Đường dẫn truy cập

Rêu có thể sống lại sau 1.500 năm


Cuộc khảo cứu mới cho thấy rêu có thể trở lại đời sống sau nhiều thế kỷ chôn vùi trong tầng đất bị đóng băng vĩnh cửu ở vùng cực.
Cuộc khảo cứu mới cho thấy rêu có thể trở lại đời sống sau nhiều thế kỷ chôn vùi trong tầng đất bị đóng băng vĩnh cửu ở vùng cực.
Nam cực là là nơi lạnh nhất, khô nhất và lộng gió nhất trên Trái Đất, nhưng thảo mộc có thể bám rễ ở đó và sống sót. Theo tường thuật của thông tín viên đài VOA Rosane Skirble thì một cuộc khảo cứu mới tìm thấy rằng rêu có thể sống lại sau nhiều thế kỷ chôn vùi trong tầng đất bị đóng băng vĩnh cửu ở vùng cực.

Đảo Signy, ở ngoài khơi Bán đảo Nam Cực, là một trong những địa bàn sinh vật thiên nhiên phong phú nhất trên đại lục đóng băng này. Mỗi mùa hè, khi băng đá rút đi, nó trở thành nơi nương náu cho loài chim cánh cụt cùng các loài chim biển và cây cỏ - đặc biệt là rêu – trở lại đời sống. Chính ở đây mà ông Peter Convey, một nhà khoa học thuộc Viện Khảo cứu Nam cực Anh, đã khoan qua đám rêu mới nảy mầm tới nền đất băng giá để chiết ra những mẫu tinh chất sẽ giúp ông tái tạo lịch sử khí hậu trái đất.

Trong cuộc khảo cứu này nhóm của ông Convey muốn biết cách đây bao lâu hoặc sâu bao xa trong lòng trái đất – loại rêu này vẫn còn giữ được khả năng để tái sinh. Cuộc khảo cứu trước đó gợi ý rằng vật liệu thảo mộc đông lạnh có thể tái sinh sau 20 năm là nhiều nhất. Ông giải thích:

“Như vậy để tìm hiểu điều đó, chúng tôi lấy một mẫu tinh chất. Chúng tôi xẻ đôi ở chính giữa, theo chiều dọc, và đặt các mảnh này trong những cái hộp được diệt trùng trong một loại lồng ươm bình thường. Và sau ba hay bốn tuần lễ chúng tôi có thể thấy dấu hiệu thảo mộc mới mọc xuất hiện tại nhiều nơi của mẫu này.”

Loại rêu tái sinh đó đã có từ 1 ngàn 5 trăm năm. Các cuộc khảo cứu khác cho thấy rằng chỉ có các vi khuẩn mới có khả năng tái sinh sau nhiều năm như vậy. Viết trong tạp chí Cell Press Current Biology, ông Convey tường thuật rằng nhìn thấy những mầm của cây cỏ có toàn bộ chiều dài của mẫu là 1,5 mét. Ông nói:

“Và ta có thể kéo dài hơn nữa nếu muốn. Ta có thể nhìn các lá trên lõi và các lá cũng có thể được duy trì hoàn hảo xuống phía dưới của mẫu nữa. Như vậy, một trong những vẻ đẹp của mẫu rêu này là ta có được một bề mặt sống, một bề mặt tăng trưởng. Và rồi khi ta đi sâu vào mẫu này, thì rất mau chóng nó trở thành bị đông lạnh trong tầng đất bị đóng băng vĩnh cửu.

Loại rêu sống sót lâu như vậy trong tình trạng đóng băng bằng cách dựa vào những đặc điểm chịu đựng mà nó đã phát triển để sinh sôi nảy nở trong môi trường Nam cực gay gắt. Ông Convey nói rằng cơ chế để sống còn đó giờ đây mang tầm quan trọng đặc biệt, trong bối cảnh biến đổi khí hậu, vì các vùng cực tăng nhiệt nhanh hơn bất cứ nơi nào khác trên quả đất. Ông nói:

“Giờ đây nếu ta có thể tưởng tượng tình huống khi một bờ rêu như thế này bị bao phủ bởi băng đá, nhưng rêu vẫn sống trong tầng đất bị chôn vùi dưới lớp băng vĩnh cửu này, rồi khi lớp băng rút đi ta sẽ có sinh vật thay thế vào đó sẵn sàng phát triển ngay khi băng đá tan đi và môi trường sống của nó lại trở nên sẵn sàng. Như vậy ta có một phương tiện để bảo toàn sự đa dạng sinh học trong vùng này.”

Và ông Convey nêu câu hỏi, nếu rêu có thể sống sót 1500 năm bị kẹt trong tầng đất bị chôn vùi dưới lớp băng vĩnh cửu, thì có thể nó sẽ tồn tại lâu hơn nữa, qua các thời kỳ giữa các băng kỷ kéo dài 10 ngàn năm hay hơn nữa. Đó là đề tài cho một cuộc khảo cứu khác.

VOA Express

VOA có ứng dụng mới

Xem tin tức VOA trực tiếp trên điện thoại và máy tính bảng! Ứng dụng VOA có thiết kế mới và cải thiện khả năng truy cập tin tức. Các tính năng mà bạn yêu thích trước đây được tích hợp cùng các công cụ vượt tường lửa để truy cập tin tức VOA bằng 22 ngôn ngữ.

Tải ứng dụng VOA trên App StoreGoogle Play!

XS
SM
MD
LG