Hội Triết học Việt Nam vừa được thành lập và ra mắt tại Hà Nội hôm 20/9, các báo Nhân Dân, Thanh Niên và Lao Động đưa tin.
Dự đại hội thành lập hội này, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng bày tỏ hy vọng hội sẽ giúp Việt Nam có những triết gia, nhà nghiên cứu triết học “tầm cỡ khu vực và thế giới”, vẫn Nhân Dân, Thanh Niên và Lao Động tường thuật.
Tuy nhiên, nói với VOA, một nhà nghiên cứu cao cấp thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam cho rằng kỳ vọng nêu trên khó có thể được hiện thực hóa.
Các báo nhà nước trích lời vị Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương nhấn mạnh rằng vai trò, trách nhiệm quan trọng của Hội Triết học là “nghiên cứu khoa học, tư vấn chính sách”, cũng như “đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực có tri thức và tư duy triết học cao”.
Trưởng ban Thưởng nói hội cần “đẩy mạnh nghiên cứu tinh hoa triết học thế giới, nghiên cứu tư tưởng triết học Việt Nam”.
Nếu Hội Triết học này cho phép công bố, nghiên cứu, biên soạn những tài liệu về các trường phái triết học khắp nơi trên thế giới, từ cổ chí kim, đông chí tây, thì đấy là chỉ dấu tốt. Nhưng tôi không hy vọng như vậy là có thể tốt được, bởi vì bao nhiêu lâu nay Việt Nam chỉ có một triết học là triết học Mác - Lê-nin làm độc tôn.Tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện
Nhưng theo tường thuật của báo nhà nước, ông Thưởng dành nhiều thời gian hơn để nói về việc hội cần “nghiên cứu và phát triển triết học Mác - Lê-nin, tư tưởng triết học Hồ Chí Minh; góp phần làm sáng tỏ vai trò của triết học Mác - Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh với tính cách là bộ phận cấu thành quan trọng trong nền tảng tư tưởng” của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Bình luận về việc thành lập Hội Triết học, tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện thuộc Viện Nghiên cứu Hán Nôm, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, nói với VOA:
“Nếu Hội Triết học này cho phép công bố, nghiên cứu, biên soạn những tài liệu về các trường phái triết học khắp nơi trên thế giới, từ cổ chí kim, đông chí tây, thì đấy là chỉ dấu tốt. Nhưng tôi không hy vọng như vậy là có thể tốt được, bởi vì bao nhiêu lâu nay Việt Nam chỉ có một triết học là triết học Mác - Lê-nin làm độc tôn”.
Trong phát biểu tại lễ thành lập và ra mắt Hội Triết học, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng đưa ra tầm nhìn là hội phải có vai trò “vun đắp, bồi dưỡng, để Việt Nam có những triết gia, chuyên gia nghiên cứu triết học tầm cỡ khu vực và thế giới”.
Về điều này, tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện nhắc đến thực tế là Việt Nam đến nay “đã có bao nhiêu là những giáo sư, tiến sĩ, học giả lừng danh về triết học Mác - Lê-nin rồi”, còn nếu ông Thưởng và Đảng Cộng sản Việt Nam kỳ vọng về điều gì khác, tiến sĩ Diện chỉ ra bài học từ quá khứ:
“Việc nghiên cứu và mong mỏi có những triết gia có tầm cỡ, cái đó đảng phải tự xem lại. Bởi vì ngay cả giáo sư triết học Trần Đức Thảo, khi ông lừng danh là một nhà nghiên cứu triết học, khi ông về Việt Nam ông có được sử dụng đâu, và ông có cuộc đời đau khổ quá”.
Sách báo của nhà nước Việt Nam viết rằng giáo sư Trần Đức Thảo là “người duy nhất được xem là nhà triết học tại Việt Nam” vì ông được đào tạo bài bản về triết học ở Pháp kể từ giữa thập niên 1930, từng là giáo sư tại Đại học Sorbonne, Paris, những năm 1938-1945.
Ông Thảo trở về Việt Nam năm 1952, tham gia kháng chiến chống Pháp. Sau đó, có thời gian ông nắm các chức vụ Phó Giám đốc Đại học Sư phạm, Chủ nhiệm Khoa sử Đại học Tổng hợp Hà Nội.
... ngay cả giáo sư triết học Trần Đức Thảo, khi ông lừng danh là một nhà nghiên cứu triết học, khi ông về Việt Nam ông có được sử dụng đâu, và ông có cuộc đời đau khổ quá.Tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện
Tuy nhiên, cuộc đời giáo sư Thảo phải chịu nhiều mất mát khi bị chính quyền quy là dính líu đến phong trào Nhân văn Giai phẩm đòi tự do, dân chủ vào các năm 1956-1957. Năm 1991, ông sang Pháp chữa bệnh và mất tại Paris vào năm 1993.
Tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện, trước đây ở sát nhà với giáo sư Trần Đức Thảo tại khu Kim Liên, Hà Nội, nhớ lại rằng khi bình tro cốt của giáo sư Thảo được đưa từ nước ngoài về, “tổ dân phố” không cho đưa lên nhà, phải để ở gầm cầu thang, rồi rốt cuộc họ lại ép tiếp phải chuyển đi nơi khác. Ông Diện nói với VOA:
“Đối xử với các nhà triết học lừng danh như vậy thì còn mong gì là có những sản phẩm của những nhà triết học nghiên cứu những triết học ngoài Mác - Lê-nin được”.
Phải đến những năm 2000, một số tác phẩm và công trình nghiên cứu của giáo sư Trần Đức Thảo mới chính thức trở lại với giới nghiên cứu, bạn đọc trong nước, theo báo chí Việt Nam. Mùa hè năm 2020, tên của giáo sư Thảo được đặt cho một con phố ở thành phố Hồ Chí Minh.
Trên Facebook cá nhân, tiến sĩ Nguyễn Quang A đưa ra ý kiến: “Dưới ách của cảnh sát tư tưởng của các vị, thì chỉ có thể có bọn tự nhận là ‘triết gia’ chứ lấy đâu ra triết gia hạng bét, nói chi đến triết gia hạng vừa mà mong với chả muốn”.
Bên cạnh kỳ vọng là Hội Triết học sẽ mang lại cho Việt Nam những triết gia, nhà nghiên cứu tầm cỡ, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng cũng đề nghị hội “tư vấn chính sách”, “cung cấp cơ sở lý luận triết học cho việc hoạch định đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước”, và “đẩy mạnh đấu tranh phê phán, bác bỏ các quan điểm triết học sai trái, thù địch, đi ngược lại với lợi ích của dân tộc, đất nước”.
Tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện cho rằng lời “đặt hàng” của ông Thưởng với Hội Triết học là thừa vì bao nhiêu năm nay, nhiều nhân sĩ, trí thức đã đưa ra những đường hướng, đề xuất những giải pháp, chỉ ra những triết lý để kinh tế, văn hóa, giáo dục, chính trị của Việt Nam phát triển một cách lành mạnh và có tư tưởng tiến bộ, nhưng họ “không được mời đến đối thoại” với ông Thưởng.
Trái lại, không ít người trong số những người muốn đối thoại đã bị khai trừ khỏi đảng hoặc bị bỏ tù, ông Diện nói.
Còn về việc “đấu tranh, phê phán, bác bỏ các quan điểm sai trái, thù địch”, tiến sĩ Diện cũng cho rằng không cần đến Hội Triết học vì Ban Tuyên giáo, Bộ Công an và Bộ Thông tin-Truyền thông đã “làm tốt lắm rồi”.