Đường dẫn truy cập

Quan chức Bắc Kinh 2022 cảnh báo hành vi vi phạm ‘tinh thần Olympic’


Một cảnh thiết kế của Thế vận hội Mùa đông Bắc Kinh 2022.
Một cảnh thiết kế của Thế vận hội Mùa đông Bắc Kinh 2022.

Một quan chức của Thế vận hội Bắc Kinh 2022 nói hành vi vi phạm tinh thần Olympic hoặc các quy định của Trung Quốc của các vận động viên có thể bị trừng phạt. Phát biểu của quan chức này được đưa ra sau khi các nhóm quyền lên tiếng lo ngại về sự an toàn của các vận động viên nếu họ tham gia biểu tình tại Thế vận hội vào tháng tới.

Quy tắc 50 của Hiến chương Olympic quy định “không được phép biểu tình hoặc tuyên truyền chính trị, tôn giáo hoặc chủng tộc ở bất kỳ địa điểm Olympic nào”, mặc dù năm ngoái nó đã được nới lỏng để cho phép biểu lộ cử chỉ trên sân nếu chúng không gây ra gián đoạn và thể hiện sự tôn trọng đối với các đối thủ.

Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC) từng nói rõ rằng các vận động viên được tự do bày tỏ ý kiến của mình về bất kỳ vấn đề nào trong các cuộc họp báo và phỏng vấn trong Olympic, miễn là không phải trong lúc thi đấu hoặc tại lễ trao huy chương.

Trả lời câu hỏi trong cuộc họp báo trực tuyến hôm 19/1 về những lo ngại đối với các vận động viên nếu họ lên tiếng về các vấn đề nhân quyền trong Thế vận hội Mùa đông, bắt đầu vào ngày 4/2, ông Yang Shu, Phó tổng giám đốc Sở Quan hệ Quốc tế Bắc Kinh 2022,

nói: “Bất kỳ biểu hiện nào phù hợp với tinh thần Olympic, tôi chắc chắn sẽ được bảo vệ, và bất kỳ hành vi hoặc phát ngôn nào chống lại tinh thần Olympic, đặc biệt là chống lại luật pháp và quy định của Trung Quốc, cũng sẽ phải chịu hình phạt nhất định”.

Việc tước phép tham dự sẽ là một hình phạt phù hợp với sách hướng dẫn của Ban tổ chức, quan chức này nói trong sự kiện do đại sứ quán Trung Quốc ở Washington tổ chức.

Tuy nhiên, theo Reuters, sách hướng dẫn chủ yếu đề cập đến các biện pháp phòng chống COVID-19 và không đề cập đến các vấn đề như phát ngôn hoặc phản đối.

Trong các kỳ Thế vận hội trước đây, bất kỳ hành vi vi phạm điều lệ Olympic nào của các vận động viên đều chỉ do IOC xử lý.

Bình luận của ông Yang được đưa ra sau khi các vận động viên đến tham dự Thế vận hội Bắc Kinh đã được các diễn giả tại hội thảo do Tổ chức Theo dõi Nhân quyền tổ chức hôm thứ Ba cảnh báo về việc lên tiếng về các vấn đề nhân quyền khi ở Trung Quốc, vì sự an toàn của chính họ.

Các nhóm nhân quyền từ lâu đã chỉ trích IOC về việc trao Olympic cho Trung Quốc, với lý do về cách Trung Quốc đối xử với người Duy Ngô Nhĩ và các nhóm thiểu số Hồi giáo khác, mà Hoa Kỳ coi là hành vi diệt chủng. Trung Quốc phủ nhận các cáo buộc vi phạm nhân quyền.

Hôm thứ Ba, IOC cho biết trong một phản hồi qua email đối với yêu cầu bình luận từ Reuters rằng họ luôn “công nhận và đề cao các quyền con người được ghi nhận trong các Nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Olympic và trong Quy tắc đạo đức của tổ chức”.

Một số quốc gia bao gồm Hoa Kỳ, Anh, Nhật Bản và Úc đã tuyên bố tẩy chay Thế vận hội về mặt ngoại giao vì những lo ngại về nhân quyền ở Trung Quốc.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG