Đường dẫn truy cập

Quan điểm của người Mỹ gốc Việt về giáo dục trong mùa tranh cử tại Hoa Kỳ


Các em học sinh đang tập làm toán tại một trường tiểu học ở Los Angeles.
Các em học sinh đang tập làm toán tại một trường tiểu học ở Los Angeles.
Kỳ trước chúng tôi có dịp trình bày quan điểm khá tiêu biểu của cử tri người Mỹ gốc Việt về các vần đề việc làm và bảo đảm y tế trong mùa tranh cử. Vấn đề kế đến được nhiều người quan tâm là giáo dục.

Trong chương trình tranh cử, cả hai đảng đều xác định sự quan trọng của giáo dục. Trong khi đảng Dân chủ và tổng thống Obama có khuynh hướng gia tăng sự tham dự của chính phủ liên bang vào giáo dục địa phương, thì Thống đốc Romney và đảng Cộng Hòa lại chủ trương giảm bớt quyền hạn của chính phủ liên bang, tôn trọng tối đa quyền tự trị giáo dục của các tiểu bang và tạo điều kiện tự do kinh doanh trong lĩnh vực này, cũng như điều kiện cho phụ huynh được tự do chọn lựa trường học cho con em của họ.

Cô Vũ Kim Yến là hiệu trưởng trường Collins Elementary trong khu học chính Alief, vùng tây nam Houston và cũng là hội trưởng hội Văn Hóa Khoa Học Việt Nam tại Houston, cho biết, là việc giáo dục trẻ em cho đến hết trung học là nhiệm vụ của tiểu bang và các khu học chính độc lập địa phương:

“Trách nhiệm giáo dục các em là của tiểu bang và của địa phương chứ không phải của liên bang. Các khu học chính của tiểu bang Texas cũng như các tiểu bang khác trên toàn nước Mỹ là những khu học chính độc lập và theo lịch sử Hoa Kỳ, với lại những vị sáng lập ra Hoa Kỳ đã rõ ràng viết ra các điều luật với cái ý tưởng căn bản giáo dục là trách nhiệm của tiểu bang và địa phương”.

Theo Cô Kim Yến thì chính phủ liên bang tài trợ cho tiểu bang và các địa phương để giúp tiểu bang theo các luật chung của liên bang mà đạt tiêu chuẩn toàn quốc:

“Những số tiền đó thường áp dụng về các chương trình bắt buộc các khu học chính, thí dụ như special education, cái đó là điều luật liên bang, chúng tôi bắt buộc phải tuân theo, tại vì những điều luật đó là bảo vệ quyền lợi của các em tật nguyền, các em có những vấn đề về học hành. Những điều luật đó là để các trường học không phân biệt và kỳ thị các em đó”.

Tuy nhiên, cô Kim Yến cho rằng các tiêu chuẩn này đôi khi không thích hợp với địa phương:

“Liên bang có thể có những standard và guidelines nhưng tới một mức độ nào đó thôi, tại vì những guidelines của liên bang nhiều khi có những khó khăn mà có thể là chính phủ liên bang không hiểu được, mỗi đia phương có một khó khăn khác”.

Và cô nói thêm rằng chính thống đốc tiểu bang Texas đã không chấp nhận tiêu chuẩn liên bang:

“Có nhiều tiểu bang như tiểu bang Texas, ông thống đốc Rick Perry đã từ chối, không chấp nhận National Standard của liên bang, vì thế đã bị chỉ trích rất nhiều”.

Còn bà Mỹ Quý là một giám đốc quản trị, đặc trách liên lạc liên bang tại khu học chính độc lập Houston, một khu học chính lớn nhất Texas, nói rằng, vai trò của chính phủ liên bang trong lĩnh vực giáo dục công lập là hỗ trợ cho các chương trình đặc biệt tại các khu học chính địa phương, còn các khu học chính này vẫn trực tiếp lo những chi phí cho giáo dục căn bản:

“Thí dụ tiền thường của mình (khu hoc chính địa phương) thì mình xài cho việc dạy học, trả lương thầy cô, nhưng mà tiền của liên bang thì có thể trả tiền sau giờ học để giúp cho các em học chậm, hay là giúp cho các em khá lên thì cái này gọi là supplement tức là THÊM vào chứ không phải là THẾ vào những cái mình phải làm. Họ có điều kiện hết”.

Đề cập tới quan điểm của đảng Cộng Hòa cho là nghiệp đoàn giáo chức gây trở ngại cho việc quản trị học đường, thì bà Mỹ Quý cho rằng, các nghiệp đoàn này bảo vệ quyền lợi của giáo chức và các khu học chính địa phương vẫn thỏa thuận với nghiệp đoàn để có những tiêu chuẩn căn bản trong việc định khả năng của thày cô và bảo đảm tiêu chuẩn giáo dục cho học sinh:

“Thày cô dạy thì họ chấm điểm thày cô bằng cách coi học trò có đậu những bài thi hay không, có lên lớp hay không, có pass được test hay không. Thì cái đó là cái họ dùng để giữ thầy cô hay bỏ thầy cô. Nếu họ có đủ điều kiện thì Union cũng không làm gì được”.

Về phương diện tài trợ cho các sinh viên đại học, Tổng thống Obama chủ trương bộ giáo dục liên bang trực tiếp quản trị các quỹ cho sinh viên mượn tiền đi học để giảm tiền lời và nói rằng sẽ xóa nợ cho những người đã trả sòng phẳng trong 20 năm mà đang còn có khó khăn trong việc làm.

Trong khi đó Thống đốc Romney thì chủ trương để cho các ngân hàng tư quản trị và lưu ý các sinh viên không nên trông chờ vào cơ hội được xóa bỏ nợ mà phải cân nhắc kỹ khi vay nợ chính phủ như một đầu tư hợp lý.

Bình luận về việc này, cô Kim Yến nói rằng cần phải giảm tiền lời cho các món nợ tiền học:

“Về financial aid và cái vấn đề tiền lời của những chương trình mượn tiền cho các em đi học, tôi rất đồng ý với tổng thống Obama là cái tiền lời đó nên phải luôn luôn giảm thấp cho các em học sinh có cơ hội đi học và sau đó vấn đề tài chính không là gánh nặng cho các em sau khi các em ra trường”.

Và bà Mỹ Quý thì cho rằng việc giao cho ngân hàng tư quản trị ngân khoản cho sinh viên vay đi học thì sinh viên phải trả tiền lời theo ý nhà băng và bà cũng đồng ý là chính phủ cần tìm cách giảm gánh nặng cho những người cố gắng trả nợ nhưng đang gặp khó khăn:

“Mình thấy là nếu chính phủ có thể giúp cho student loan, hoặc là có tiền lời thấp, hoặc là giúp có nhiều student loans hơn, thì giúp cho mấy người trẻ đi học được. Còn nhà bank thì họ charge interest theo ý họ. Trường hợp thí dụ họ không có việc làm hay có việc làm mà quá ít lương mà họ vẫn cố gắng trả, thì nếu chính phủ có phương tiện giúp họ, hoặc là cho họ trả bớt đi, nếu không cho hết thì cho trả ít hơn một phần nào đó, điều đó làm cho người ta phấn khởi hơn”.

Trong cuộc vận động tranh cử, đảng Cộng Hòa đưa ra chương trình Voucher, là chương trình tài trợ cho những người muốn cho con em đi học trường tư thay vì học trường công lập. Đề cập đến chương trình Voucher, cô Kim Yến không đồng ý là chính phủ phải ưu tiên cho sự chọn lựa này mà ngược lại cần cung ứng giáo dục bình đẳng cho mọi trẻ em. Cô nói:

“Cá nhân tôi làm trong ngành giáo dục và làm trong lãnh vực public school thì thực sự tôi không đồng ý điều đó là vì chúng tôi có rất nhiều trách nhiệm và gánh nặng trong ngành giáo dục vì giáo dục Mỹ là giáo dục" All the children", nghĩa là tất cả các em không phân biệt giàu nghèo, hay là các em tàn tật”.

Trong lúc phần đông cử tri đang chú trọng nhiều đến hai lãnh vực kinh tế và bảo hiểm sức khỏe trong mùa tranh cử năm nay, thì cô hiệu trưởng Vũ Kim Yến cho rằng Giáo dục cũng không kém phần quan trọng. Có lẽ đây là tâm trạng của không ít người Mỹ gốc Việt:

“Tuy rằng vấn đề kinh tế là vấn đề nhiều người đang nghĩ đến vì kinh tế đang không được khả quan nhưng vấn đề giáo dục là đường lâu đường dài cũng sẽ có ảnh hưởng rất lớn trong cuộc bầu cử năm nay”.

Nguyễn Phục Hưng, tường trình từ Houston, Texas

VOA Express

XS
SM
MD
LG