Những người đứng xếp hàng trước cửa văn phòng di dân trung ương ở Moscow nối đuôi nhau ra đến gần ngoài cửa. Người ta có thể trông thấy nét mặt âu lo trên gương mặt mỗi người khi họ tiến gần đến quầy làm việc.
Đa số các công nhân viên nước ngoài đến Nga làm việc đều chấp nhận sự kiện là họ phải hết sức chật vật mới được cấp visa và duy trì tình trạng pháp lý của mình trên lãnh thổ Nga. Ví dụ, các đơn từ phải được điền thành 3 bản với những chữ ký thích hợp, trong bối cảnh các mẫu đơn của chính phủ có thể thay đổi hàng tuần mà không hề được báo trước.
Điền sai mẫu đơn, là visa sẽ bị bác ngay lập tức. Mỗi người nước ngoài đều phải đăng ký với văn phòng di dân trung ương nội trong vòng 3 ngày sau khi đặt chân lên nước Nga. Không làm đúng điều kiện này, họ sẽ bị cấp visa ra khỏi nước Nga ngay lập tức.
Ngoài ra, những người nước ngoài có visa làm việc tại Nga cũng phải báo cho văn phòng di dân biết khi rời khỏi thành phố nơi đã được cấp giấy phép làm việc. Không tuân thủ đúng điều kiện này, đương sự có thể bị phạt tiền, bị bắt giữ hoặc vừa bị phạt tiền vừa bị bắt.
Ngoài những mối lo ấy, một đạo luật hiện hữu mới được mang ra áp dụng, đòi hỏi bằng cấp đại học của người lao động nước ngoài phải được quốc gia cấp bằng công chứng, và được Bộ trưởng Ngoại giao nước ấy đóng dấu.
Con dấu chính thức thường được các chính quyền coi là sự chứng nhận rằng một tài liệu quan trọng, hoặc chữ ký của một người là xác thực.
Đối với nhiều nước, điều kiện đòi hỏi phải có dấu chứng thực các tài liệu như giấy chứng nhận y khoa, hoặc các tài liệu pháp lý, là chuyện thường tình, nhưng các văn bằng đại học thường không cần phải đưa ra công chứng.
Ông Robert Zellner, người Ðức làm việc cho một khách sạn quốc tế tại Moscow trong gần 3 năm nay cho biết trường hợp của ông:
“Bây giờ thình lình tôi phải bay sang Hoa Kỳ, nơi tôi đã theo học để mang bằng cấp đi đóng dấu, đóng dấu nhiều lần, để được tiếp tục làm việc. Thế ai phải trả chi phí cho việc này?”
Bà Mascha Lipman là một nhà phân tích chính trị làm việc cho Trung tâm Carnegie tại Moscow. Bà cho hay là việc mang một đạo luật mù mờ ra áp dụng là một cách để chính phủ Nga gây khó khăn cho giới công nhân viên nước ngoài tiếp tục làm việc tại Nga.
Bà Lipman giải thích: “Những trở ngại mới đây có liên hệ đến óc bài ngoại vẫn có từ trước đến nay tại nước Nga, đó là sự nghi kỵ đối với những người từ nước ngoài đến Nga để làm một công việc gì đó. Sự kiện này có liên hệ trực tiếp với những kinh nghiệm của thời Xô-viết. Đây từng là một quốc gia khép kín, trong đó người ta không được tự do ra vào.”
Ông Zellner nói ông đồng ý với quan điểm ấy, ông nói ông cảm thấy dường như chính quyền Nga đang tìm cách loại người nước ngoài ra khỏi nước Nga.
Ông Zellner nói: “Tôi có rất ít thời gian để tuân thủ lệnh đòi hỏi những con dấu phi lý đó, tôi không thể rời khỏi nơi này chỉ để mang văn bằng của mình đi đóng dấu. Thế mà tôi có thể mất việc nếu họ không cho tôi đủ thời giờ để làm cái công việc ấy.”
Ông Zellner có thể gặp rắc rối trong việc tuân thủ những đòi hỏi của chính quyền Nga.
Thông thường cần đến 8 tuần lễ để đi đóng dấu bằng cấp.
Trong khi đó ông Euan Crawford, sinh trưởng ở Tô cách Lan và là Phó Chủ nhiệm một công ty kế toán tại Moscow, cho biết ông chỉ được cho có hai tuần để hoàn tất việc này. Ông nói:
“Tình hình tệ hại đến mức văn phòng của tôi nghĩ tới chuyện mua cho tôi một văn bằng của một đại học ở miền Đông nước Nga, bởi vì làm như thế ít tốn kém hơn là mang văn bằng của tôi đi làm công chứng, rồi mang đi đóng dấu, rồi gửi lại sang Nga.”
Giám đốc phân bộ Moscow của Tổ chức bênh vực nhân quyền Human Rights Watch, bà Allison Gill, nói đạo luật liên hệ đã được mang ra áp dụng bây giờ bởi vì Nga không còn cần đến kinh nghiệm của nước ngoài như thời trước.
Bà Gill giải thích: “Như quý vị biết, có một thời gian trong những năm đầu của thập niên 1990, Nga thực sự cần đến công nhân viên nước ngoài, đặc biệt trong các lĩnh vực doanh thương, tham vấn và tài chính. Thế rồi nền kinh tế Nga đứng vững được, và rồi Nga trỗi dậy trong tất cả mọi lãnh vực thì tình thế đã xoay chiều.”
Ông Zellner đồng ý với nhận định của bà Gill. Ông nói chủ nhân mướn ông luôn luôn nhắc nhở ông rằng nếu có thể chọn, bà thích làm việc với người đồng bào của bà hơn.
Ông Zellner nói tiếp: “Tôi không đếm được biết bao nhiêu lần tôi đã được cho biết rằng nước Nga là của người Nga, và chúng tôi đang tước đoạt công ăn việc làm của họ. Họ thực sự không muốn sự hiện diện của chúng tôi tại Nga.”
Các giới chức Nga nói họ không cố tình gây phiền nhiễu cho công nhân viên nước ngoài. Họ nói các điều kiện đòi hỏi liên quan tới bằng cấp là một cách để giới công nhân viên nước ngoài chứng tỏ họ hội đủ điều kiện để làm công việc của mình.
Có người đề nghị nhà chức trách Nga nên nới lỏng tình trạng mà nhiều nhà phân tích mô tả là lập trường không hoan nghênh người nước ngoài.
Mới đây, Tổng Thống Nga Dmitry Medvedev đã lên tiếng khuyến khích các cơ quan thẩm quyền hãy tỏ thái độ cởi mở hơn đối với giới công nhân viên nước ngoài, và ông bắn tiếng rằng các quy định về visa sẽ được nới lỏng nội trong năm tới.
Nước Nga từ lâu đã khét tiếng về tệ nạn quan liêu hành chánh, tuy nhiên các thủ tục rườm rà hành chánh của nước này lại khoác thêm một ý nghĩa khác nữa đối với giới lao động đến từ nước ngoài. Nguyên nhân là vì nhà nước Nga mới đây đã bất thần cho áp dụng một đạo luật được đưa ra cách đây 4 năm về trước.
Liên quan
Đọc nhiều nhất
1