Đường dẫn truy cập

Nhân ngày khai giảng: giáo dục uể oải theo lối mòn


Năm học mới vừa khởi đầu trên toàn thế giới.

Ở Pháp, năm nay nổi lên vấn đề cải cách giáo dục cho tất cả các bậc học, từ mẫu giáo đến cao học. Đây là năm học đầu tiên trong điều kiện đảng Xã hội Pháp lãnh đạo cả chính phủ, Thượng viện, Hạ viện và tuyệt đại đa số các vùng hành chính trong cả nước.

Thủ tướng Jean Marc Ayrauld và Bộ trưởng Giáo dục Vincent Peillon liên tiếp lên đài phát thanh – truyền hình, trả lời phỏng vấn về những điểm chính trong cuộc cải cách giáo dục trước mắt. Cuộc cải cách bao gồm nhiều lĩnh vực với nhiều trọng điểm. Đó là tăng thêm số giáo sư cho các ngành học, thường xuyên nâng trình độ giáo viên các cấp, chú trọng việc dạy nghề, khôi phục việc dạy về đạo đức cũng như công dân giáo dục. Tư tưởng trung tâm của nền giáo dục là đào tạo những con người tự do, có tư duy độc lập, tự chủ, sáng tạo, có đầu óc phản biện, biết hoài nghi chính đáng, từ bỏ lối học giáo điều, học vẹt, xuôi chiều, nhằm lấy bằng cấp, tách khỏi cuộc sống xã hội. Nói cô đọng, đó là rèn luyện nhân cách cho mỗi công dân để phát triển toàn diện đến mức cao nhất mỗi cá nhân, mỗi gia đình và toàn xã hội.

Ở Việt Nam, năm nay khai giảng năm học mới xem ra chẳng có gì là mới. Còn có vẻ uể oải.

Vẫn là Chủ tịch nước gửỉ thư cho giáo viên và học sinh và sinh viên, động viên dạy tốt, học tốt, nâng cao chất lượng giáo dục, phát huy truyền thống hiếu học, thực hiện chiến lược giáo dục 10 năm 2011 – 2020. So với năm ngoái cũng y như thế, không có điểm gì khác. Rồi vẫn Bộ trưởng Giáo dục Phạm Vũ Luận đến trường trung học Lê Quý Đôn ở quận Cầu Giấy đánh một hồi trống khai mạc năm học, như một nghi lễ sáo mòn, nhạt nhẽo.

Trong khi đó các nhà giáo dục góp ý, lên tiếng yêu cầu cần có một tư tưởng trung tâm làm nền cho công cuộc canh tân giáo dục, chuyển hẳn lề lối học vẹt, học lấy điểm và bằng cấp, nhằm vào thi đỗ tỷ lệ cao để khoe thành tích sang phương hướng trau dồi nhân cách và phương pháp tư duy tự chủ độc lập, gắn chặt với thực tế xã hội và thực tế thời đại. Góp mãi, góp nhiều, nhưng chẳng có gì là chuyển đổi. Năm nay ngày khai giảng trôi qua lặng lẽ, nhàm chán, các phụ huynh còn có nhiều nỗi lo khác gần cuộc sống hơn: vật giá lên cao, lạm phát tăng, thất nghiệp tràn lan, giá thuê nhà cho học sinh sinh viên cũng tăng vọt. Năm nay chẳng còn ai bàn đến chuyện nâng cao chất lượng nền giáo dục trung học và đại học nước ta, làm sao đạt được tầm trung bình của quốc tế, rút ngắn khoảng cách với các nước chung quanh.

Xã hội u ám, tệ tham nhũng hoành hành bất trị, đạo đức học đường bê bối, thầy không ra thầy, trò chẳng ra trò, thầy vào nhà thổ gặp trò làm điếm là chuyện không còn hiếm. Rồi câu chuyện một quan to viện trưởng quốc doanh Hoàng Quang Thuận ăn cắp thơ văn, được tâng bốc là «tiên Phật thần thánh nhập thần» tạo nên 121 bài thơ tuyệt cú trong một đêm, được các quan chức chuẩn bị gửi đi ứng cử giải Nobel văn học, nhưng bị vỡ lở tan hoang, càng làm cho môi trường giáo dục - văn hóa ngày càng nặng mùi.

Tuy nhiên vẫn có một tin vui trong ngày khai giảng năm nay. Mấy ngày qua ở Sài Gòn đã có một cuộc họp về cải cách giáo dục cho các em mầm non - mẫu giáo, do Trường Đại học Khoa Xã hội và Nhân văn và Sở Giáo dục thành phố tổ chức.Cuộc họp về giáo dục này được tổ chức quốc tế mang tên Association Montessori International AMI hỗ trợ.

AMI là một hiệp hội quốc tế lớn về mặt giáo dục - đào tạo - sư phạm, hiện có 22.000 cơ sở rải rác trên toàn thế giới, chuyên thực hiện nghiên cứu sư phạm và giáo dục đối với trẻ em và mẫu giáo, theo các lứa tuổi từ mới sinh đến 3 tuổi, từ 3 đến 6 tuổi và từ 6 đến 12 tuổi, do bà bác sỹ Maria Montessori, gốc Ý sáng lập năm 1929. Phương pháp sư phạm này đặt trên cơ sở hiện đại, nhằm phát huy tự do và nhân cách của trẻ, kích thích tư duy độc lập từ sơ sinh, phát huy sáng tạo và óc thẩm mỹ, làm nảy nở thiện tâm và năng khiếu, hình thành tâm thức của người công dân có ý thức tự lập và dân chủ, quý yêu cuộc sống bản thân, khoan dung với bè bạn, hòa hợp với thiên nhiên và xã hội.

Ở Amsterdam, thủ đô nước Hà Lan có một bảo tàng mang tên Maria Montessori, rất phong phú và bổ ích, trưng bày nhiều hiện vật về hoạt động của hiệp hội AMI trong gần một trăm năm qua.

Trên đây là một tin vui hiếm, vì nếu phương pháp sư phạm Montessori được áp dụng rộng rãi ở nước ta thì thật là hạnh phúc cho tuổi thơ. Các em sẽ được chuẩn bị phát huy hết trí tuệ, tình cảm, thiện tâm, năng khiếu, có tư duy độc lập, sẽ thành những công dân tự do, tự tin, làm chủ cuộc đời mình, còn đóng góp cao nhất cho xã hội.

Những lại sinh ra bao điều lo. Vì sau 12 tuổi các em sẽ ra sao? Lên bậc trung học và đại học sẽ theo hướng sư phạm nào? Tất nhiên phải được tiếp nối theo phương pháp sư phạm khai phóng phát huy tư duy độc lập trên đây. Nhưng trong khi dân chủ trong xã hội bị bóp ngẹt, người yêu nước bị đàn áp, vào tù, tự do báo chí là quả cấm, giáo dục vẫn chậm tiến, nói thẳng nói thật sẽ mang họa vào thân, thì các em đến tuổi trưởng thành, khi ra đời, sẽ phải sống ra sao đây?

Một xã hội bóp ngẹt tự do dân chủ của công dân, xã hội ấy làm sao có thể khai phóng tư duy tự do dân chủ cho những mầm non - trẻ thơ của đất nước được. Hoặc các em vẫn sẽ tự tin, hướng thiện, cứng cỏi, nghe theo lẽ phải và công lý, sống có nhân cách, là con người thật sự tự do, sẽ phải đối đầu với vô vàn nghịch cảnh, hoặc là các em sẽ phải thích ứng với thời thế, tự mình cãi nhau với chính mình, để rồi quay về với lối sống cơ hội, sống hèn, sống mòn, sống yên thân.

Chưa bao giờ sự thay đổi cả hệ thống cầm quyền, hệ thống cai trị đất nước trở nên cấp bách như hiện nay. Từ hệ thống độc đoán cưỡng bách sang hệ thống tự do dân chủ đa nguyên. Từ hệ thống kinh tế - tài chính lấy quốc doanh làm chủ đạo sang hệ thống kinh tế - tài chính tự do bình đẳng theo luật pháp giữa các thành phần sở hữu; từ hệ thống văn hóa coi giá trị kim tiền là quý nhất sang văn hóa coi trọng quan hệ người với người là quý nhất, đồng tiền là phương tiện không phải là mục tiêu của cuộc sống; từ hệ thống giáo dục giáo điều, nhồi sọ, lấy thành tích và văn bằng làm tiêu chí sang hệ thống giáo dục khai phóng phát huy nhân cách và tư duy độc lập, làm nảy nở từ trẻ thơ ý thức tự do bình đẳng, làm chủ cuộc sống của bản thân.

Hai thí dụ hùng hồn là nếu như cô Dương Nguyệt Ánh và anh Philipp Rosler không có điều kiện di dân sang Hoa Kỳ và liên bang Đức để tiếp thu nền giáo dục khai phóng tiên tiến thì làm sao có thể trở thành một nhà khoa học danh tiếng của nước Mỹ và một chính khách hàng đầu của cả châu Âu được. Nếu còn ở trong nước, thật khó biết cô Ánh và anh Rosler sẽ làm nên sự nghiệp gì.

Chuyển đổi hẳn cả hệ thống về chính trị, kinh tế, tài chính, văn hóa, giáo dục là chiếc chìa khóa thần kỳ nhưng trong tầm tay, mở cửa cho tương lai tươi sáng của dân tộc. Một nhận thức đang ăn sâu, lan rộng trong xã hội ta, ngày càng thêm sâu đậm nhân dịp khai giảng năm học mới.

* Blog của Nhà báo Bùi Tín là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.
  • 16x9 Image

    Bùi Tín

    Nhà báo Bùi Tín hiện sống tự do ở Pháp, là một nhà báo chuyên nghiệp, một nhà bình luận thời sự quốc tế, và là cộng tác viên thường xuyên của đài VOA. Ðối tượng chính của nhà báo Bùi Tín là giới trí thức trong và ngoài nước, đặc biệt là tuổi trẻ Việt Nam quan tâm đến quê hương tổ quốc.

VOA Express

XS
SM
MD
LG