Đường dẫn truy cập

Chính trị Úc: Trò chơi quyền lực trong một chế độ dân chủ


Nhà cựu lãnh đạo Australia Kevin Rudd, đã tuyên thệ nhậm chức Thủ Tướng Úc, 3 năm sau khi ông bị bà Julia Gillard lật đổ.
Nhà cựu lãnh đạo Australia Kevin Rudd, đã tuyên thệ nhậm chức Thủ Tướng Úc, 3 năm sau khi ông bị bà Julia Gillard lật đổ.
Ngày 26/6 vừa qua, tại Úc lại có cuộc đảo chính: Cựu Thủ tướng Kevin Rudd lên thay thế đương kim nữ Thủ tướng Julia Gillard.

Đó là cuộc đảo chính thứ hai trong vòng hơn ba năm tại Úc. Lần trước, ngày 24/6/2010, Julia Gillard, lúc ấy là Phó thủ tướng, đảo chính Kevin Rudd để lên nắm quyền.

Suốt ba năm và hai ngày giữa hai cuộc đảo chính là vô số các âm mưu giành giật quyền lực, lúc âm thầm lúc lộ liễu, khiến chính trường Úc nhiều lúc giống như một sân khấu đầy kịch tính, trên đó, ngoài hai diễn viên chính, Kevin Rudd và Julia Gillard, còn lố nhố các diễn viên phụ khác.

Sinh năm 1957, Kevin Rudd là một người có máu chính trị gần như bẩm sinh. Mười lăm tuổi, tham gia đảng Lao Động; 24 tuổi, sau khi học xong Cử nhân về Á châu học (ngành học chính là ngôn ngữ và văn hóa Trung Quốc), ông làm việc trong ngành ngoại giao; 41 tuổi trở thành Dân biểu Quốc Hội liên bang; tám năm sau, trở thành lãnh tụ đảng Lao Động (thay thế Kim Beazley); một năm sau đó, trong cuộc bầu cử năm 2007, ông đánh bại đương kim Thủ tướng John Howard để trở thành Thủ tướng thứ 26 của Úc vào lúc vừa được 50 tuổi.

Một hai năm đầu, Kevin Rudd được xem là một vị Thủ tướng rất giàu sáng kiến và đầy quyền lực. Giới bình luận chính trị khen ông có đầu óc chiến lược, tận tụy, làm việc không biết mệt mỏi. Nhưng sau, tiếng tăm và uy tín của ông cứ mờ dần. Cung cách làm việc quá chi li (micro-management) của ông khiến nhiều người trong đảng bất mãn. Ngày 23/6/2010, Phó Thủ tướng Julia Gillard tuyên bố không đồng ý với cách làm việc của ông và thách thức ông tổ chức cuộc bầu cử trong nội bộ các dân biểu và nghị sĩ trong đảng. Sau mấy tiếng đồng hồ thăm dò, biết mình thua, ông tuyên bố từ chức và Julia Gillard lên thay thế. Cuộc “đảo chính” diễn ra một cách gọn gàng và nhanh chóng trong một buổi tối. Nhiều người Úc, tối, ngủ sớm, hoặc không theo dõi tin tức, sáng 24/6 thức dậy, mới biết nước mình có Thủ tướng mới. Và là nữ Thủ tướng đầu tiên trong lịch sử.

Nhiều người tưởng Kevin Rudd sẽ từ bỏ chính trị. Nhưng không. Mất chức Thủ tướng, ông nhận làm Bộ trưởng Ngoại giao dưới quyền của tân Thủ tướng Julia Gillard. Làm việc chung, nhưng quan hệ giữa hai người hoàn toàn lạnh nhạt, có lúc, đầy căng thẳng. Họ không những thù ghét nhau mà còn có những toan tính chính trị khác hẳn nhau. Có lúc đâm sau lưng nhau, nếu có thể.

Cuối tháng 2 năm 2012, Kevin Rudd lại thách thức quyền lãnh đạo của Julia Gillard. Nhưng trong cuộc bầu cử trong nội bộ đảng, ông chỉ được 31 phiếu trong khi bà Gillard được đến 71 phiếu. Thất bại, ông rút vào hàng ghế sau (backbench, chỉ những dân biểu và nghị sĩ không nắm giữ chức vụ nào trong chính phủ, thường ngồi ở các dãy ghế sau cùng trong phòng họp Quốc Hội), và tuyên bố sẽ không tranh giành chức lãnh tụ đảng Lao Động với bà Gillard nữa.

Tuy nhiên, ngày 21 tháng 3 năm 2013, một số bộ trưởng ủng hộ Kevin Rudd trong nội các của bà Gillard lại yêu cầu bà tổ chức bầu cử trong nội bộ đảng lại lần nữa. Bà Gillard đồng ý. Nhưng sau khi thăm dò tình hình, biết sẽ không thắng được bà Gillard nên ông Rudd tuyên bố rút lui. Cuối cùng bà Gillard vẫn là lãnh tụ đảng và vẫn là Thủ tướng.

Có điều, uy tín của bà Gillard trong dân chúng vẫn tiếp tục xuống thấp. Nhiều người khen bà thông minh và đảm lược, nhưng sau một số lần thất hứa, dân chúng không còn tin bà nữa. Theo các cuộc thăm dò dư luận, số người ủng hộ đảng Lao Động dưới sự lãnh đạo của bà Gillard càng ngày càng giảm. Nếu bầu cử diễn ra, chắc chắn đảng Lao Động sẽ đại bại. Điều đó khiến nhiều người lo lắng. Nhiều tờ báo lớn tại Úc (như The Age và Sydney Morning Herald) viết xã luận kêu gọi Thủ tướng Julia Gillard nên từ chức. Họ công nhận bà Gillard thông minh và có năng lực, làm được rất nhiều việc trong những tình thế thật khó khăn, nhưng việc bà thiếu sự tín nhiệm từ trong đảng đến ngoài quần chúng không phải là một dấu hiệu lành mạnh cho nền dân chủ tại Úc. Triển vọng liên đảng đối lập thắng lớn, chiếm đại đa số ghế trong Quốc Hội, dưới mắt mọi người có ý thức chính trị, là một nguy cơ đối với dân chủ. Theo họ, dân chủ chỉ thực sự được bảo đảm nếu, một, tương quan lực lượng giữa đảng cầm quyền và đảng đối lập không có khoảng cách quá lớn; và hai, lực lượng đối lập phải mạnh đủ để kiểm soát chính phủ. Bởi vậy, các nhà báo kêu gọi bà Gillard ra đi để trước hết, bảo vệ các thành tích bà đã đạt được; và sau đó, tránh tình trạng đảng Lao Động bị thua quá nặng có thể ảnh hưởng đến tính cạnh tranh và sinh hoạt dân chủ trong nền chính trị Úc.

Julia Gillard bác bỏ các lời kêu gọi của báo chí. Bà khẳng định vẫn tiếp tục lãnh đạo đảng Lao Động và tiếp tục làm Thủ tướng cho đến ngày bầu cử dự định sẽ tổ chức vào ngày 14 tháng 9. Có điều nhiều Bộ trưởng cũng như nhiều dân biểu và nghị sĩ thuộc đảng Lao Động lại không chấp nhận viễn tượng bị thất cử và hậu quả là đảng Lao Động có thể bị đẩy vào vị thế đối lập trong cả một, hai thập niên sắp tới. Vì vậy, nhiều người trong họ lại vận động cho ông Kevin Rudd lên làm lãnh tụ trở lại.

Bảy giờ tối ngày Thứ Tư 26/6, các dân biểu và nghị sĩ đảng Lao Động lại họp và bầu cử lãnh tụ. Sau hơn một tiếng đồng hồ họp, kết quả được công bố: Ông Rudd được 57 phiếu; bà Gillard được 45 phiếu. Một tiếng sau đó, lúc 9 giờ 15 tối, bà Gillard tổ chức họp báo, tuyên bố từ chức Thủ tướng và chúc mừng người thắng cuộc, Kevin Rudd. Bà cũng cho biết bà sẽ không ra tranh cử trong cuộc bầu cử sắp tới, nghĩa là, sẽ vĩnh biệt sân khấu chính trị. Hơn một tiếng đồng hồ sau đó, lúc đã hơn 10 giờ rưỡi, Kevin Rudd tổ chức họp báo và khen ngợi Gillard là một phụ nữ thông minh, can đảm và tận tụy.

Sáng sớm ngày hôm sau, Kevin Rudd chính thức tuyên thệ làm Thủ tướng mới của Úc. Lần thứ hai.

Có lẽ các bạn đọc ở ngoài nước Úc khó hình dung tại sao ở Úc việc thay đổi Thủ tướng lại dễ dàng như vậy. Chỉ xin lưu ý là hệ thống chính trị tại Úc giống Anh nhưng lại khác hẳn Mỹ hay những nước theo Tổng thống chế. Ở Úc – cũng như ở Anh – dân chúng không trực tiếp bầu người lãnh đạo cao nhất nước (là Thủ tướng, trong khi Nữ Hoàng chỉ giữ vai trò tượng trưng). Họ chỉ bầu cho đảng. Đảng nào chiếm nhiều phiếu nhất trong Hạ viện sẽ lên cầm quyền và lãnh tụ của đảng ấy sẽ nắm chức Thủ tướng. Bởi vậy, khi đảng quyết định thay đổi lãnh tụ, họ cũng đồng thời thay đổi cả Thủ tướng.

Khi nào thì người ta có thể quyết định thay đổi lãnh tụ? Trên nguyên tắc, bất cứ lúc nào cũng được, với điều kiện có ít nhất một phần ba số dân biểu và nghị sĩ trong đảng yêu cầu. Trong cuộc bầu cử, người nào được nhiều phiếu nhất, người đó sẽ lên làm lãnh tụ, và do đó, lên làm Thủ tướng.

Ở đây, có hai điều cần được nhấn mạnh:

Thứ nhất, do cơ chế dân chủ tại Úc quá vững vàng, việc thay đổi Thủ tướng không hề gây nên bất cứ một xáo trộn nào trong sinh hoạt chính trị cũng như đời sống của dân chúng cả. Đã đành mỗi Thủ tướng có thể có một số chính sách riêng, nhưng, một, phần lớn các chính sách ấy cũng đều nằm trong khung chính sách chung của đảng; hai, ngay cả khi nó nằm ngoài chủ trương chung của đảng thì nó vẫn cần phải được Quốc Hội thông qua; và ba, bộ máy nhà nước, với nhân viên các cấp, vẫn tiếp tục làm việc bất kể mọi sự thay đổi từ bên trên.

Thứ hai, tôi đoán một số “dư luận viên” ở trong nước, đọc những lời tường thuật và bình luận ở trên, sẽ tìm cách biện hộ cho đảng và chính phủ của họ: Ừ, thì Úc cũng giống Việt Nam thôi: Thủ tướng do đảng cầm quyền chỉ định chứ dân chúng đâu được bầu! Nhưng ở đây lại có bốn sự khác biệt về bản chất: Một, tại Úc, đảng cầm quyền là do dân chúng bầu chứ không phải bị áp đặt, thậm chí, áp đặt ngay từ trong Hiến pháp (điều 4) như ở Việt Nam; hai, ở Úc, bầu là bầu thật, bầu một cách dân chủ với sự tham gia của nhiều đảng phái khác nhau chứ không phải là bầu cử vờ vĩnh lấy lệ dưới chế độ độc đảng như ở Việt Nam; ba, nếu Thủ tướng không còn được tín nhiệm thì sẽ bị thay thế ngay tức khắc (chứ không giống cái kẻ bị rất nhiều phiếu “tín nhiệm thấp” vẫn cứ có thể ung dung ngồi lì trên ghế như Nguyễn Tấn Dũng); và bốn, nếu Thủ tướng và đảng cầm quyền bị dân chúng không tín nhiệm nữa thì họ sẽ mất tất cả trong kỳ bầu cử kế tiếp (cứ ba năm thì được tổ chức một lần!)

Với các đặc điểm kể trên, cái gọi là đảo chính ở Úc khác hẳn kinh nghiệm đảo chính chúng ta thường biết. Đảo chính ở Úc không có máu me, đã đành; nó cũng không có cả nước mắt nữa. Các quan sát viên chính trị tại Úc ghi nhận, đọc bài diễn văn từ giã ngay sau khi bị thua phiếu và mất chức vào tối ngày 26/6, đôi mắt của Julia Gillard, tuy thoáng buồn, nhưng vẫn ráo hoảnh. Không một giọt nước.

* Blog của Tiến sĩ Nguyễn Hưng Quốc là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.
  • 16x9 Image

    Nguyễn Hưng Quốc

    Nhà phê bình văn học, nguyên chủ bút tạp chí Việt (1998-2001) và đồng chủ bút tờ báo mạng Tiền Vệ (http://tienve.org). Hiện là chủ nhiệm Ban Việt Học tại trường Đại Học Victoria, Úc. Đã xuất bản trên mười cuốn sách về văn học Việt Nam.

VOA Express

XS
SM
MD
LG