Đường dẫn truy cập

Lao Động: những vấn đề Việt Nam phải đối mặt


Công nhân Trung Quốc lắp ráp linh kiện điện tử tại nhà máy Foxconn ở Quảng Đông
Công nhân Trung Quốc lắp ráp linh kiện điện tử tại nhà máy Foxconn ở Quảng Đông

Đình công tự phát vào tháng 5-6/2010 vừa qua trong những công xưởng lắp ráp xe Honda, Toyota và công nghệ điện tử Foxconn ở Quảng Đông đặt ra một số vấn đề cho Việt Nam. Gần như rập khuôn mô hình kinh tế Trung Quốc, Việt Nam sớm muộn sẽ đối mặt với:

1-Những đòi hỏi nâng cao lương bổng, điều kiện làm việc (phụ cấp ăn uống, giờ nghỉ, số giờ và ngày thi công…) trong những doanh nghiệp nước ngoài đặt cơ sở ở nội địa;

2-Đình công không thông qua những Công đoàn chính thức do Đảng CS sắp xếp, khởi động trực tiếp từ công nhân, tổ chức và thông tin với những phương tiện internet hiện đại, điện thoại di động… tạo nhiều bất ngờ cho những cơ quan an ninh. Tính chính đáng của Công đoàn đại diện cho quyền lợi công nhân bị gạt bỏ, thay vào, là tổ chức tự phát điều hành trực tiếp những yêu cầu của công nhân với chủ doanh nghiệp.

Nhà cầm quyền Trung Quốc cho phép 11 tỉnh đồng loạt tăng mức lương tối thiểu cho công nhân viên và thợ thuyền. Mức tăng bình quân là 17%, rất thấp như có 5% tại Hồ Nam, cao là 27% ở Ninh Hạ. Sau đây, có lẽ nhiều địa phương khác cũng sẽ tăng lương hòng bù đắp sau thời gian Bộ Nhân lực và An sinh Xã hội quyết định trì hoãn tăng lương từ cuối năm 2008 do nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu. Như vậy, chi phí lao động ở Trung Quốc sẽ tăng so với những nước đang phát triển trong vùng, hẳn tác động lên quyết định chuyển dời cơ sở sản xuất của các doanh nghiệp vốn đầu tư ngoại quốc vào những nơi chi phí thấp.

Hiện nay, tùy ngành nghề và địa phương, ở Trung Quốc lương một công nhân tay nghề không chuyên môn khoảng từ US $135-175, trong khi ở Việt Nam, là US $55- 85. Trung bình, lương lao động Việt Nam ở mức 60% lương công nhân Trung Quốc. Việt Nam đã tăng mức lương tối thiểu ở các công ty nước ngoài lên 28% trong năm nay. Đây là lần tăng đầu tiên trong sáu năm, nhưng nó cũng chỉ đưa mức lương lên ngang với mức của Campuchia. Nhưng trước mắt, Việt Nam phải đối mặt với những bất cập ở ngắn và trung hạn:

Hai bất cập ngắn hạn:

1-Năng suất và đào tạo lao động:

Năng suất lao động ở Việt Nam vẫn thấp hơn Trung Quốc và thậm chí còn giảm đi trong năm ngoái, khiến lương thấp không phải là điều hấp dẫn duy nhất. Về đào tạo, số người đến độ tuổi lao động (15 tuổi trở lên) chưa được đào tạo chuyên môn kỹ thuật còn cao, tới 86,7%. Đặc biệt, Đồng bằng Sông Cửu Long có đến 93,4% người chưa được đào tạo nghề. Hôm 21-7, quyền tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Đỗ Thức cho biết tại buổi công bố kết quả toàn bộ của tổng điều tra dân số, toàn quốc hiện chỉ có 8,6 triệu người lao động đã được đào tạo, chiếm 13,3% tổng dân số từ 15 tuổi trở lên. So với điều tra dân số năm 1999, tỉ lệ người lao động đã được đào tạo chuyên môn kỹ thuật tăng cả ở nông thôn và thành thị. Tuy nhiên còn có sự chênh lệch rất lớn. Tỉ lệ người có trình độ trung học nghề trở xuống ở thành thị cao gấp hai lần nông thôn, nhóm có trình độ cao đẳng trở lên ở thành phố cao gấp năm lần nông thôn. Tuy nhiên, tỉ trọng người chưa được đào tạo chuyên môn kỹ thuật còn thấp, phản ánh chất lượng nguồn nhân lực Việt Nam chưa cao. Và muốn phát triển, Việt Nam phải chuyển từ những ngành sản xuất mà giá trị thặng dư thấp sang những ngành công nghệ trung hoặc cao cấp.

2-Hạ tầng cơ sở:

Những nhà máy lớn và hiện đại như ở Khu Công nghiệp Quế Võ cách Hà Nội 40km có đâu 50 công ty nước ngoài, chủ yếu hoạt động trong các ngành công nghệ cao... Số các hãng từ Nam Triều Tiên, Đài Loan, Mỹ và Nhật Bản vẫn còn rất ít. Công nghiệp loại cao cấp thường có nhiều nhu cầu giao thông, dịch vụ… Ở đây, một bất lợi lớn nữa ở Việt Nam là tình trạng cơ sở hạ tầng. Tại Hà Nội, mạng dây điện treo lơ lửng trên các cột trên phố. Đường xá nhỏ và không bằng phẳng. Trong nước, các hải cảng nhỏ và không được cơ giới hóa. Giám đốc Gianfranco Lanci của Acer tuyên bố ông sẽ không chuyển nhà máy từ Trung Quốc sang Việt Nam."Không có gì có thể thay thế được chuỗi dây chuyền sản xuất của Trung Quốc, các nước khác bị bỏ lại sau khá xa.", ông nói. Các nhà lãnh đạo công ty họp ở thành phố Hồ Chí Minh trong tuần thứ 2 tháng 7 nhân Diễn đàn Kinh tế Thế giới Đông Á đều đồng ý rằng Việt Nam cần nhân rộng thành công ở Quế Võ nếu muốn hấp dẫn thêm đầu tư nước ngoài. Muốn thế, phải tập trung vấn đề đào tạo lao động song song với kiện toàn hạ tầng cơ sở.

Ở trung hạn, trong khoảng 2-5 năm tới, giả dụ Việt Nam sẽ thành công trong việc hấp dẫn những doanh nghiệp công nghệ vốn ngoại quốc thì hẳn Đảng CS và Nhà Nước Việt Nam phải đối mặt với:

Hai yêu cầu trung hạn về cơ cấu:

1-Vai trò của Công đoàn:

Cơ cấu, hình thức bầu chọn người đại diện… để phản ánh quyền lợi công nhân không thể không đặt ra. Cho đến nay, Công đoàn là một hình thức quản lý có tính tập trung quyền lực rập khuôn theo mô hình Lenin từ trước đến nay. Kinh nghiệm Tung Quốc cho thấy, nếu không đáp ứng quyền lợi công nhân, kiểu đình công tự phát là điều khó tránh. Thường thường, đình công thì cả chủ lẫn thợ đều thiệt hại. Công đoàn, chủ yếu bảo vệ công nhân, nhưng cũng có chức năng so đo những thiệt hại đó, và tiến đến một thỏa thuận “hai bên cùng có lợi”. Vì thế, Công đoàn cũng có nhiệm vụ thông tin, giải trình, cả quyền lợi lẫn nghĩa vụ của giới thợ và giới chủ, đóng vai “trọng tài” tìm giải pháp cùng thắng win-win.

3-Luật Lao động:

Cơ sở quan trọng hàng đầu đóng góp vào ổn định xã hội là luật pháp. Trước những dự kiến về thay đổi tất yếu trong khâu lao động, luật Lao động Việt Nam hiện hành có sửa soạn tiếp thu và uyển chuyển thích nghi hay không? Làm sao “giáo dục” công nhân để họ biết quyền, và đồng thời nghĩa vụ, lao động? Đảng CSVN cũng như Nhà Nước có những quan tâm vĩ mô về đầu tư vốn nước ngoài trong kế hoạch quản lý và phát triển kinh tế, nhưng không vì thế mà bắt buộc phải đứng về phía chủ. Chỉ kiện toàn luật, và tạo ra tinh thần luật pháp nghiêm minh, thì “luật chơi” mới rõ, và cũng chính vì thế mà những nhà đầu tư mới tránh được những rủi ro đến từ quyền thế “thất thường” sáng nắng chiều mưa.

Nhìn người lại ngẫm đến ta. Theo mô hình Trung Quốc, chúng ta sẽ có những vấn đề của Trung Quốc. Kỹ trị có nghĩa phải nhìn xa hơn, sâu hơn, đừng để nước đến chân mới… "lò cò". Và ổn định chính trị là làm sao bảo đảm quyền sống của con người. Xin thưa với bạn đọc, không có gì chính đáng hơn chuyện công nhân đòi quyền sống, và làm việc, trong những giới hạn lợi tức khả dĩ là sống được.

* Blog của Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hùng là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.

Đường dẫn liên quan

VOA Express

XS
SM
MD
LG