Quốc hội Nhật Bản vừa thông qua một nghị quyết hiếm hoi vào ngày 1/2 về “tình hình nhân quyền nghiêm trọng” ở Trung Quốc, và yêu cầu chính phủ thực hiện các bước để giải quyết tình hình.
Nhật Bản đã tuyên bố sẽ không cử phái đoàn của chính phủ tới Thế vận hội Mùa đông Bắc Kinh sắp tới, tiếp theo sau cuộc tẩy chay ngoại giao do Hoa Kỳ dẫn đầu vì những quan ngại về tình trạng nhân quyền của Trung Quốc, mặc dù Tokyo tránh dán nhãn cụ thể rõ ràng cho động thái của mình.
Kể từ khi nhậm chức vào tháng 10, Thủ tướng Fumio Kishida đã nhiều lần nói rằng Nhật Bản sẽ không ngại nói thẳng với Trung Quốc khi cần thiết, và vào tháng 11 đã bổ nhiệm cựu Bộ trưởng Quốc phòng Gen Nakatani làm trợ lý về nhân quyền.
Được thông qua bởi Hạ viện, nghị quyết của Nhật Bản nói cộng đồng quốc tế đã bày tỏ quan ngại về các vấn đề như việc bắt giam và vi phạm tự do tôn giáo ở khu tự trị Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương, Tây Tạng và Hong Kong.
“Các vấn đề nhân quyền không thể chỉ là vấn đề trong nước, bởi vì nhân quyền có giá trị phổ quát và là vấn đề chính đáng được cộng đồng quốc tế quan tâm”, nghị quyết nêu rõ.
Nghị quyết nói thêm rằng việc cưỡng ép thay đổi tình trạng bằng vũ lực vốn là “biểu thị của tình hình nhân quyền nghiêm trọng” và là “mối đe dọa đối với cộng đồng quốc tế.
Trong một tuyên bố hôm 1/2, Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói nghị quyết của Nhật “làm ngơ sự thật, vu cáo ác ý về tình hình nhân quyền của Trung Quốc, vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế và các quy tắc cơ bản trong điều chỉnh quan hệ quốc tế, can thiệp thô bạo vào công việc nội bộ của Trung Quốc và có tính chất cực kỳ nghiêm trọng”.
Tuyên bố nói thêm rằng khi Nhật Bản xâm lược các nước khác, nước này đã phạm vô số tội ác.
Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden vào tháng 12 đã ký ban hành đạo luật cấm nhập khẩu từ khu vực Tân Cương vì những quan ngại về lao động cưỡng bức. Washington dán nhãn việc Bắc Kinh đối xử người thiểu số Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ là hành động diệt chủng.
Trung Quốc phủ nhận hành vi lạm dụng ở Tân Cương, vốn là khu vực sản xuất bông lớn và cung cấp nhiều nguyên liệu cho các tấm pin mặt trời trên thế giới.
Nghị quyết của Nhật không trực tiếp sử dụng bất kỳ từ “Trung Quốc” nào trong văn bản và tránh nói “vi phạm nhân quyền”, mà thay vào đó dùng cụm từ “tình hình nhân quyền”. Theo Reuters, điều này có lẽ là nhằm mục đích tránh chặt đứt mối quan hệ kinh tế song phương.
Nhật Bản không chỉ dựa vào Trung Quốc với tư cách là trung tâm sản xuất mà còn là thị trường tiêu thụ các mặt hàng từ ô tô đến thiết bị xây dựng.