Đường dẫn truy cập

Quan hệ thương mại Mỹ-Trung sau khi ông Trump tuyên thệ nhậm chức


Tổng thống đắc cử Hoa Kỳ Donald Trump (bên trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình
Tổng thống đắc cử Hoa Kỳ Donald Trump (bên trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình

Thế giới sẽ theo dõi khi doanh gia Donald Trump chính thức tuyên thệ nhậm chức vào ngày 20/1 để trở thành vị Tổng thống thứ 45 của Hoa Kỳ, và có ít quốc gia để tâm theo sát sự kiện này cho bằng Trung Quốc. Hiện kim ngạch mậu dịch giữa hai nước đạt gần 600 tỉ đôla hàng năm, phần lớn những trao đổi thương mại này, trị giá ước lượng 466 tỉ đôla, là do hàng sản xuất ở Trung Quốc bán vào thị trường Mỹ. Ông Trump đã đề nghị các biện pháp để giảm tình trạng mất cân bằng mậu dịch, nhưng một số người lo sợ các biện pháp được đề nghị và những lời lẽ cứng rắn của ông Trump có thể phương hại tới các quan hệ giữa Bắc Kinh và Washington, đồng thời làm suy yếu nền kinh tế toàn cầu. Thông tín viên Mil Arcega của VOA có thêm các chi tiết sau đây.

Về vấn đề thương mại quốc tế, ứng cử viên Tổng thống Donald Trump rất thẳng thừng.

“Chúng ta sẽ thương thuyết một thoả thuận thương mại thật tốt đẹp, và nếu chúng ta không làm được như vậy, thì đường ai nấy đi.”

Để đối phó với tình trạng thâm thủng mậu dịch của Mỹ với Trung Quốc, ông Trump đề nghị tăng thuế quan đánh trên hàng hoá do Trung Quốc sản xuất, và bổ nhiệm những nhân vật chỉ trích Trung Quốc để chịu trách nhiệm về chính sách thương mại. Nhưng nhà nghiên cứu Bill Galston thuộc Viện Brookings tỏ ra nghi ngại về những lập luận của ông Trump. Ông Galston phát biểu:

“Ý kiến cho rằng đây chỉ là con đường một chiều, chúng ta có thể đe doạ Trung Quốc nhưng Trung Quốc không thể đe doạ chúng ta để đáp trả, tôi nghĩ là quá thô thiển.”

Ông Galston nói Trung Quốc có thể trả đũa nếu Hoa Kỳ áp đặt các điều kiện mới. Nhưng các giới chức Trung Quốc nói rằng quyền lợi của cả hai nước sẽ bị phương hại nếu hai bên đối đầu nhau.

Đại sứ Trung Quốc tại Hoa Kỳ, ông Thôi Thiên Khải, phát biểu:

“Bất cứ cuộc chiến tranh thương mại nào, đặc biệt là chiến tranh thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, sẽ gây thiệt hại năng nề cho cả hai nền kinh tế và cũng sẽ phương hại tới nền kinh tế toàn cầu.”

Sự thực là, Hoa Kỳ cần tới Trung Quốc cũng tương đương với mức độ Trung Quốc cần Hoa Kỳ.

Ông Justin Urquhart Stewart, thuộc nhóm đầu tư Seven Investment Management, nhận định:

“Ông Donald Trump cần tới người Trung Quốc bởi vì suy cho cùng, họ cũng là chủ nợ lớn thứ nhì của Hoa Kỳ, và có lẽ ông cũng muốn họ mua thêm nữa và đừng bán các khoản nợ đó. Mặt khác, người Trung Quốc cũng cần tới người Mỹ bởi vì Mỹ là một trong những đối tác mậu dịch lớn nhất của Trung Quốc. Họ muốn người Mỹ tiếp tục mua hàng hoá của Trung Quốc.”

Các chuyên gia mậu dịch nói gạt qua thương mại với Trung Quốc hoặc với các nước khu vực Á Châu-Thái Bình Dương khác sẽ không phục hồi những công ăn việc làm đã mất, mà có phần chắc sẽ phương hại tới nền kinh tế Mỹ và tạo ra một môi trường bất định đối với các nền kinh tế mới nổi cũng như các nền kinh tế đã phát triển.

Nhưng ông Chad Bown, một kinh tế gia từng làm việc tại Ngân Hàng Thế giới, nói những lời lẽ cứng rắn của ông Trump có lẽ chỉ là một chiêu trò để thương thuyết hơn là một hành vi thù nghịch đối với một đối tác thương mại quan trọng. Ông Bown nhận định:

“Rõ rệt là như thế về mặt lời lẽ và lập luận, nhưng cũng có thể một phần đó là phong cách của ông Trump, đối phó với những vấn đề như thế theo hướng tiếp cận của một doanh nhân, muốn mặc cả thương thuyết hơn là hướng tiếp cận của một nhà ngoại giao hay của một chính khách lớn.”

Bất chấp nghị trình phản thương mại của ông Trump, gạt sang một bên Hiệp định Hợp tác Xuyên Thái Bình Dương-TPP, cùng lúc đe doạ tái thương thuyết các thoả thuận đã ký kết như hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ, tức NAFTA, ông Bown nói hành động chứ không phải là những lời phát biểu, sẽ quyết định số phận của các quan hệ Mỹ-Trung.

VOA Express

XS
SM
MD
LG