Đường dẫn truy cập

Sơ lược kế hoạch của Ukraine nhằm thúc đẩy Nga đàm phán chấm dứt chiến tranh


Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy chuẩn bị phát biểu tại Hội đống NATO-Ukraine tại trụ sở NATO ở Brussels, Bỉ, ngày 17/10/2024
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy chuẩn bị phát biểu tại Hội đống NATO-Ukraine tại trụ sở NATO ở Brussels, Bỉ, ngày 17/10/2024

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy đã tiết lộ một phần kế hoạch năm điểm của mình nhằm thúc đẩy Nga chấm dứt chiến tranh thông qua đàm phán. Một yếu tố quan trọng sẽ là lời mời Ukraine chính thức gia nhập NATO, mà các nước phương Tây vẫn chưa muốn xem xét cho đến khi chiến tranh kết thúc.

Ông Zelenskyy đã phác thảo kế hoạch trước Quốc hội Ukraine vào ngày 16/10 mà không tiết lộ các yếu tố bí mật đã được trình bày riêng với các đồng minh quan trọng, bao gồm cả Hoa Kỳ.

Lời mời gia nhập NATO

Phần đầu tiên của kế hoạch bao gồm việc chính thức mời Ukraine gia nhập NATO trong tương lai gần.

Mặc dù điều này không có nghĩa là Ukraine sẽ trở thành thành viên cho đến khi chiến tranh kết thúc, nhưng nó sẽ báo hiệu một “bằng chứng về sự quyết tâm” và chứng minh cách các đối tác phương Tây nhìn nhận Ukraine trong “kiến trúc an ninh”, ông Zelenskyy nói.

“Trong nhiều thập niên, Nga đã khai thác sự bất ổn về địa chính trị ở châu Âu, đặc biệt thực tế là Ukraine không phải là thành viên NATO”, ông Zelenskyy nói. “Điều này đã khiến Nga xâm phạm an ninh của chúng ta”.

Ông mô tả lời mời gia nhập NATO là “thực sự cơ bản cho hòa bình” ở Ukraine.

Các đối tác của NATO đã ngần ngừ mời Ukraine tham gia trong khi chiến tranh vẫn đang diễn ra, và yêu cầu của ông Zelenskyy đã đặt liên minh quân sự NATO vào thế khó.

Kể từ khi cuộc xâm lược toàn diện của Nga bắt đầu vào năm 2022, liên minh NATO đã phải đối mặt với những thách thức trong việc tìm cách đưa Ukraine lại gần hơn mà không cần chính thức đưa ra lời mời.

Tại hội nghị thượng đỉnh ở Washington vào tháng 7, ba mươi hai thành viên của NATO đã tuyên bố Ukraine đang trên con đường “không thể đảo ngược” để trở thành thành viên. Nhưng bất kỳ quyết định nào về việc đề nghị bắt đầu các cuộc đàm phán về tư cách thành viên đều không có khả năng xảy ra trước hội nghị thượng đỉnh tiếp theo ở Hà Lan vào tháng 6.

Quốc phòng

Phần thứ hai, có tên là quốc phòng, tập trung vào việc tăng cường năng lực của Ukraine trong việc giành lại lãnh thổ và “đưa chiến tranh trở lại lãnh thổ Nga”.

Điều này bao gồm việc tiếp tục các hoạt động quân sự ở Nga với mục đích tăng cường khả năng của Ukraine trong việc đẩy lùi các lực lượng Nga khỏi các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng ở Ukraine.

Nó cũng sẽ bao gồm việc tăng cường phòng không và cùng nhau đánh chặn phi đạn và máy bay không người lái của Nga với các nước láng giềng dọc theo biên giới quốc tế. Ukraine muốn mở rộng việc sử dụng máy bay không người lái và phi đạn của Ukraine, đồng thời dỡ bỏ các hạn chế đối với việc sử dụng vũ khí do phương Tây cung cấp để tấn công tầm xa vào cơ sở hạ tầng quân sự bên trong nước Nga.

Ukraine cũng tìm cách tiếp cận nhiều hơn với thông tin tình báo rộng lớn hơn từ các đồng minh và dữ liệu vệ tinh thời gian thực. Phần này của kế hoạch có các yếu tố bí mật mà chỉ các đồng minh có “tiềm năng hỗ trợ có liên quan” mới có thể tiếp cận được, ông Zelenskyy cho biết.

Ông nói Ukraine đã cung cấp cho các đối tác “lý do chính đáng rõ ràng về mục tiêu của mình, cách Ukraine định đạt được mục tiêu và điều này sẽ làm giảm khả năng tiếp tục chiến tranh của Nga tới mức nào”.

Các đối tác phương Tây đã cảnh giác với việc Ukraine sử dụng vũ khí được tài trợ cho bất kỳ mục đích nào khác ngoài mục đích phòng thủ, vì sợ bị lôi kéo vào cuộc xung đột.

Ukraine từ lâu đã vận động hành lang để Hoa Kỳ dỡ bỏ các hạn chế về việc sử dụng vũ khí tầm xa của phương Tây để tấn công sâu vào bên trong nước Nga, nhưng lằn ranh đỏ của chính quyền Biden vẫn không thay đổi ngay cả sau chuyến thăm gần đây của ông Zelenskyy tới thủ đô Washington.

Răn đe

Trong phần răn đe của kế hoạch, Ukraine kêu gọi triển khai “một gói răn đe phi hạt nhân toàn diện trên lãnh thổ của mình, đủ để bảo vệ đất nước khỏi mọi mối đe dọa quân sự do Nga gây ra”.

Ông Zelenskyy không nêu chi tiết về biện pháp răn đe phi hạt nhân như vậy, nhưng ông cho biết biện pháp này sẽ được sử dụng để chống lại các mục tiêu quân sự cụ thể của Nga, nghĩa là Nga sẽ “phải đối mặt với việc mất đi cỗ máy chiến tranh của mình”.

Ông cho biết khả năng này sẽ hạn chế các lựa chọn của Nga để tiếp tục hành động xâm lược và thúc đẩy nước này tham gia vào một tiến trình ngoại giao công bằng để giải quyết chiến tranh.

Ông nói các yếu tố được phân loại của phần này đã được chia sẻ với Hoa Kỳ, Vương quốc Anh, Pháp, Ý và Đức. Ông Zelenskyy cho biết các quốc gia khác có khả năng đóng góp cũng sẽ được thông báo.

Kinh tế

Phần thứ tư tập trung vào việc phát triển tiềm năng kinh tế chiến lược của Ukraine và tăng cường các chế tài đối với Nga.

Ông Zelenskyy nhấn mạnh rằng Ukraine rất giàu tài nguyên thiên nhiên, bao gồm các kim loại cực kỳ quan trọng “có giá trị hàng nghìn tỷ đô la Mỹ”, chẳng hạn như uranium, titan, lithium, than chì, v.v.

Ông nói “Các mỏ tài nguyên quan trọng của Ukraine, kết hợp với tiềm năng đáng kể trên toàn cầu về sản xuất năng lượng và lương thực, là một trong những mục tiêu chính của Nga trong cuộc chiến này”. Nhưng nó cũng “đại diện cho cơ hội tăng trưởng của chúng tôi”.

Ông cho biết thành phần kinh tế của kế hoạch cũng bao gồm một phụ lục bí mật chỉ được chia sẻ với các đối tác được chọn.

“Ukraine đưa ra … một thỏa thuận đặc biệt để bảo vệ chung các nguồn tài nguyên quan trọng của Ukraine, đầu tư chung và sử dụng tiềm năng kinh tế của nó”, ông nói. “Đây cũng là hòa bình thông qua sức mạnh — sức mạnh kinh tế”.

Giai đoạn hậu chiến

Phần thứ năm hướng đến giai đoạn hậu chiến. Ông Zelenskyy tuyên bố rằng Ukraine sẽ có một đội quân lớn gồm các quân nhân giàu kinh nghiệm sau chiến tranh.

“Đây là những người lính của chúng ta — những chiến binh sẽ sở hữu kinh nghiệm thực tế trong chiến tranh hiện đại, sử dụng thành công vũ khí phương Tây và tương tác rộng rãi với các lực lượng NATO”, ông nói. “Kinh nghiệm của Ukraine này nên được sử dụng để tăng cường khả năng phòng thủ của liên minh và đảm bảo an ninh ở châu Âu. Đây là một nhiệm vụ xứng đáng cho những người anh hùng của chúng ta”.

Ông cũng nói rằng, với sự chấp thuận của các đối tác, các đơn vị Ukraine có thể thay thế một số đơn vị quân sự nhất định của Hoa Kỳ đang đồn trú tại châu Âu.

Diễn đàn

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG