Nhà ga quốc tế (T2) tại sân bay Đà Nẵng trở thành cơ sở đầu tiên thuộc loại này ở Đông Nam Á được phía Trung Quốc cấp chứng nhận Welcome Chinese (Chào mừng người Trung Quốc), các báo Việt Nam đưa tin, dẫn lời Sở Du lịch Đà Nẵng hôm 12/12.
Hãng vận hành sân bay Đà Nẵng, có tên viết tắt là AHT, nói với báo giới trong nước rằng chứng nhận này khẳng định ga T2 của sân bay “thấu hiểu và đáp ứng đầy đủ nhu cầu của du khách Trung Quốc”, đồng thời giúp tăng cường quảng bá về Đà Nẵng là điểm đến thuận tiện, hấp dẫn đối với du khách Trung Quốc.
Ga T2 đã đáp ứng 11 tiêu chí để được cấp chứng nhận Welcome Chinese, theo báo chí Việt Nam. Đó là hiển thị tiếng Trung lên các bảng chỉ dẫn, màn hình thông tin chuyến bay, thực đơn các nhà hàng, bản đồ, website..., cũng như có nhân viên nói tiếng Trung.
Bên cạnh đó là cung cấp nước nóng miễn phí, có các cửa hàng thanh toán được qua UnionPay, Wechat Pay, có quầy hoàn thuế, cùng với một số tiêu chí khác.
Ngoài T2 của Việt Nam mới nhận chứng chỉ, đã có 8 sân bay khác trên thế giới ở Ý, Pháp, Nga, Tây Ban Nha và Ả rập Xê út đạt chứng nhận Welcome Chinese, trong đó riêng Ý có 4 sân bay.
Theo tìm hiểu của VOA, chứng nhận Welcome Chinese là một thương hiệu và tiêu chuẩn về các dịch vụ du lịch, khách sạn, nhà hàng…, ra đời năm 2013 và do Học viện Du lịch Trung Quốc (CTA) cấp. Học viện này là một cơ quan nghiên cứu có trụ sở ở Bắc Kinh và trực thuộc Tổng cục Du lịch Quốc gia Trung Quốc.
Trang web của Welcome Chinese nói rằng thương hiệu này có sứ mệnh giúp đỡ các doanh nghiệp làm ăn với thị trường du lịch Trung Quốc, bao gồm cả việc giúp trang bị kiến thức cho các đối tác để họ chào đón tốt nhất các du khách Trung Quốc và trợ giúp du khách khi họ nghỉ tại địa phương.
Khi được cấp chứng nhận Welcome Chinese, các hãng đối tác sẽ được hưởng lợi vì tên tuổi của họ trở nên nổi bật hơn trên cả mạng lẫn trong các hoạt động quảng bá trên thị trường du lịch, theo trang web.
Trước đại dịch COVID-19 làm gián đoạn kinh tế và du lịch, Đà Nẵng đã đón khoảng 650.000 lượt khách du lịch Trung Quốc hồi năm 2019 và có 24 đường bay từ Trung Quốc đến thành phố sầm uất này nằm ven biển miền trung Việt Nam.
Bên cạnh du khách Trung Quốc là một lượng lớn những người Trung Quốc đến làm ăn, sinh sống ở Đà Nẵng, với nhiều hàng quán, biển hiệu dùng tiếng Trung rất dễ bắt gặp trong thành phố. Tuy nhiên, không có thống kê chính thức về số người Trung Quốc đang sống tại thành phố.
Báo chí Việt Nam trong nhiều năm, từ 2015 đến 2020, đã đăng nhiều các phóng sự điều tra nêu lên và cảnh báo về tình trạng người Trung Quốc sở hữu hơn 100 lô đất có vị trí trọng yếu ở Đà Nẵng.
Các báo như Người Lao Động và VNExpress vào năm 2020 dẫn lại thông tin từ Bộ Quốc phòng trả lời Quốc hội cho hay rằng từ năm 2011 đến 2015, ở ven biển Đà Nẵng có 134 lô, 1 thửa đất liên quan đến cá nhân, doanh nghiệp người Trung Quốc đang sở hữu hoặc "núp bóng" người khác để sở hữu và thuê của chính quyền Đà Nẵng, kể cả một số nơi ven sân bay Nước Mặn thuộc quân đội quản lý.
Cho đến trước đại dịch, tuyến đường ven biển Võ Nguyên Giáp mang tính điểm nhấn hàng đầu của Đà Nẵng được nhiều người đặt tên không chính thức là “phố người Hoa" bởi nơi này có nhiều nhà nhà hàng, khách sạn chuyên phục vụ khách Trung Quốc.
Diễn đàn