Đường dẫn truy cập

Các nhà lập pháp Mỹ kêu gọi LHQ công bố báo cáo nhân quyền Uyghur trước Olympics


Cao ủy Nhân quyền LHQ Michelle Bachelet, người đang bị hối thúc công bố báo cáo nhân quyền về Uyghur trước khi Thế vận hội diễn ra.
Cao ủy Nhân quyền LHQ Michelle Bachelet, người đang bị hối thúc công bố báo cáo nhân quyền về Uyghur trước khi Thế vận hội diễn ra.

Các nhà lập pháp Hoa Kỳ hôm 18/1 thúc giục cơ quan nhân quyền của Liên Hiệp Quốc công bố đánh giá của họ về các chính sách của Trung Quốc ở Tân Cương trước Thế vận hội Mùa đông Bắc Kinh diễn ra vào tháng tới. Chính phủ Mỹ đang tẩy chay Thế vận hội này ở cấp độ ngoại giao vì điều mà họ nói là nạn diệt chủng đang diễn ra trong khu vực.

Cao ủy Nhân quyền LHQ Michelle Bachelet từng ca thán rằng văn phòng của bà không thể tiếp cận khu vực phía tây Trung Quốc để điều tra về các cáo buộc vi phạm nhân quyền đối với người Duy Ngô Nhĩ và các nhóm thiểu số Hồi giáo khác.

Văn phòng bà Bachelet cho biết vào tháng 12 rằng họ đang hoàn thiện một báo cáo về tình hình ở Tân Cương, mà họ hy vọng sẽ công bố trong những tuần tới sau khi các cuộc đàm phán kéo dài với các quan chức Trung Quốc trong một chuyến thăm được đề xuất không mang lại kết quả.

Thượng nghị sĩ Jeff Merkley và Nghị sĩ James McGovern, hai đảng viên của Đảng Dân chủ, Chủ tịch và đồng Chủ tịch Ủy ban điều hành Quốc hội về Trung Quốc của Hoa Kỳ, đã viết một bức thư công khai cho bà Bachelet, yêu cầu bà đưa ra báo cáo trước khi “màn trình diễn quốc tế” của Thế vận hội Bắc Kinh bắt đầu vào ngày 4/2.

Ông Merkley và ông McGovern nói: “Việc phát hành báo cáo sẽ gửi đi một lời nhắc nhở quan trọng rằng không quốc gia nào có thể trốn tránh sự giám sát quốc tế vì nhúng tay vào các vụ vi phạm nhân quyền nghiêm trọng”.

Văn phòng của Bachelet không trả lời ngay lập tức câu hỏi của Reuters về việc khi nào báo cáo sẽ được công bố.

Bà Bachelet đã đàm phán về các điều khoản của chuyến thăm Tân Cương kể từ tháng 9 năm 2018, khi có cáo buộc rằng khoảng một triệu người Uyghur đã bị giam giữ tập thể trong các trại giam.

Trung Quốc phủ nhận có hành vi sai trái ở Tân Cương và nói rằng các trại này là trại huấn nghiệp và ngăn chặn chủ nghĩa cực đoan tôn giáo.

Hoa Kỳ và nhiều đồng minh của họ, bao gồm Anh, Canada, Úc, Nhật Bản và Đan Mạch, cho biết sẽ không cử phái đoàn ngoại giao chính thức đến Thế vận hội để phản đối vi phạm nhân quyền của Trung Quốc.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG