ sẽ trốn núp ở những vùng khó lui tới, như những vùng núi non gần Algerie."

Ngay lúc này, sự can thiệp của Pháp đã làm gia tăng mức ủng hộ vốn ở mức thấp của Tổng thống Francois Hollande. Ngay cả những người vẫn thường mạnh mẽ chỉ trích ông, như bà Marine Le Pen của phe cựu hữu, cũng đã bày tỏ sự ủng hộ cho việc đưa quân sang Mali.

Bà Le Pen nói rằng quyết định can thiệp của Pháp ở Mali là chính đáng. Tuy nhiên, bà nói thêm rằng ảnh hưởng ngày càng tăng của phe Hồi giáo là kết quả của những sự sai lầm của Pháp ở Libya và Syria.

Một số tờ báo ở Phi châu cũng có thái độ phê phán.

Chính phủ ở Paris đã có thái độ thận trọng với việc trình bày sự can thiệp ở Mali như một biện pháp tạm thời trong lúc chờ đợi kế hoạch qui mô lớn hơn của các nước Tây Phi được triển khai để chống lại các phần tử Hồi giáo. Tuy nhiên các bài xã luận ở Algerie, là nước có quan hệ căng thẳng với Pháp, đã nêu lên những nghi vấn về động cơ của Pháp ở cựu thuộc địa Mali.

Những vụ không kích của Pháp đã đánh bật các phần tử Hồi giáo khỏi những thị trấn chiến lược như Mopti và Savare.
Những vụ không kích của Pháp đã đánh bật các phần tử Hồi giáo khỏi những thị trấn chiến lược như Mopti và Savare.
Về việc này, ông Yabi của Nhóm Khủng hoảng Quốc tế cho biết ý kiến như sau:

Tôi không nghĩ rằng vào lúc đầu Pháp đã muốn có một hành động can thiệp rất lâu và rất quan trọng ở Mali. Nhưng như tôi đã nói, tình hình ở Mali là một mối đe dọa cho toàn khu vực, kể cả Niger và Mauritania.

Sự can thiệp quân sự cũng mang lại những rủi ro khác. Các nhóm Hồi giáo đã dọa tấn công trả đũa và các giới chức Pháp đang lo ngại về số phận của 8 con tin người Pháp ở Mali.

Chuyên gia về khủng bố của Viện Nghiên cứu Chính trị ở Paris, ông Jean-Pierre Filiu, nói rằng hoạt động can thiệp cần phải ngắn và có những mục tiêu cụ thể và rõ ràng.

Ông Filiu cảnh báo chống lại những mục tiêu bao quát như “cuộc chiến chống khủng bố”. Ông nói rằng vấn đề ở đây là một vụ xung đột với một kẻ thù mà ông mô tả là những phần tử tội phạm và những kẻ bắt người làm con tin. Ông cho rằng Hoa Kỳ đã thất bại khi chính phủ của Tổng thống George W Bush tiến hành cuộc chiến gọi là chống khủng bố.

Chính phủ Pháp cho biết sự can thiệp ở Mali sẽ kéo dài trong khoảng thời gian cần có để ngăn chận nếu không muốn nói là tiêu diệt các phần tử Hồi giáo. Nhiều người ở Paris hy vọng thời gian đó được tính bằng tuần chứ không phải bằng tháng hay năm.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG