Đường dẫn truy cập

Sinh viên Miến Điện tìm thấy hy vọng trong sự phục hưng đại học


Công nhân sửa chữa cổng vào trường Đại học Rangoon ở Miến Điện.
Công nhân sửa chữa cổng vào trường Đại học Rangoon ở Miến Điện.
Các trường đại học ở Miến Điện có thời được xem là những trường tốt nhất trong vùng Đông Á. Nhưng nhiều năm quản lý sai trái và một quá trình quốc hữu hóa tai hại đã khiến cho hệ thống giáo dục của nước này bị suy sụp tới độ hầu hết các sinh viên ai nấy cũng đều muốn ra nước ngoài để tìm kiếm những cơ hội giáo dục tốt hơn. Lãnh tụ đối lập Aung San Suu Kyi đã đặt mục tiêu chấn hưng giáo dục làm ưu tiên hàng đầu kể từ khi bà trở thành đại biểu quốc hội.

Một cuộc triễn lãm du học Mỹ mới đây ở Rangoon đã thu hút rất nhiều sinh viên Miến Điện, những người đang nuôi mối hy vọng theo học đại học tại một nước có nhiều trường đại học thuộc loại tốt nhất thế giới. Đây là cuộc triễn lãm du học Mỹ được tổ chức ở Miến Điện lần đầu tiên trong nhiều thập niên -- kết quả của việc Washington thu hồi các biện pháp chế tài sau khi Tổng thống Miến Điện Thein Sein tiến hành cải cách chính trị.

Đại sứ Hoa Kỳ tại Miến Điện, ông Derek Mitchell, cho biết ông hy vọng các sinh viên Miến Điện có thể sang Mỹ du học, nhưng đồng thời hệ thống giáo dục ở đây cũng cần phải được cải thiện.

Ông Mitchell cho biết: "Điều quan trọng nhất là cải thiện hệ thống giáo dục bản xứ. Và tuy chúng ta đang nói về các trường đại học, nhưng có rất nhiều việc xảy ra trước khi chúng ta vào đại học. Giáo dục bậc tiểu học, giáo dục bậc trung học, tất cả đều cần được cải thiện."

Khi các trường đại học ở Miến Điện bị quốc hữu hóa vào năm 1964, chính phủ nắm quyền kiểm soát giáo trình, và điều đó có nghĩa là những môn học như lịch sử và khoa học chính trị trở thành những môn có nhiều điều cấm kỵ. Nhưng trong thời gian gần đây, sau khi tiến hành cải cách chính trị, giới hữu trách đã bắt đầu để cho học sinh sinh viên tham gia những lớp học có nói tới những vấn đề nhạy cảm như lịch sử của nạn xung đột sắc tộc ở Miến Điện.

Cô May Nyein Chan đang học một lớp sử học được giảng dạy với sự phối hợp của Trung tâm Hoa Kỳ do sứ quán Mỹ điều hành. Cô cho biết như sau:

Cô May nói: "Trước đây tôi không nghĩ là tôi có thể theo học một lớp học như thế này - đó là một việc bất hợp pháp. Trước đây tôi chưa bao giờ tham gia một chuyến nghiên cứu thực địa như thế này."

Lãnh tụ đối lập Aung San Suu Kyi đặt mục tiêu chấn hưng giáo dục làm ưu tiên hàng đầu kể từ khi bà trở thành đại biểu quốc hội
Lãnh tụ đối lập Aung San Suu Kyi đặt mục tiêu chấn hưng giáo dục làm ưu tiên hàng đầu kể từ khi bà trở thành đại biểu quốc hội
Các trường đại học ở Miến Điện là trung tâm của những cuộc nổi dậy đòi dân chủ không ngừng xảy ra trong 50 năm qua. Chính quyền quân nhân đã đóng cửa các trường này trong chiến dịch trấn áp những tiếng nói bất đồng.

Ông Thein Lwin, một người tốt nghiệp từ Đại học Rangoon, đã thành lập một ủy ban để đưa ra những khuyến nghị cho quốc hội về chính sách giáo dục mới. Ông cho rằng thái độ của chính phủ về học đường và giáo dục cần phải thay đổi một cách triệt để. Nhưng ông nói thêm rằng cần có thời gian để sửa chữa những thiệt hại do chính quyền trước đây gây ra.

Ông Lwin nói: "Sinh viên phải được tự do thành lập hội đoàn. Các đại diện sinh viên phải được tham gia vào quản trị đại học. Đại học phải là nơi phê phán các vấn đề của đất nước."

Trong khi đó, những sinh viên đang hy vọng có thể tiếp tục công việc học tập vẫn muốn đi ra nước ngoài.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG