Đường dẫn truy cập

Thủ tướng Nga thăm Ấn Độ


Thủ tướng Nga Vladimir Putin dự trù sẽ thảo luận nhiều vấn đề song phương trong chuyến thăm chớp nhoáng đến Ấn Độ. Từ New Delhi, thông tín viên VOA Steve Herman gửi về bài tường thuật sau đây.

Thủ tướng Nga không xa lạ gì với Ấn Độ. Ông đã đi thăm nước này 4 lần trong 8 năm còn giữ chức Tổng thống. Trong chuyến thăm đầu tiên với tư cách thủ tướng Nga, ông sẽ được tháp tùng bởi các vị bộ trưởng chính phủ, các nhà thầu quốc phòng và các nhà quản trị kinh doanh.

Nga đang tìm cách duy trì vị thế là nước hàng đầu cung cấp vũ khí cho Ấn Độ, bất kể những quan hệ nồng ấm hơn về quốc phòng của quốc gia Nam Á này với Hoa Kỳ.

Cựu ngoại trưởng Ấn Độ, ông Lalit Mansingh, nói với đài VOA rằng ông Putin đáng được ghi công về việc phục hồi quan hệ vững chắc của thời Xô-viết đã bị lơi là dưới thời Tổng thống Yeltsin.

Ông Mansingh nói: “Ta có cảm tưởng rõ rệt là các cố vấn của ông Yeltsin đã nói với ông là nên bỏ rơi Ấn Độ, Ấn Độ không có hệ quả sách lược gì đối với Nga. Tôi cho rằng ông Putin đã điều chỉnh việc này khi ông lên nắm quyền vào năm 2000, và kể từ khi đó thì bang giao đã cải thiện đáng kể trong nhiều lãnh vực. Vậy, cho dù làm tổng thống hay thủ tướng thì ông vẫn là nhân vật chính trị quan trọng nhất ở Nga.”

Trong chuyến thăm kéo dài 21 tiếng đồng hồ của ông Putin, Ấn Độ và Nga dự trù sẽ ký thêm một hợp đồng có liên quan đến việc bán một hàng không mẫu hạm của Nga cho hải quân Ấn Độ, một thương vụ gây nhiều tranh cãi.

Năm 2004, hai nước đã đồng ý về giá mua khoảng 950 triệu đôla cho hàng không mẫu hạm Admiral Gorshkov. Phía Nga đã hai lần duyệt lại giá một cách đáng kể, vì cho rằng họ đã đánh giá quá thấp chi phí tân trang chiếc tàu dài 273 mét này.

Tin tức của giới truyền thông ở Ấn Độ nói rằng Moscow và New Delhi nay đã đồng ý về giá cả là 2,3 tỷ đôla.

Tàu Gorshkov sẽ được đặt tên lại là INS Vikramaditya, sẽ thay thế hàng không mẫu hạm duy nhất của Ấn Độ là tàu Viraat, thoạt đầu được giao cho sứ mạng dưới danh xưng HMS Hermes thuộc Hải quân Hoàng gia Anh vào năm 1959.

Các thỏa thuận khác, cũng trị giá nhiều tỷ đôla, dự trù sẽ được ký để bán cho Ấn Độ các phản lực cơ chiến đấu MiG-29 và các lò phản ứng hạt nhân.

Bất kể thỏa thuận hạt nhân giữa New Delhi và Washington, nhà ngoại giao kỳ cựu Mansingh dự đoán là Nga sẽ đóng một vai trò nổi bật trong việc cung cấp kỹ thuật và thiết bị giúp nuôi dưỡng nền kinh tế bột phát của Ấn Độ.

Ông Mansingh nói tiếp: “Nga sẽ là đối tác về năng lượng quan trọng nhất của chúng tôi, cả trong lãnh vực quy ước lẫn không quy ước.”

Hai nước đã ký một thỏa thuận hợp tác năng lượng hạt nhân khi thủ tướng Manmohan Singh của Ấn Độ đi thăm Moscow hồi tháng 12 năm ngoái.

Hai nước vốn đã có các thỏa thuận để xây dựng 4 lò phản ứng hạt nhân ngoài 2 đơn vị của Nga đang được xây dựng ở bang Tamil Nadu miền nam.

Các nhà ngoại giao nói họ trông đợi vấn đề an ninh khu vực, trong đó có tình hình ở Afghanistan và Iran, cũng sẽ được thảo luận giữa hai vị thủ tướng trong các cuộc hội đàm chính thức.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG