Dưới tiêu đề “Những định hướng bổ sung, phát triển Cương lĩnh 1991” nhằm sửa soạn dư luận cho Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011), văn bản quan trọng hàng đầu cho Đại hội lần XI của Đảng Cộng sản Việt Nam đầu năm 2011, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng đã lập lại hai vấn đề cốt tử. Về mặt chính trị, vẫn dân chủ tập trung, Đảng lãnh đạo, và Nhà nước quản lý. Về mặt kinh tế, vẫn kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Nền kinh tế này chấp nhận nhiều hình thức sở hữu, thành phần kinh tế, tổ chức sản xuất, tất cả đều được bảo đảm bình đẳng trước luật pháp để đáp ứng mục tiêu phát triển lâu dài, hợp tác và cạnh tranh lành mạnh. Tuy nhiên, vẫn như hai mươi năm trước, văn bản của ông Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, kinh tế Nhà nước là chủ đạo, kinh tế tập thể tiếp tục phát triển và là nền tảng nền kinh tế quốc dân trong đó kinh tế tư nhân chỉ là một thành phần. Đặc biệt, chế độ sở hữu là công hữu những tư liệu sản xuất chủ yếu. Công hữu được gọi là sở hữu toàn dân. Nhưng toàn dân không là một pháp nhân rõ rệt. Nó mù mờ, ai muốn hiểu thế nào thì hiểu. Nếu chúng ta xét nghiệm những thành quả kinh tế của khu vực kinh tế nhà nước, tham ô và lãng phí có thể là hệ quả của khái niệm sở hữu toàn dân rất “đa nghĩa” này. Vì vậy, nhu cầu rất bức thiết hiện nay là phải xác định quyền của pháp nhân sở hữu, quyền của người sử dụng tư liệu sản xuất, và nhất là quyền quản lý của Nhà nước trong lĩnh vực kinh tế.
Của thuộc tất cả mọi người thì không thuộc một ai cả. Chuyện cha chung không ai khóc, chết chẳng ai chôn không mới, ông bà ta cũng biết từ lâu rồi. Trong kinh tế, hiện tượng này dẫn đến tính kém hiệu quả, đặc biệt là sự lạm dụng. Lấy một thí dụ cổ điển: cá trong lưu vực một giòng sông sinh sản và mọi người sống trên hai bờ đều có quyền đánh bắt vì sông là của chung. Vì thế, lượng đánh bắt lớn hơn lượng cá tái sinh hàng năm, số cá trong lưu vực giảm dần, và rồi sẽ tuyệt đi với thời gian. Khi ngư sản này là của chung khiến ai cũng có quyền đánh bắt thì khả năng khai thác quá mức (over exploitation) có thể dẫn đến độ tuyệt chủng. Điển hình là chuyện đánh bắt cá voi xanh (blue whale) trong những hải phận quốc tế khiến hiện nay cộng đồng thế giới phải đề ra những qui định về lượng đánh bắt cho phép (quota) để bảo đảm phát triển bền vững.
Ở Việt Nam, loại tư liệu sản xuất hiện phần lớn là sở hữu toàn dân là những gì? Tài nguyên thiên nhiên, như rừng, biển, đất đai, khoáng sản đều quí vì hiếm hoi. Hiếm như khoáng sản, đào lên là không tái sinh được như sinh vật. Hiếm vì tốc độ tái sinh chậm, hàng vài thập kỷ, thậm chí hàng trăm năm với rừng nguyên sinh. Hiếm như đất, hiếm vì độ tăng trưởng dân số trên một diện tích đất giới hạn, vv…Trên nguyên tắc, khai thác tài nguyên tạo lợi nhuận (tổng thu trừ tổng chi phí sản xuất), một phần gọi là lợi nhuận bình thường (normal profit) dựa trên tiêu chuẩn quốc tế theo từng khâu-ngành, phần thặng dư còn lại gọi là tô tài nguyên (resource rent) tỉ lệ thuận với độ hiếm quí. Sở hữu toàn dân có nghĩa là Nhà nước thu tô này, và hoàn lại chủ sở hữu - tức toàn dân - bằng cách dùng nó để xây dựng cơ sở hạ tầng vốn là của công, hoặc xây dựng những kế hoạch an sinh - phúc lợi…, nhắm thực hiện chiến lược phát triển bền vững được các văn bản chính thức rao bán nhưng chưa hề thấy có một nội dung thiết thực gì.
Thực tế, chúng ta thấy thế nào? Khái niệm tô tài nguyên quí hiếm chỉ thi thoảng mới được nhắc tới, mặc dầu đây chẳng phải là bí mật gì trong kinh tế học. Còn đất đai? Chúng ta thấy trên báo chí truyền thông hàng chục ngàn vụ nông dân kiện tụng khắp nước vì tiền bồi thường quá thấp so với giá thị trường đất. Những nhóm lợi ích - nói trắng là những nhóm quyền lực – thi nhau “mua” đất làm sân golf, mua bải biển làm khu nghỉ mát, mua rừng mua núi xây dựng những khu du lịch…và người mất đất là mất công ăn việc làm, mất truyền thống, làng mạc, mất hương hoả một quá khứ, tức mất cả văn hoá. Họ được gì? Nếu thuận mua vừa bán, tức là kinh tế thị trường, thì họ đã chẳng phải lê lết đi hết huyện, đến tỉnh, rồi lên thành phố, và ra tận Hà Nội kêu oan.
Chưa lúc nào đất nước chúng ta lại cần một hệ thống Luật nghiêm túc trong vấn đề xử dụng tài nguyên, và nhất là Luật đất đai như bây giờ. Chúng ta ước mong một xã hội Việt Nam yên bình và ổn định, nhưng là một xã hội thực sự văn minh và có công lý chứ chẳng ngừng ở ngưỡng tu từ của những văn bản chính trị nghe đến nhàm tai. Sau Đại hội XI, hẳn Quốc hội sẽ lưu tâm đến những vấn đề này chăng? Nhưng Quốc hội có quyền lực gì? Sau những mất mát của công, sẽ còn chi? Cái chắc, là còn thời gian, và thời gian sớm muộn sẽ cho chúng ta thấy mọi sự thật.
* Blog của Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hùng là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.