Đường dẫn truy cập

Quốc hội không thể lờ mãi!


Quốc hội trong nước vừa khai mạc kỳ họp thứ 7 khóa XII sáng ngày 20-5-2010. Trong buổi khai mạc, các đại biểu được thông báo đã có 1.157 ý kiến của cử tri trong cả nước, yêu cầu Quốc hội bàn thảo thiết thực các vấn đề xây dựng và thực thi luật pháp, ổn định vật giá, giải quyết công ăn việc làm, cải tiến giáo dục đào tạo, y tế xã hội, giải quyết đất đai, đặc biệt là chống tham nhũng.


Nhưng qua chương trình làm việc của kỳ họp được công bố, ý kiến và mong muốn của cử tri thật khó lòng thực hiện, dù chỉ là một phần rất nhỏ.

Nhận xét đầu tiên là mối quan hệ Việt-Trung sẽ không được đề cập trong kỳ họp này, mặc dù đây là mối quan tâm hàng đầu của cử tri, khi Bắc Kinh vẫn ngang ngược xua đuổi, bắt bớ, tàn phá ngư cụ của ngư dân ta trong vùng biển nước ta và công khai khiêu khích miệt thị nước ta trên các phương tiện truyền thông chính thức của họ.

Tại sao lại lờ đi một vấn đề quan trọng, sinh tử của đất nước như thế?

Trong chương trình làm Luật, kỳ họp sẽ thông qua 10 dự án Luật và cho ý kiến về 2 dự thảo Luật, nhưng có 2 đạo Luật mà cử tri mong chờ nhất là Luật Đất Đai và Luật Báo chí thì vẫn bị lờ, bị cố tình trì hoãn chưa biết đến bao giờ!

Lại là một sự cố tình né tránh 2 vấn đề nóng hổi nhất của nông dân, của làng báo, của công luận xã hội. Đó là vấn đề trả lại cho nông dân ta quyền sở hữu ruộng đất cố hữu từ ngàn xưa bị đảng tịch thu gần nửa thế kỷ theo chính sách loại bỏ tư hữu. Nay đảng đã trả lại cho tư sản thương nghiệp, tư sản công nghiệp quyền sở hữu cửa hàng, kho hàng, nhà máy, công xưởng, sao lại không trả lại cho nông dân ta quyền sở hữu đầy đủ về ruộng đất? Chính sự ngang ngược bất công này đã gây ra nạn cướp đất, với những thủ đoạn «thu hồi» và «đền bù» phi lý. Đảng thực hiện liên minh công – nông như vậy ư? đền ơn đáp nghĩa nông dân như vậy ư?

Về Tự do báo chí, mong các đại biểu quốc hội hãy đọc kỹ lá thư của nhà báo trẻ Dương Thị Xuân để hiểu việc Nhà nước cấm tư nhân ra báo là vi phạm quyền con người, vi phạm Hiến chương Liên Hiệp quốc, vi phạm Hiến pháp Việt Nam hiện hành ra sao. Chà đạp tự do báo chí, nhà nước hiện tại còn tỏ ra lạc hậu hơn cả thời phong kiến và thực dân, tự tước đi một vũ khí xã hội lợi hại nhất chống tham nhũng và bất công, xây dựng nền đạo đức công dân mới.

Nhà báo Dương Thị Xuân đã viết lá thư bằng tâm huyết của nhà báo trẻ hiểu rõ chức năng cao quý của nghề làm báo, với lập luận vững chắc của thời đại tự do thông tin, cũng là tiếng nói đòi công bằng và nhân phẩm cho hơn 30 nhà báo trong nước bị nhà nước độc đảng và độc thoại đe doạ, quấy rối, bị bắt, bị xử án, bị tù, bị mất thẻ, bị sa thải của các báo Tuổi Trẻ, Thanh Niên, Lao Động, Pháp Luật, Người Đại biểu Nhân dân, Tia Sáng, Du Lịch, mạng Bauxite.Info và biết bao Bloggers khác...mà viên trung tướng Triều nào đó trót khoe là đã phá sập!

Trong khi Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama ký đạo Luật lịch sử Bảo vệ tự do thông tin báo chí toàn cầu thì việc cấm tư nhân ra báo ở Việt Nam hiện nay là một chủ trương lạc lõng, kinh khủng, lạc hậu đến 2, 3 thế kỷ, đi ngược hẳn với nền văn minh nhân loại, tự đối lập một cách ngang ngược và trào phúng với cộng đồng loài người.

Về chống tham nhũng thì trước Quốc hội kỳ này, Ủy ban Quốc gia chống tham nhũng sẽ ăn nói ra sao, khi các vụ PMU 18, vụ Securency ở Úc, vụ Nexus Technologies ở Mỹ, cả vụ PCI ở Nhật Bản vẫn cứ là những khúc xương to đùng hóc ở cổ ông Nhà nước tham ăn, khạc chẳng ra cho, nuốt chẳng vào, thôi cứ xin há hốc mồm ra mà câm nín vậy. Tuy khó coi nhưng cứ vậy đã!

Vậy thì Quốc hội sẽ lờ đi Luật Đất Đai mới và Luật Báo Chí mới đến tận bao giờ? Rõ ràng họ yếu lý, không có lẽ phải, nên chỉ còn có một biện pháp là trì hoãn, là phe lờ.

Để che lấp sự trốn tránh xấu xa ấy, họ đưa ra một loạt dự án luật khác cho kỳ họp thứ 7 này: Luật thuế nhà đất, Luật nuôi con nuôi, Luật dùng năng lượng, Luật người khuyết tật, Luật bưu chính, Luật trọng tài thương mại, Luật an toàn thực phẩm…

Có khi phải chờ cho đến khi có hàng vạn, hàng chục vạn nông dân oan ức, nông dân bị đủ loại cường hào mới cướp ruộng đất kéo đến trung tâm Hà Nội, mang cờ Búa và Liềm rách tơi tả, thì may ra mới có được một đạo luật mới về Sở hữu Ruộng đất.

Cũng có thể chờ cho lá thư của cô nhà báo Dương Thị Xuân được vài nghìn trong số 17.000 nhà báo viết, báo nói, báo điện tử, báo mạng ký tên hưởng ứng và đăng tên đàng hoàng, công khai trên các mạng, thì một cuộc thảo luận về tư do báo chí và tự do truyền thông trong toàn xã hội sẽ được thực hiện, từ đó bắt buộc quốc hội không thể trì hoãn, ngang nhiên lờ hoài, quên mãi một đạo luật họ từng hứa hẹn suốt 2 năm nay.

* Blog của nhà báo Bùi Tín là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.

  • 16x9 Image

    Bùi Tín

    Nhà báo Bùi Tín hiện sống tự do ở Pháp, là một nhà báo chuyên nghiệp, một nhà bình luận thời sự quốc tế, và là cộng tác viên thường xuyên của đài VOA. Ðối tượng chính của nhà báo Bùi Tín là giới trí thức trong và ngoài nước, đặc biệt là tuổi trẻ Việt Nam quan tâm đến quê hương tổ quốc.

Đường dẫn liên quan

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG