Các chuyên gia pháp lý nói quân đội Thái Lan đang tìm cách mở ra một thời đại trong đó chính quyền tiếp tục nằm dưới kiểm soát của họ, sau khi hiến pháp do tập đoàn quân sự cầm quyền hậu thuẫn được thông qua hôm Chủ nhật.
Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha hôm thứ Ba nói rằng các cuộc bầu cử sẽ vẫn tiến hành như đã định sau khi cử tri Thái Lan biểu quyết ủng hộ hiến pháp được quân đội hậu thuẫn. Cuối tuần qua trong tổng cộng 25 triệu lá phiếu của cử tri, hơn 15 triệu, tương đương với 61%, ủng hộ hiến pháp mới.
Với đa số 58%, cử tri Thái Lan còn đồng ý để 250 thành viên do quân đội bổ nhiệm vào Thượng viện được cùng 500 dân biểu dân cử ở Hạ viện chọn vị thủ tướng mới sau các cuộc bầu cử.
Người Thái Lan đã đi đầu phiếu vào năm 2011, kết quả là đảng Pheu Thai do bà Yingluck Shinawatra lãnh đạo đắc cử, tuy nhiên chính phủ của bà Yingluck bị lật đổ trong cuộc đảo chánh tháng 5/2014 do ông Prayut cầm đầu. Ông Prayut còn là lãnh đạo của tập đoàn quân sự cầm quyền hiện nay có tên là Hội đồng Gìn giữ Hoà bình Quốc gia – gọi tắt là NCPO.
Ông Thitinan Pongsudhirak, một nhà khoa học chính trị thuộc Đại học Chulalongkorn, nói kết quả của cuộc trưng cầu ý kiến nêu bật ước nguyện của cử tri Thái Lan muốn tiến tới các cuộc tổng tuyển cử.
Ông nhận định:
“Kết quả cuộc biểu quyết không nhằm trực tiếp ủng hộ tính chính đáng của chính quyền quân sự. Người dân Thái Lan không thực sự bầu cho một văn kiện. Họ quen bầu cho những cá nhân… Thế cho nên kết quả nói chung cho thấy là nhân dân Thái Lan muốn có tiếng nói tại các phòng phiếu. Đây là một cách để tiến tới các cuộc biểu quyết, hướng tới các cuộc bầu cử. ”
Ông Henning Glaser, một giáo sư môn luật giảng dạy tại Đại học Thammasat, nói rằng hiến pháp mới của Thái Lan phản ánh một xu hướng ở nước này nghiêng về các bản hiến pháp “phản tiến trình bầu cử”, tương tự như tại Hoa Kỳ và Châu Âu trong thế kỷ 18 và 19.
Ông giải thích thêm:
“Điều mà từ lâu chúng ta biết được về đường lối thực thi hiến pháp Thái Lan, thì đường lối này về cơ bản luôn luôn có tính cách ‘phản tiến trình bầu cử’. Tuy nhiên khi xem xét bản dự thảo hiến pháp, chúng ta có thể thấy một hình thức có thể nói là cực đoan hoá lập trường chống đối tiến trình bầu cử ấy.”
Đảng Pheu Thai và lãnh đạo của đảng này, bà Yingluck Shinawat, chống đối hiến pháp mới, trong khi cá nhân người đứng đầu Đảng Dân chủ, ông Abhisit Vejjajiva, chống đối bản dự thảo hiến pháp, dẫn đến những sự rạn nứt trong chính đảng của ông.
Các chính đảng bị suy yếu
Ông Glaser nói các chính đảng chủ yếu, như đảng Pheu Thai và Đảng Dân chủ - còn được gọi là Phak Prachthipat, sẽ suy yếu dưới hiến pháp mới.
Ông Glaser nói:
“Về mặt luật bầu cử, các chính đảng lớn sẽ mất quyền lợi. Hiến pháp mới đặc biệt tác động tới đảng Pheu Thai và Đảng Phak Prachthipat trong các cuộc bầu cử, trong khi các đảng hạng trung sẽ có lợi thế hơn. Chúng ta sẽ có một quốc hội bị suy yếu gồm các chính khách và các chính đảng yếu ớt bị chia rẽ trầm trọng, và như vậy hệ quả là chúng ta cũng sẽ có một chính phủ bị suy yếu.”
Thượng viện gồm 250 thành viên được bổ nhiệm sẽ bao gồm 6 cấp chỉ huy quân sự và các giới chức quốc phòng cấp cao trong ít nhất là 5 năm.
Ông Glaser nói tiếp:
“Có phần chắc Thái Lan sẽ có một chính phủ được đại diện bởi các thế lực đang hậu thuẫn chính phủ hiện thời, và nếu không gặp cản trở nào gây gián đoạn cho quyền cai trị của họ, thì có phần chắc khối quyền lực này sẽ nắm quyền cho tới năm 2026 hoặc 2027.”
Hiến pháp mới nhất, là hiến pháp thứ 20 của Thái Lan từ khi nước này trở thành một nền quân chủ lập hiến vào năm 1932, là hiến pháp thứ nhì được soạn từ khi quân đội lên nắm quyền vào tháng 5 năm 2014. Bản hiến pháp đầu tiên đã bị Hội đồng Lập pháp Quốc gia bác bỏ hồi tháng 9 năm ngoái.
Ông Suchit Bumbongkam, một Giáo sư chính trị học tại Đại học Chulalongkorn, đã hợp tác viết hiến pháp năm ngoái, nói các nhà lãnh đạo quân sự sẽ không từ bỏ quyền hành một cách dễ dàng.
Giáo sư Suchit nhận định:
“Họ sẽ tiếp tục đóng một vai trò thiết yếu trong việc thành lập chính phủ. Vấn đề nằm ở chỗ họ không chỉ thành lập chính phủ, mà quân đội sẽ tiếp tục đóng một vai trò thiết yếu để giám sát các vấn đề an ninh quốc gia. Và rất có thể là một trong các lãnh đạo của Hội đồng Gìn giữ Hoà bình Quốc gia (NCPO) sẽ lên làm Thủ Tướng.”
Nhưng các nhà phân tích nói cử tri có vẻ như sẵn sàng chấp nhận việc quân đội đóng vai trò trung tâm trong khi Thái Lan đang trải qua một giai đoạn chuyển tiếp trong bối cảnh Quốc vương Bhumipol Adulaydej, 88 tuổi, cho dù rất được lòng dân, đang trong tình trạng sức khoẻ suy yếu.
Giáo sư Thitinan của Đại học Chulalongkorn nói nhiều người Thái Lan chỉ mong rằng thời kỳ chuyển tiếp sẽ diễn ra trong hoà bình.