Ông Mikhail Gorbachev, cựu Tổng bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô nói cuộc bầu cử hôm Chủ nhật không công bằng, và đòi nhà chức trách phải tổ chức một cuộc bầu cử mới.
Ông Gorbachev nói với hãng tin Interfax của Nga rằng lãnh đạo nhà nước nên nhìn nhận đã có xảy ra nhiều hiện tượng bất thường như phiếu giả, tráo phiếu; và nên nhìn nhận rằng các kết quả đã loan báo không phản ánh ý chí của nhân dân.
Nhà cựu lãnh đạo 80 tuổi nói thêm, nếu coi thường dư luận, chính phủ sẽ mất tín nhiệm và gây mất ổn định cho tình hình.
Năm 1990, ông Gorbachev được trao giải Nobel Hòa bình vì nới lỏng bàn tay kiểm soát của Liên xô tại Đông Âu. Nhưng một năm sau đó, ông ngồi nhìn Liên xô sụp đổ, một sự kiện mà cho tới giờ này nhiều người Nga vẫn còn bực tức.
Nhưng mặc dù ông Gorbachev không còn nhiều ảnh hưởng tại Nga, đó vẫn chưa phải là lý do để chính quyền hoàn toàn ngăn cấm đài truyền hình phổ biến những cuộc biểu tình, những lời chỉ trích cuộc bầu cử hôm Chủ nhật.
Hôm thứ Tư, máy bay trực thăng của cảnh sát trên trời, xe cảnh sát sắp hàng dài dưới đất, với 50.000 cảnh sát viên đi tuần tra trên các đường phố, trong lúc nhà chức trách cho biết đã bắt 550 người biểu tình đêm thứ Ba.
Nhưng đài truyền hình nhà nước chớ hề nói một tiếng nào về các chuyện này.
Thay vào đó, khán giả chỉ thấy những cảnh thanh bình, những phóng sự về các con nai ở Bắc Cực, thức ăn trẻ em nhiễm phóng xạ ở Nhật Bản, và Tổng thống Nga Dmitry Medvedev tiếp đoàn lãnh đạo sắc tộc Cô-sắc.
Chuyện ông Putin có thể trụ cho đến năm 2024 như đổ thêm dầu vào lửa cho người biểu tình. Họ định tổ chức thêm 4 cuộc biểu tình lớn trong 10 ngày tới.
Cuộc biểu tình thứ nhất vào ngày thứ Bảy tại quảng trường Cách Mạng, cách điện Kremli 50 mét. Giấy phép chỉ xin có 300 người nhưng đã có 23.000 người đăng ký tham gia trên Facebook và trên một trang mạng xã hội của Nga, độ 15.000 người khác nói họ có thể tham gia.
Tại một cuộc họp của các nước châu Âu diễn ra ở Lithuania, Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov bác bỏ chỉ trích của Ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton. Ông Lavrov nói bà Clinton tấn công cuộc bầu cử Nga “chỉ để tạo ấn tượng với các cử tri trong đảng Dân chủ.”
Với tất cả những sự kiện diễn ra như vậy, đài truyền hình nhà nước Nga cho tới giờ này vẫn cho rằng không đáng để phát trên đài.
Phong trào xuống đường phản đối cuộc bầu cử Quốc hội vừa qua ở Nga vừa có một đồng minh bất ngờ, nhà lãnh đạo cuối cùng của Liên xô.
Liên quan
Đọc nhiều nhất
1