Đường dẫn truy cập

Nam Triều Tiên lên án Thủ tướng Nhật thăm đền Yasukuni


Người Nam Triều Tiên đốt áp phích trong cuộc biểu tình chống Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe trước cửaa Đại sứ quán Nhật Bản ở Seoul.
Người Nam Triều Tiên đốt áp phích trong cuộc biểu tình chống Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe trước cửaa Đại sứ quán Nhật Bản ở Seoul.
Các nhà lập pháp Nam Triều Tiên lên án việc Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đến thăm ngôi đền thờ phượng các tử sĩ Nhật, trong đó có các can phạm tội ác chiến tranh thời thế chiến thứ hai. Vụ đả kích này là hậu quả mới nhất của vụ xích mích ngoại giao đã làm cho quan hệ của Nhật Bản với Nam Triều Tiên và Trung Quốc bị suy sụp mạnh. Từ Seoul, thông tín viên Daniel Schearf của đài VOA gởi về bài tường thuật sau đây.

Quốc hội Nam Triều Tiên hôm nay nhất trí thông qua một nghị quyết để lên án chuyến viếng đền Yasukuni hồi tuần trước của Thủ tướng Abe.

Ngôi đền này là nơi thờ phượng 2 triệu rưỡi người Nhật thiệt mạng trong thế chiến thứ hai, trong đó có 14 người hoặc bị tòa xét là can phạm tội ác chiến tranh hoặc đã qua đời trong lúc bị đưa ra tòa xét xử về tội ác chiến tranh.

Trung Quốc và hai miền Triều Tiên, từng gánh chịu nhiều đau khổ vì những hành vi thực dân và xâm lăng của Nhật, xem những chuyến viếng đền thờ này của các chính khách Nhật là một hành động xỉ nhục.

Ông Park Byung Seok, Phó Chủ tịch Quốc hội Nam Triều Tiên cho biết toàn thể 211 nhà lập pháp có mặt tại phiên họp đã bỏ phiếu tán đồng nghị quyết lên án Nhật Bản.

Chuyến viếng đền Yasukuni của nhà lãnh đạo nhật đã bị truyền thông Trung Quốc và Nam Triều Tiên mô tả là một hành động xỉ nhục và sẽ làm suy sụp thêm nữa các mối quan hệ vốn đã bị xấu đi trong thời gian gần đây.

Hôm thứ hai, Bắc Triều Tiên nói rằng chuyến viếng đền của ông Abe không khác gì một lời tuyên chiến. Hãng thông tấn Trung ương của nhà nước nói rằng các chính khách khuynh hữu ở Nhật đang chuốc họa vào người.

Cuộc biểu quyết của quốc hội Nam Triều Tiên hôm nay diễn ra một ngày sau khi Trung Quốc loan báo họ sẽ không gặp mặt nhà lãnh đạo Nhật, bất chấp những cố gắng của ông Abe nhằm tiến hành một cuộc họp thượng đỉnh với Chủ tịch Tập Cận Bình.

Tổng thống Nam Triều Tiên Park Guen Hye cũng từ chối gặp ông Abe vì một vụ tranh chấp chủ quyền lãnh thổ và vì điều mà nhà lãnh đạo Nam Triều Tiên xem là những mưu toan nhằm che dấu quá khứ thực dân và xâm lăng của Nhật.

Ông Abe đã bào chữa cho hành động của mình. Ông nói rằng chuyến viếng đền có tính chất cá nhân, không hề có mục đích làm cho Trung Quốc và Nam Triều Tiên tức giận mà chỉ để nhắc nhở thế giới rằng nước Nhật sẽ không bao giờ gây chiến nữa.

Tuy nhiên, ông Jeff Kingston, Giám đốc chương trình Nghiên cứu Á châu của Đại học Temple ở Nhật, cho rằng ông Abe đã thực hiện một sự tính toán chính trị rất kỹ lưỡng. Ông nói rằng nhà lãnh đạo Nhật muốn tranh thủ sự hậu thuẫn của công chúng đối với các chính sách của ông giữa lúc tỉ lệ ủng hộ ông bị sút giảm.

"Theo tôi, ông ấy tin rằng việc khiêu khích Trung Quốc và Nam Triều Tiên bằng một cách thức như vậy sẽ thật sự làm cho cánh buồm của ông ấy được căng gió. Ông ấy tin rằng Trung Quốc đang hành động như một kẻ hiếp đáp trong khu vực cho nên việc Bắc Kinh tức giận và lên án Nhật Bản sẽ tạo ra một tâm lý “đồng tâm hiệp lực để chống đỡ với phe địch” trong công chúng Nhật Bản. Vì do đó, chính sách an ninh cứng rắn hơn của ông ấy, một chính sách vốn không được người Nhật ưa chuộng cho mấy, sẽ nhận được những sự ủng hộ mà có thể nó sẽ không có được nếu ông ấy không làm như vậy."

Giáo sư Kingston nói rằng trong bối cảnh căng thẳng giữa Nhật Bản và Trung Quốc gia tăng ở Biển Hoa Ðông, hành động của ông Abe làm cho căng thẳng gia tăng một cách vô trách nhiệm.

Việc Trung Quốc đột ngột loan báo nới rộng Vùng nhận dạng phòng không ADIZ hồi tháng 11 vừa qua để bao phủ các hòn đảo có tranh chấp đã làm cho căng thẳng trong khu vực gia tăng đáng kể.

Washington dã bày tỏ sự thất vọng đối với việc ông Abe đi thăm đền Yasukuni và cho rằng điều này làm gia tăng căng thẳng giữa Nhật Bản với các nước láng giềng.

Giáo sư Kingston cho rằng quan hệ thương mại giữa Nhật Bản với Trung Quốc cũng có nguy cơ bị tổn hại.

"Năm ngoái, thương mại Trung-Nhật đã gặp phải một số tổn hại vì vụ xích mích ngoại giao. Có một sự sút giảm tổng thể. Và do đó, hiện có một mối rủi ro thật sự là vụ này sẽ làm cho giao thương Trung-Nhật bị sút giảm thêm nữa. Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Nhật và các công nghiệp Nhật Bản đang dựa vào Trung Quốc để phát triển. Do đó, tôi nghĩ rằng nhiều nhà lãnh đạo của các công ty lớn ở Nhật đang vò đầu bứt tóc và nói rằng “Tại sao ông làm lại làm như vậy vào lúc này, hỡi ông Abe?”.

Vụ Yasukuni cũng có thể tác động tới lãnh vực an ninh vì quan hệ giữa hai nước đồng minh của Hoa Kỳ tiếp tục bị xuống cấp.

Hãng thông tấn Yonhap cho biết Seoul đã hủy bỏ các cuộc thảo luận về an ninh và quốc phòng cùng với những chương trình giao lưu quân sự với Tokyo.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG