Đường dẫn truy cập

Thỏa thuận lịch sử giữa Trung Quốc và Đài Loan


Thứ ba vừa qua, Trung Quốc và Đài Loan đã ký kết Hiệp định khung về hợp tác kinh tế, một thỏa thuận dấu mốc trong mối quan hệ của hai chính phủ từng là kẻ thù không đội trời chung của nhau trong hơn nửa thế kỷ. Các nhà phân tích cho rằng diễn tiến này có lẽ là cao điểm của quá trình cải thiện mối quan hệ Trung-Đài và có phần chắc là bất cứ một hành động hòa giải quan trọng nào giữa đôi bên cũng phải đợi cho tới sau kỳ bầu cử tổng thống ở Đài Loan vào năm 2012. Mời quí vị theo dõi thêm các chi tiết về việc này trong tiết mục Nhìn Về Á Châu do Duy Ái phụ trách sau đây.

Mối quan hệ giữa Trung Quốc và Đài Loan đã tiến vào một giai đoạn mới -- được gọi là thời đại “hậu-ECFA” theo tên tắt tiếng Anh của Hiệp định khung về hợp tác kinh tế mà đôi bên ký kết hôm thứ Ba vừa qua ở thành phố Trùng Khánh. Tại buổi lễ ký kết, Đặc sứ Giang Bỉnh Khôn của chính phủ Đài Loan tuyên bố như sau.

Ông Giang Bỉnh Khôn nói: "Thiết lập khung sườn để thúc đẩy hoạt động thương mại xuyên eo biển quả thật là một việc không thể chần chờ. Tôi nghĩ rằng việc ký kết Hiệp định khung về hợp tác kinh tế là một thành quả mang lại lợi ích cho cả đôi bên. Rồi đây, trong khung sườn hợp tác này, các hoạt động kinh tế thương mại của hai bên eo biển sẽ có được một môi trường thuận lợi và lâu bền để phát triển."

Để đáp lại, ông Trần Vân Lâm, đại diện của phía Trung Quốc, lên tiếng tán dương thỏa thuận có tính chất dấu mốc này.

Ông Trần Vân Lâm nói: "Tôi nghĩ rằng đây là một hiệp định bình đẳng và có lợi cho cả đôi bên. Đây cũng chính là một hiệp định có tính chất thiện chí, nêu bật tinh thần thông cảm và nhường nhịn lẫn nhau của hai phía. Hiệp định này xác định tinh thần cơ bản, nội dung, mục tiêu và biện pháp thực hiện của công cuộc hợp tác giữa hai bờ eo biển Đài Loan."

Hiệp định ECFA đã được ký kết tiếp theo sau những thỏa thuận về việc phục hồi sự thông thương trực tiếp giữa hai phần đất ở hai bờ eo biển Đài Loan trong 3 lãnh vực hàng hải, hàng không và bưu chính hồi cuối năm 2008, và dựa trên cơ sở của những mối liên hệ kinh tế ngày càng chặt chẽ. Từ đó tới nay các doanh nghiệp Đài Loan đã đầu tư hơn 100 tỉ đô la vào Trung Quốc, và số người Đài Loan cư trú và làm ăn ở phần đất mà họ gọi là Đại Lục đã lên tới mức trên dưới 1 triệu người, chiếm gần 5% dân số Đài Loan.

Theo hiệp định ECFA, Trung Quốc dành thuế suất ưu đãi cho hơn 500 loại sản phẩm của Đài Loan, và để đổi lại, hơn 260 loại sản phẩm của Trung Quốc sẽ được giảm thuế khi nhập vào Đài Loan. Các chuyên gia của Viện Kinh tế Quốc tế Peterson ở Washington ước tính rằng hiệp định này sẽ giúp GDP của Đài Loan tăng thêm 4,5% vào năm 2020, thay vì sẽ co cụm gần 1% trong trường hợp không có thương ước này.

Ông Lâm Tổ Gia, giáo sư kinh tế học của Đại học Chính trị ở Đài Bắc, cho biết như sau về lợi ích của hiệp định ECFA.

Ông Lâm Tổ Gia nói: "Điều này sẽ có lợi cho sự phát triển kinh tế của Đài Loan. Kim ngạch mậu dịch giữa đôi bên sẽ gia tăng sau khi các loại hàng hóa trao đổi được giảm thuế nhập khẩu. Hiện nay Đài Loan bán cho Trung Quốc khoảng 100 tỉ đô la mỗi năm và Trung Quốc bán cho Đài Loan khoảng 30 tỉ. Rồi đây lượng xuất siêu đối với Trung Quốc sẽ tiếp tục gia tăng và sẽ gián tiếp giúp cho kinh tế Đài Loan tăng trưởng, với mức gia tăng ước chừng 1,6% mỗi năm. Trung Quốc cũng sẽ hưởng lợi, và theo ước tính của chúng tôi, hiệp định này sẽ giúp cho tỉ lệ tăng trưởng GDP của Trung Quốc tăng thêm từ 0,3 đến 0,4%."

Tuy có những lợi ích rõ ràng như vậy, ECFA đã gặp phải sự chỉ trích khá dữ dội của nhiều người ở Đài Loan, đặc biệt là những người ủng hộ Đảng Dân Tiến. Đảng đối lập có chủ trương đòi độc lập cho Đài Loan đã yêu cầu tiến hành một cuộc trưng cầu dân ý để quyết định về việc có nên ký kết ECFA hay không, nhưng yêu cầu này đã bị đảng đương quyền của Tổng thống Mã Anh Cửu bác bỏ. Những người chỉ trích ECFA nói rằng thỏa thuận này khiến cho Đài Loan lệ thuộc nhiều hơn vào Trung Quốc và là bước đầu dẫn tới chỗ thống nhất với Hoa Lục. Tổng thống Mã Anh Cửu đã bác bỏ tố cáo vừa kể.

Ông Mã Anh Cửu cho biết như sau trong một cuộc họp báo mới đây ở Đài Bắc: "Đây là không phải là một hiệp định đạt được mục tiêu trong một bước. Hiệp định hợp tác kinh tế này là một hiệp định đạt được mục tiêu qua nhiều bước khác nhau. Vì vậy cho nên, sau hiệp định ECFA, đôi bên còn có nhiều vấn đề kinh tế và thương mại cần phải được thương thảo với nhau. Sau khi ký kết ECFA, chúng tôi sẽ không thảo luận ngay với Trung Quốc về các vấn đề chính trị hay sắp xếp cho việc gặp gỡ với các nhân vật lãnh đạo Trung Quốc. Thời cơ để tiến hành những hoạt động như vậy vẫn chưa chín mùi."

Giáo sư Lâm Tổ Gia của Đại học Chính trị tán đồng ý kiến này. Ông cho biết như sau trong cuộc phỏng vấn dành cho đài Tiếng Nói Hoa Kỳ.

Ông Lâm Tổ Gia nói: "Thương mại giữa hai nước gia tăng không có nghĩa là hai nước sẽ sáp nhập với nhau hay thống nhất với nhau. Trên thế giới hiện nay có hơn 400 hiệp định thương mại tự do (FTA) đã được ký kết giữa các nước, nhưng chúng ta không hề thấy trường hợp nào mà hai nước trở thành một nước sau khi ký kết FTA. Tôi nghĩ rằng đây là một vấn đề thuần túy kinh tế và có một khoảng cách lớn giữa hợp tác kinh tế với hợp tác chính trị. Tôi nghĩ rằng vấn đề độc lập hay thống nhất nên để cho người dân thông qua lá phiếu để quyết định."

Các nhà quan sát tình hình Đài Loan cho biết việc ký kết hiệp định ECFA có lẽ là cao điểm của quá trình cải thiện quan hệ giữa Đài Loan và Trung Quốc, ít nhất là trong vòng vài năm tới đây. Theo tường thuật của tờ Christian Science Monitor, số ra ngày 30 tháng 6, tỉ lệ ủng hộ của Tổng thống Mã Anh Cửu đã sút giảm mạnh trong lúc ông tận dụng vốn liếng chính trị của mình để thúc đẩy cho hiệp định ECFA - từ mức trên dưới 40% của giữa năm 2009 xuống còn 28% vào trung tuần tháng 6. Tờ Christian Science Monitor trích lời các nhà phân tích nói rằng có rất ít cơ hội để Đài Loan và Trung Quốc tiến hành những cuộc đối thoại về chính trị và quân sự. Họ cho rằng những thỏa thuận quan trọng như ECFA có phần chắc sẽ chỉ đạt được sau vài năm nữa và với điều kiện là ông Mã Anh Cửu hay ứng cử viên nào khác của Quốc Dân Đảng giành được thắng lợi trong cuộc bầu cử tổng thống vào năm 2012.

Mặc dù vậy, nhiều nhà quan sát cho rằng hiệp định ECFA chắc chắn sẽ có những ảnh hưởng vượt khỏi phạm vi kinh tế, thương mại. Các giới chức chính phủ Mỹ cho rằng thỏa thuận này là dấu hiệu khác nữa cho thấy sự cải thiện quan hệ giữa Đài Loan và Trung Quốc, và góp phần giảm thiểu khả năng Trung Quốc dùng sức mạnh để tìm cách tái thống nhất Đài Loan – phần đất mà Hoa Kỳ có trách nhiệm bảo vệ trong trường hợp bị tấn công.

Ông Trương Á Trung, giáo sư chính trị học của Đại học Quốc gia Đài Loan, tỏ ý hy vọng là hiệp định ECFA có thễ dẫn tới chỗ hợp nhất sâu rộng hơn trong những lãnh vực khác giữa Đài Loan với Trung Quốc.

Ông Trương Á Trung nói: "Đây là bước đầu tiên. Chúng ta đã bước được bước đầu. Tôi nghĩ rằng sau này Đài Loan nên có thái độ tự tin hơn để tiến hành những hoạt động giao lưu với phía Đại Lục. Bên cạnh giao lưu thương mại, chúng ta có thể giao lưu về xã hội, văn hóa và thậm chí còn có thể thực hiện một cuộc đối thoại về chính trị. Chúng ta cần phải tìm mọi cách để giúp cho Trung Quốc trở thành một xã hội cởi mở hơn, khai phóng hơn. Tôi cho rằng đây chính là đường hướng mà chúng ta nên theo đuổi.

Đường dẫn liên quan

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG