Một chiến lược Trung Quốc vạch ra trong tháng này đối với Đài Loan, một hòn đảo dân chủ tự trị, cho thấy quyết tâm của chính phủ Cộng sản trong việc thống nhất hai bên mà không cần đưa ra bất kỳ mối đe dọa mới nào, theo các chuyên gia.
Ông Denny Roy, thành viên cao cấp tại Trung tâm Đông Tây ở Hawaii, cho biết tuyên bố từ Văn phòng Các vấn đề Đài Loan chủ yếu khuyếch đại những tham vọng đã nêu trước đây của Trung Quốc.
Ông Lưu Kết Nhất, người đứng đầu Văn phòng Trung Quốc phụ trách các vấn đề Đài Loan, nói chiến lược này sẽ giải quyết các rủi ro liên quan đến Đài Loan bằng cách tạo ra một "môi trường thuận lợi", tờ South China Morning Post đưa tin.
Ông Lưu nói, Trung Quốc muốn hòa bình hơn là xung đột với Đài Loan và hứa hẹn một mức độ tự chủ theo mô hình “một quốc gia, hai hệ thống” nếu được thống nhất.
Ông nói “sức mạnh toàn diện" của chính phủ Trung Quốc sẽ giúp thống nhất hai bên và căng thẳng giữa họ sẽ mờ dần khi sức mạnh đó được xây dựng.
Ông Roy nói: “Bất cứ điều gì khiến Bắc Kinh nghĩ rằng thời gian đang đứng về phía họ là tốt, bởi vì điều đó củng cố cho trường hợp kiên nhẫn, thay vì tấn công trong tương lai gần vì tin rằng các xu hướng này không có lợi cho Trung Quốc”.
Giương oai diễu võ
Theo ông Lưu, thách thức lớn nhất đối với chiến lược này là người dân Đài Loan đang thúc đẩy độc lập.
Ông Brian Hioe, biên tập viên sáng lập của hãng truyền thông New Bloom có trụ sở tại Đài Loan, nói Đài Loan nên dự kiến sẽ có thêm những sự giương oai diễu võ, đặc biệt là sau tuyên bố vào giữa tháng 6 của Trung Quốc rằng eo biển giữa họ là vấn đề lãnh thổ chứ không phải là vấn đề quốc tế.
Trung Quốc đã tuyên bố chủ quyền đối với hòn đảo tự trị kể từ cuộc nội chiến Trung Quốc vào những năm 1940, khi Quốc dân đảng của Tưởng Giới Thạch thua những người Cộng sản của Mao Trạch Đông và đặt lại căn cứ ở Đài Loan, còn được gọi là Trung Hoa Dân Quốc. Bắc Kinh cho biết họ sẽ sử dụng vũ lực, nếu cần, để thống nhất hai bên. Trung Quốc và Đài Loan không có quan hệ ngoại giao chính thức và đã không nói chuyện kể từ năm 2015.
Kể từ giữa năm 2020, Lực lượng Không quân Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc đã điều máy bay chiến đấu và máy bay ném bom tới một phần của vùng nhận dạng phòng không Đài Loan hầu như mỗi ngày.
Tuần trước, để phản ứng trước chuyến thăm Đài Loan của Thượng nghị sĩ Mỹ Rick Scott, ông Wu Qian, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc, nói Bộ Tư lệnh phía Đông của họ đã tổ chức một cuộc “tuần tra an ninh sẵn sàng chiến đấu chung và các diễn tập huấn luyện chiến đấu” xung quanh không phận Đài Loan “để đáp trả trước các hành động thông đồng và khiêu khích xấu xa của Hoa Kỳ và khu vực Đài Loan,” theo truyền thông nhà nước Trung Quốc.
Tiếp sau các cam kết
Vào tháng 11, các nhà lãnh đạo Đảng Cộng sản cho biết họ sẽ đưa ra một chiến lược Đài Loan dựa trên tuyên bố của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Tuyên bố của văn phòng Đài Loan ngỏ ý sẽ tiếp tục theo dõi trước Đại hội Đảng lần thứ 20 vào cuối năm 2022, ông Roy nói. Đại hội này họp năm năm một lần.
Bà Joanna Lei, Giám đốc điều hành của Tổ chức Nghiên cứu Thế kỷ 21 Chunghua tại Đài Loan, nói tuyên bố của Văn phòng Các vấn đề Đài Loan không có mối đe dọa mới nào.
Phản hồi của Đài Bắc
Tại Đài Bắc ngày 12/7, Hội đồng Các vấn đề Đại lục của chính phủ đã bác bỏ chiến lược của Trung Quốc.
Phát ngôn viên của Hội đồng, Chiu Chui-cheng, nói: “Các quan chức ở Bắc Kinh không muốn nhìn đúng vào thực tế cơ bản rằng hai bờ Eo biển Đài Loan không liên kết với nhau.”
Hầu hết người dân Đài Loan phản đối việc thống nhất và dân Đài Loan nên được tự quyết định loại quan hệ nào họ muốn với Trung Quốc, ông Chiu nói trong một cuộc họp báo.
Một cuộc thăm dò được công bố vào đầu năm nay bởi Trung tâm Nghiên cứu Bầu cử của Đại học Quốc lập Chính trị cho thấy hơn phân nửa số cư dân Đài Loan muốn giữ nguyên hiện trạng vô thời hạn hoặc quyết định sau về vấn đề thống nhất với Trung Quốc.
Diễn đàn