Số tàu cá Trung Quốc đang gia tăng một cách nhanh chóng trong lúc nước này áp dụng những chính sách để tăng cường nguồn cung ứng lương thực. Nhưng trong lúc tàu cá Trung Quốc đổ ra hoạt động ở khắp nơi trên trái đất, họ bị chỉ trích về việc đánh bắt quá độ và thường xuyên đối đầu với tàu bè nước khác tại những khu vực có tranh chấp như Biển Đông. Từ Hồng Kông, thông tín viên Shannon Van Sant của đài VOA gởi về bài tường thuật sau đây.
Trung Quốc là nước sản xuất và xuất khẩu thuỷ sản lớn nhất thế giới với khoảng phân nửa sản lượng tôm cá bán sang các nước phát triển. Họ cũng là nước tiêu thụ hải sản nhiều nhất thế giới.
Ông Duncan Ledbetter, giám đốc công ty tư vấn ngư nghiệp Fish Matter, cho biết cuộc chạy đua để tranh giành những tài nguyên mỗi ngày một ít đi đang thúc đẩy Trung Quốc tìm kiếm nguồn cá trên khắp thế giới, giữa lúc ngư trường gần bờ biển của họ bị cạn kiệt vì ô nhiễm và đánh bắt quá độ.
"Có hai chuyện đang xảy ra. Một là đánh bắt quá độ. Chuyện thứ nhì là một chuyện có thể nói là lan rộng ở cả miền bắc lẫn miền nam và từ khu vực cận duyên cho tới mép của thềm lục địa, nhất là ở ven bờ, họ có vô số các vấn đề về ô nhiễm và nơi sinh cư của tôm cá bị mất đi."
Đội tàu cá viễn dương của Trung Quốc đã gia tăng một cách nhanh chóng để trở thành đội tàu lớn nhất thế giới với hơn 2.000 chiếc. Theo ước tính của một cuộc nghiên cứu của Nghị viện Âu Châu, từ năm 2000 đến năm 2011 ngư dân Trung Quốc đã đánh bắt 4 triệu 600.000 tấn cá mỗi năm, hầu hết là tại các vùng biển ở Phi Châu, kế tiếp là ở Á Châu, và những số lượng nhỏ hơn ở Trung Mỹ, Nam Mỹ và Nam Cực.
Một số các nhà quan sát, như ông Peter Jennings, giám đốc Viện Nghiên cứu Chiến lược Australia, nói rằng ngư trường được nới rộng của Trung Quốc mang lại cho họ một cơ hội để thiết lập một sự hiện diện đáng kể tại những khu vực có tầm quan trọng chiến lược về lâu về dài.
"Tôi nghĩ rằng đây chính là loại hình tiếp cận trung dung không chỉ đối với tài nguyên biển ở Nam Cực mà còn giúp cho Trung Quốc trong tương lai lâu dài có thể khai thác tài nguyên của chính lục địa Nam Cực."
Tháng trước, một công ty Trung Quốc loan báo họ sẽ khuyếch trương hoạt động ở Nam Cực để bắt thêm tôm cá, nghêu sò. Loan báo đó được đưa ra sau khi Trung Quốc khánh thành một trạm nghiên cứu thứ tư ở Nam Cực và đầu tư vào các dự án để chế tạo hai chiếc tàu phá băng cùng với những loại phi cơ và trực thăng có khả năng hoạt động trong vùng băng tuyết ở Nam Cực.
Những mối căng thẳng với các nước khác vì sự hiện diện trên biển ngày càng lớn của Trung Quốc đã gia tăng trong thời gian gần đây. Tháng trước, Indonesia đã đặt chất nổ để phá tung một chiếc tàu của Trung Quốc mà họ đã bắt cách nay 6 năm vì đánh cá trái phép trong vùng biển của Indonesia. Theo chính phủ Nam Triều Tiên, số tàu cá Trung Quốc trong vùng biển của Nam Triều Tiên mỗi ngày một nhiều. Hơn 1.000 tàu cá Trung Quốc đã xâm nhập trái phép vào vùng đặc quyền kinh tế của Nam Triều Tiên trong năm 2014.
Tổ chức Hoà bình Xanh cho biết tàu cá Trung Quốc cũng đánh bắt bất hợp pháp với những số lượng khổng lồ trong vùng biển phía tây Phi Châu. Ông Rashid Kang, một viên chức của văn phòng Hoà bình Xanh ở Bắc Kinh, cho biết với những chiếc tàu cũ kỹ, loại đánh giã cào, những hoạt động ngư nghiệp đang được nới rộng của Trung Quốc làm cho các hệ thống sinh thái của những vùng biển nước ngoài bị đe dọa, vì luật pháp Trung Quốc cấm sử dụng những chiếc tàu cũ không áp dụng cho tàu bè hoạt động ở nước ngoài.
"Họ vừa ban hành luật mới này để cấm đánh bắt sát đáy biển trong hải phận Trung Quốc. Tôi nghĩ rằng việc này đã không được bàn tới đối với những chiếc tàu của Trung Quốc hoạt động ở những nước khác. Do đó tôi cho rằng có vấn đề tiêu chuẩn đôi ở đây."
Một toán chuyên gia quốc tế hồi gần đây đã tìm cách ước tính số lượng hải sản mà đội tàu viễn dương Trung Quốc đánh bắt từ năm 2000 đến năm 2011. Các nhà khoa học này đã hô hào cho sự minh bạch trong một bài viết đang trên tạp chí Cá và Ngư nghiệp. Họ nói rằng lượng cá mà tàu Trung Quốc đánh bắt hầu như hoàn toàn không được báo cáo và không được ghi chép vào hồ sơ.
Theo cuộc nghiên cứu này, lượng cá Trung Quốc đánh bắt mỗi năm là hơn 4 triệu 600 ngàn tấn, cao hơn rất nhiều so với con số 368.000 tấn mà Trung Quốc chính thức báo cáo cho Liên Hiệp Quốc.