SYDNEY —
Người Việt thường nói “chơi dao có ngày đứt tay”. Ba năm trước đây, vào cuối tháng 6 năm 2010 - Phó Thủ tướng Julia Gillard đã tham dự vào cuộc ‘đảo chính nghị trường’ và lật đổ Thủ tướng Kevin Rudd để trở thành vị nữ Thủ tướng đầu tiên của Australia.
Bị mất chức ngay trong nhiệm kỳ đầu tiên bởi các thế lực phe phái trong nội bộ Đảng Lao Động, ông Kevin Rudd đã hai lần phục thù, vào tháng 2 năm 2012 và tháng 3 năm 2013, nhưng đều đã thất bại. Lợi dụng uy tín của chính phủ thiểu số Julia Gillard mỗi ngày một suy sụp trầm trọng – mà giới quan sát tin rằng một phần là do chính dân biểu Kevin Rudd và những người ủng hộ giựt dây từ hậu trường - ông Kevin Rudd đã thành công lần thứ ba trong cuộc ‘đảo chính nội bộ’ của Đảng Lao động ngày 26-6-2013 vừa qua với 57 phiếu ủng hộ và 45 phiếu chống trong tổng số 102 dân biểu và nghị sĩ của Đảng tại Quốc hội liên bang.
Sau khi thành lập chính phủ mới để tưởng thưởng những người ủng hộ – và trừng phạt những ai đã theo phe cựu nữ thủ tướng Julia Gillard (mà phần lớn đã từ nhiệm cùng với bà Julia Gillard), tân Thủ tướng Kevin Rudd đã đến Jakarta để hội kiến với Tổng thống Indonesia Yudhoyono ngày 5 tháng 7 tuần rồi. Điều trớ trêu là chuyến công du này đã do bà Julia Gillard thu xếp với ông Yudhoyono theo lịch trình thảo luận hàng năm giữa lãnh tụ hai nước.
Ngoài vấn đề giao thương song phương, thuyền nhân tầm trú là ưu tiên hàng đầu của ông Kevin Rudd, vì đây là vấn đề mà cử tri Úc quan tâm và đây cũng là một trong những thất bại về phương diện sách lược quốc gia của chính phủ Kevin Rudd đầu tiên và của chính phủ Julia Gillard kế nhiệm.
Australia là thành viên Công Ước Liên Hiệp Quốc về Người Tỵ Nạn 1951 và theo Công Ước này, người tầm trú xin tư cách tị nạn không thể bị coi là di dân bất hợp pháp, khi họ đến bằng bất cứ phương tiện nào và trong thời gian chờ đợi được xét đơn xin tị nạn. Thế nhưng từ năm 1992, dưới thời chính phủ Lao động Paul Keating, Australia đã ban hành luật lế giam cầm cưỡng bách thuyền nhân tầm trú (mandatory detention) và chính sách này đã được chính phủ bảo thủ John Howard kế nhiệm tiếp tục áp dụng và củng cố từ năm 1996.
Khi làn sóng thuyền nhân tầm trú bắt đầu gia tăng rõ rệt vào đầu thập niên 2000, chính phủ John Howard ban hành biện pháp cứng rắn gọi là Giải pháp Thái Bình Dương mà ba yếu tố cốt lõi là: (a) giam giữ họ tại trại giam di trú trên Đảo Quốc Nauru và đảo Manus của nước Papua New Guinea, (b) họ chỉ được cấp chiếu khán bảo vệ tạm thời TPV, mặc dầu họ được xét là người tị nạn và chiếu khán TPV này không cho phép họ được nộp đơn xin đoàn tụ gia đình – và (c) tàu tỵ nạn có thể bị kéo ra khỏi hải phận hoặc vùng biển trách nhiệm của Australia, khi việc này có thể được Hải quân Hoàng gia Úc thực hiện an toàn.
Chính sách cứng rắn này bị chỉ trích mạnh mẽ, nhưng đem lại kết quả là nhân số thuyền nhân tầm trú giảm hạ rõ rệt, đến mức độ mà khi chính phủ John Howard bị thất cử vào cuối năm 2007, nhân số thuyền nhân tầm trú chỉ còn vài chục người.
Tân chính phủ Lao Động do ông Kevin Rudd làm Thủ tướng đã bãi bỏ Giải pháp Thái Bình Dương này vào năm 2008 – một thay đổi chính sách được các tổ chức tranh đấu nhân quyền tán trợ, nhưng mau chóng trở thành gánh nặng cho chính phủ và là một trong ba vấn đề chính mà Phó Thủ tướng Julia Gillard đã nêu lên trong cuộc ‘chỉnh lý’ nội bộ lật đổ ông Kevin Rudd.
Tân thủ tướng Julia Gillard cam kết giải quyết vấn đề thuyền nhân tầm trú trong ba tháng, nhưng vẫn không giải quyết được trong suốt ba năm cầm quyền từ tháng 6 năm 2010 đến tháng 6 năm 2013.
Chính phủ Julia Gillard thất bại liên tiếp từ Giải pháp Đông Timor bất thành đến Giải Pháp Malaysia bị Tối Cao Pháp Viện Australia phán quyết là bất hợp pháp, nên sau cùng chính phủ Julia Gillard phải thành lập Ủy Ban Chuyên Viên [The Houston Panel of Experts] mở đường cho chính phủ trở lại Giải Pháp Thái Bình Dương đợt 2 được áp dụng từ tháng 8 năm 2012. Giải pháp mới này bao gồm một trắc nghiệm gọi là “bất ưu đãi” (No advantage test) tức là thuyền nhân tầm trú bị giam tại Đảo quốc Nauru và đảo Manus, nhưng không được cứu xét tư cách tỵ nạn mà phải chờ đợi một thời gian tương đương với thời gian mà họ đáng lẽ phải chờ đợi nếu không vượt biên đến Australia bằng thuyền. Thời gian này trung bình là 5 năm.
Thế nhưng Giải Pháp Thái Bình Dương đợt 2 cũng thất bại, vì nhân số thuyền nhân tầm trú dưới 1.000 người trong năm 2008 đã lên đến trên 20.000 người trong năm 2012 – 2013, gây tốn kém hàng tỉ dollars cho ngân sách quốc gia. Chính phủ Lao động đổ lỗi cho giới buôn người lừa gạt người tầm trú (people’s smugglers) và các phần tử tham nhũng trong chính quyền Indonesia.
Trong khi đó, chính sách của Liên Đảng đối lập Tự Do Quốc Gia rất đơn giản, nhưng có vẻ hữu hiệu dưới mắt quần chúng cử tri. Lãnh tụ đối lập Tony Abbott cam kết, nếu thắng cử, sẽ áp dụng trở lại chính sách của chính phủ bảo thủ John Howard gồm ba điểm cốt lõi nói trên.
Trong hoàn cảnh chính trị ‘tiến thoái lưỡng nan’, chính Thủ tướng Kevin Rudd cũng ‘tiền hậu bất nhất’. Khi sắp sửa bị bà Julia Gillard lật đổ hồi tháng 6 năm 2010, Thủ tướng Kevin Rudd đã tố cáo những phần tử trong Đảng Lao động đang đẩy chính sách về phía hữu (lurching to the Right). Khi lật đổ được bà Julia Gillard vào tháng 6 năm 2013, tân thủ tướng Kevin Rudd lại cảnh cáo các phần tử trong nội bộ Đảng Lao động đang đẩy chính sách về phía tả (lurching to the Left), để dọn đường cho một sách lược mới.
Trong sách lược mới này, Thủ tướng Kevin Rudd không cam kết giải quyết vấn đề thuyền nhân tầm trú mà mưu tìm sự ủng hộ của Indonesia để chứng minh giải pháp của Liên Đảng đối lập sẽ không thực hiện được – cá biệt là dự định kéo tàu thuyền nhân ra khỏi hải phận hoặc vùng biển trách nhiệm của Australia.
Tại Jakarta, qua bản thông cáo chung cũng như trong cuộc họp báo với Tổng thống Yudhoyono ngày thứ Sáu 05-07-2013, Thủ tướng Kevin Rudd hoan nghênh sáng kiến của Indonesia nhằm triệu tập một hội nghị toàn vùng trong tháng Tám, bao gồm các quốc gia nguồn [source countries] như Iraq, Afghanistan, Sri Lanka, với các nước chuyển tiếp [transit countries] như Malaysia, Singapore và Indonesia và điểm đến [country of destination] như Australia. Người ta chưa biết là Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam sẽ tham dự hay không với tư cách là một quốc gia nguồn?
Chính phủ Kevin Rudd cố gắng giải thích lập trường của Jakarta là bác bỏ chính sách của Liên đảng Đối lập Úc. Tuy nhiên, trong khi vẫn duy trì lời lẽ ngoại giao với Jakarta, Liên đảng Đối lập xác quyết là họ theo đuổi chính sách trên căn bản quyền lợi quốc gia của Úc và lập luận rằng Úc sẽ sử dụng chủ quyền trong phạm vi lãnh hải của mình.
Ngoại trưởng Bob Carr là người có những phát biểu mạnh bạo theo sách lược mới. Ông nói rằng ‘bản chất thuyền nhân tầm trú’ đã thay đổi – kể cả thuyền nhân tầm trú từ Việt Nam – mà ông Bob Carr gọi là di dân kinh tế. Ông Bob Carr đã bị Ủy Hội Nhân Quyền Australia và đại diện của Cao Ủy Tỵ Nạn Liên Hiệp Quốc tại Úc chỉ trích, vì từ tháng Tám năm 2012, Australia đã không cứu xét đơn xin tỵ nạn thì làm sao có thể chứng minh rằng thuyền nhân tầm trú là di dân kinh tế.
Bộ trưởng Di Trú mới, Dân biểu Tony Burke, có lời lẽ hòa dịu hơn. Ông nhìn nhận rằng hồi năm 2009, chính phủ Kevin Rudd đã không thay đổi chính sách kịp thời để đối phó với làn sóng thuyền nhân tầm trú và Bộ Di trú bắt đầu cứu xét đơn xin tỵ nạn của thuyền nhân.
Tính đến ngày 05-07-2013, có 675 người Việt ‘thuyền nhân tầm trú’ bị giam tại đảo Christmas, trên lục địa Úc Châu [mainland Australia ] và tại đảo Manus. Nhân số người Việt đông hơn thuyền nhân từ Iraq, Bangladesh, Sudan, Miến Điện, Somalia và Li-Băng. Phần đông họ phát xuất từ Thanh Hóa / Nghệ An bằng đường bộ, rồi đến các nước chuyển tiếp như Malaysia, Singapore và Indonesia bằng phi cơ và từ Indonesia bằng thuyền đến vùng biển Australia. Họ sẽ phải chứng minh tư cách tỵ nạn theo định nghĩa của Công Ước năm 1951.
Ngày 22 tháng 5 vừa qua, một phái đoàn Cộng đồng Người Việt Tự do đã gặp gỡ Thủ tướng Julia Gillard và Bộ trưởng Nội vụ Jason Clare để bày tỏ quan tâm về nhân số thuyền nhân tầm trú người Việt này. Nay bà Gillard không còn làm thủ tướng, nhưng Bộ trưởng Jason Clare vẫn còn tại chức.
Người Việt thường nói “chơi dao có ngày đứt tay”. Ba năm trước đây, vào cuối tháng 6 năm 2010 - Phó Thủ tướng Julia Gillard đã tham dự vào cuộc ‘đảo chính nghị trường’ và lật đổ Thủ tướng Kevin Rudd để trở thành vị nữ Thủ tướng đầu tiên của Australia.
Bị mất chức ngay trong nhiệm kỳ đầu tiên bởi các thế lực phe phái trong nội bộ Đảng Lao Động, ông Kevin Rudd đã hai lần phục thù, vào tháng 2 năm 2012 và tháng 3 năm 2013, nhưng đều đã thất bại. Lợi dụng uy tín của chính phủ thiểu số Julia Gillard mỗi ngày một suy sụp trầm trọng – mà giới quan sát tin rằng một phần là do chính dân biểu Kevin Rudd và những người ủng hộ giựt dây từ hậu trường - ông Kevin Rudd đã thành công lần thứ ba trong cuộc ‘đảo chính nội bộ’ của Đảng Lao động ngày 26-6-2013 vừa qua với 57 phiếu ủng hộ và 45 phiếu chống trong tổng số 102 dân biểu và nghị sĩ của Đảng tại Quốc hội liên bang.
Sau khi thành lập chính phủ mới để tưởng thưởng những người ủng hộ – và trừng phạt những ai đã theo phe cựu nữ thủ tướng Julia Gillard (mà phần lớn đã từ nhiệm cùng với bà Julia Gillard), tân Thủ tướng Kevin Rudd đã đến Jakarta để hội kiến với Tổng thống Indonesia Yudhoyono ngày 5 tháng 7 tuần rồi. Điều trớ trêu là chuyến công du này đã do bà Julia Gillard thu xếp với ông Yudhoyono theo lịch trình thảo luận hàng năm giữa lãnh tụ hai nước.
Ngoài vấn đề giao thương song phương, thuyền nhân tầm trú là ưu tiên hàng đầu của ông Kevin Rudd, vì đây là vấn đề mà cử tri Úc quan tâm và đây cũng là một trong những thất bại về phương diện sách lược quốc gia của chính phủ Kevin Rudd đầu tiên và của chính phủ Julia Gillard kế nhiệm.
Australia là thành viên Công Ước Liên Hiệp Quốc về Người Tỵ Nạn 1951 và theo Công Ước này, người tầm trú xin tư cách tị nạn không thể bị coi là di dân bất hợp pháp, khi họ đến bằng bất cứ phương tiện nào và trong thời gian chờ đợi được xét đơn xin tị nạn. Thế nhưng từ năm 1992, dưới thời chính phủ Lao động Paul Keating, Australia đã ban hành luật lế giam cầm cưỡng bách thuyền nhân tầm trú (mandatory detention) và chính sách này đã được chính phủ bảo thủ John Howard kế nhiệm tiếp tục áp dụng và củng cố từ năm 1996.
Khi làn sóng thuyền nhân tầm trú bắt đầu gia tăng rõ rệt vào đầu thập niên 2000, chính phủ John Howard ban hành biện pháp cứng rắn gọi là Giải pháp Thái Bình Dương mà ba yếu tố cốt lõi là: (a) giam giữ họ tại trại giam di trú trên Đảo Quốc Nauru và đảo Manus của nước Papua New Guinea, (b) họ chỉ được cấp chiếu khán bảo vệ tạm thời TPV, mặc dầu họ được xét là người tị nạn và chiếu khán TPV này không cho phép họ được nộp đơn xin đoàn tụ gia đình – và (c) tàu tỵ nạn có thể bị kéo ra khỏi hải phận hoặc vùng biển trách nhiệm của Australia, khi việc này có thể được Hải quân Hoàng gia Úc thực hiện an toàn.
Chính sách cứng rắn này bị chỉ trích mạnh mẽ, nhưng đem lại kết quả là nhân số thuyền nhân tầm trú giảm hạ rõ rệt, đến mức độ mà khi chính phủ John Howard bị thất cử vào cuối năm 2007, nhân số thuyền nhân tầm trú chỉ còn vài chục người.
Tân chính phủ Lao Động do ông Kevin Rudd làm Thủ tướng đã bãi bỏ Giải pháp Thái Bình Dương này vào năm 2008 – một thay đổi chính sách được các tổ chức tranh đấu nhân quyền tán trợ, nhưng mau chóng trở thành gánh nặng cho chính phủ và là một trong ba vấn đề chính mà Phó Thủ tướng Julia Gillard đã nêu lên trong cuộc ‘chỉnh lý’ nội bộ lật đổ ông Kevin Rudd.
Tân thủ tướng Julia Gillard cam kết giải quyết vấn đề thuyền nhân tầm trú trong ba tháng, nhưng vẫn không giải quyết được trong suốt ba năm cầm quyền từ tháng 6 năm 2010 đến tháng 6 năm 2013.
Chính phủ Julia Gillard thất bại liên tiếp từ Giải pháp Đông Timor bất thành đến Giải Pháp Malaysia bị Tối Cao Pháp Viện Australia phán quyết là bất hợp pháp, nên sau cùng chính phủ Julia Gillard phải thành lập Ủy Ban Chuyên Viên [The Houston Panel of Experts] mở đường cho chính phủ trở lại Giải Pháp Thái Bình Dương đợt 2 được áp dụng từ tháng 8 năm 2012. Giải pháp mới này bao gồm một trắc nghiệm gọi là “bất ưu đãi” (No advantage test) tức là thuyền nhân tầm trú bị giam tại Đảo quốc Nauru và đảo Manus, nhưng không được cứu xét tư cách tỵ nạn mà phải chờ đợi một thời gian tương đương với thời gian mà họ đáng lẽ phải chờ đợi nếu không vượt biên đến Australia bằng thuyền. Thời gian này trung bình là 5 năm.
Thế nhưng Giải Pháp Thái Bình Dương đợt 2 cũng thất bại, vì nhân số thuyền nhân tầm trú dưới 1.000 người trong năm 2008 đã lên đến trên 20.000 người trong năm 2012 – 2013, gây tốn kém hàng tỉ dollars cho ngân sách quốc gia. Chính phủ Lao động đổ lỗi cho giới buôn người lừa gạt người tầm trú (people’s smugglers) và các phần tử tham nhũng trong chính quyền Indonesia.
Trong khi đó, chính sách của Liên Đảng đối lập Tự Do Quốc Gia rất đơn giản, nhưng có vẻ hữu hiệu dưới mắt quần chúng cử tri. Lãnh tụ đối lập Tony Abbott cam kết, nếu thắng cử, sẽ áp dụng trở lại chính sách của chính phủ bảo thủ John Howard gồm ba điểm cốt lõi nói trên.
Trong hoàn cảnh chính trị ‘tiến thoái lưỡng nan’, chính Thủ tướng Kevin Rudd cũng ‘tiền hậu bất nhất’. Khi sắp sửa bị bà Julia Gillard lật đổ hồi tháng 6 năm 2010, Thủ tướng Kevin Rudd đã tố cáo những phần tử trong Đảng Lao động đang đẩy chính sách về phía hữu (lurching to the Right). Khi lật đổ được bà Julia Gillard vào tháng 6 năm 2013, tân thủ tướng Kevin Rudd lại cảnh cáo các phần tử trong nội bộ Đảng Lao động đang đẩy chính sách về phía tả (lurching to the Left), để dọn đường cho một sách lược mới.
Trong sách lược mới này, Thủ tướng Kevin Rudd không cam kết giải quyết vấn đề thuyền nhân tầm trú mà mưu tìm sự ủng hộ của Indonesia để chứng minh giải pháp của Liên Đảng đối lập sẽ không thực hiện được – cá biệt là dự định kéo tàu thuyền nhân ra khỏi hải phận hoặc vùng biển trách nhiệm của Australia.
Tại Jakarta, qua bản thông cáo chung cũng như trong cuộc họp báo với Tổng thống Yudhoyono ngày thứ Sáu 05-07-2013, Thủ tướng Kevin Rudd hoan nghênh sáng kiến của Indonesia nhằm triệu tập một hội nghị toàn vùng trong tháng Tám, bao gồm các quốc gia nguồn [source countries] như Iraq, Afghanistan, Sri Lanka, với các nước chuyển tiếp [transit countries] như Malaysia, Singapore và Indonesia và điểm đến [country of destination] như Australia. Người ta chưa biết là Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam sẽ tham dự hay không với tư cách là một quốc gia nguồn?
Chính phủ Kevin Rudd cố gắng giải thích lập trường của Jakarta là bác bỏ chính sách của Liên đảng Đối lập Úc. Tuy nhiên, trong khi vẫn duy trì lời lẽ ngoại giao với Jakarta, Liên đảng Đối lập xác quyết là họ theo đuổi chính sách trên căn bản quyền lợi quốc gia của Úc và lập luận rằng Úc sẽ sử dụng chủ quyền trong phạm vi lãnh hải của mình.
Ngoại trưởng Bob Carr là người có những phát biểu mạnh bạo theo sách lược mới. Ông nói rằng ‘bản chất thuyền nhân tầm trú’ đã thay đổi – kể cả thuyền nhân tầm trú từ Việt Nam – mà ông Bob Carr gọi là di dân kinh tế. Ông Bob Carr đã bị Ủy Hội Nhân Quyền Australia và đại diện của Cao Ủy Tỵ Nạn Liên Hiệp Quốc tại Úc chỉ trích, vì từ tháng Tám năm 2012, Australia đã không cứu xét đơn xin tỵ nạn thì làm sao có thể chứng minh rằng thuyền nhân tầm trú là di dân kinh tế.
Bộ trưởng Di Trú mới, Dân biểu Tony Burke, có lời lẽ hòa dịu hơn. Ông nhìn nhận rằng hồi năm 2009, chính phủ Kevin Rudd đã không thay đổi chính sách kịp thời để đối phó với làn sóng thuyền nhân tầm trú và Bộ Di trú bắt đầu cứu xét đơn xin tỵ nạn của thuyền nhân.
Tính đến ngày 05-07-2013, có 675 người Việt ‘thuyền nhân tầm trú’ bị giam tại đảo Christmas, trên lục địa Úc Châu [mainland Australia ] và tại đảo Manus. Nhân số người Việt đông hơn thuyền nhân từ Iraq, Bangladesh, Sudan, Miến Điện, Somalia và Li-Băng. Phần đông họ phát xuất từ Thanh Hóa / Nghệ An bằng đường bộ, rồi đến các nước chuyển tiếp như Malaysia, Singapore và Indonesia bằng phi cơ và từ Indonesia bằng thuyền đến vùng biển Australia. Họ sẽ phải chứng minh tư cách tỵ nạn theo định nghĩa của Công Ước năm 1951.
Ngày 22 tháng 5 vừa qua, một phái đoàn Cộng đồng Người Việt Tự do đã gặp gỡ Thủ tướng Julia Gillard và Bộ trưởng Nội vụ Jason Clare để bày tỏ quan tâm về nhân số thuyền nhân tầm trú người Việt này. Nay bà Gillard không còn làm thủ tướng, nhưng Bộ trưởng Jason Clare vẫn còn tại chức.