Đường dẫn truy cập

Có kiêng có lành


Tại một clinic tại Pico-Union district, Los Angeles, 26 tháng Bảy, 2021. Hình minh họa.
Tại một clinic tại Pico-Union district, Los Angeles, 26 tháng Bảy, 2021. Hình minh họa.

Sống với COVID-19 hơn một năm mới thấy các cụ mình nói đúng: Có kiêng có lành. Đó là một thứ “lựa chọn tối ưu” theo lối suy nghĩ kinh tế học, môn học về những quyết định khi tương lai bất định. Khi không biết mình có thể bị nhiễm vi khuẩn hay không, cách tốt nhất là hãy đề phòng những tế bào nhỏ li ti đó. Nếu chẳng may gặp một đạo hùng binh vi khuẩn Sars2 Corona, chưa được coi là những sinh vật, mình có hy vọng thoát nạn, chỉ khó chịu một chút. Nếu không bao giờ gặp chúng thì cũng không sao.

Hơn một năm qua, California là tiểu bang “nhút nhát” nhất nước Mỹ. Virus Corona mới xuất hiện là đã phát sợ rồi! Dân Cali bị “cấm cung” sớm nhất. Chưa chi đã bắt đóng cửa các trường học, hàng quán, tất cả những nơi tụ họp đông người. Đeo mạng che miệng, đứng cách xa nhau, làm như ai đến gần mình cũng mang đầy chất độc! Khi có vaccine, đó cũng là tiểu bang bắt dân phải chích ngừa mạnh nhất; bao nhiêu lời phản đối đều bị bỏ qua. Theo CDC, đã có 70% dân California chích ngừa ít nhất một mũi vaccine, trong khi tỷ lệ chung cả nước Mỹ là 66%.

Chủ Nhật vừa qua, tôi được đi nghe giàn nhạc giao hưởng Los Angeles trình diễn. Trong phòng hòa nhạc Walt Disney ở L.A., tôi không ngờ người ta ngồi gần chật hết 2,265 chỗ. Ai cũng đeo mạng che miệng, che mũi. Covid-19 vẫn còn hoành hành khắp nước, khắp thế giới, mà ở đây mọi người vẫn tụ họp đông như vậy, mới thấy là mình may mắn!

Sống ở Quận Cam, là nơi tương đối “lỏng lẻo” trong việc phòng bệnh, gần đây ra đường tôi cũng không đeo mạng nữa, trừ lúc bước vào trong một cửa hàng. Nhiều người không đeo cái gì cả, cũng không ai phản đối, phàn nàn. Người lối xóm đi bộ gặp nhau ngoài đường cũng không ai đeo mạng, nếu tiện thì bước tránh sang một bên trong khi vẫy tay chào nhau.

Quận Cam vốn là nơi phong trào chống đeo mạng rất mạnh. Vào tháng Năm năm 2020, Bác sĩ Nichole Quick, Trưởng ban Y tế quận ra lệnh mọi người phải đeo mạng khi không thể đứng cách xa nhau 2 mét. Rất nhiều người phản đối. Có người đi biểu tình đem theo bức hình bà, với bộ râu của Hitler và chữ Thập Ngoặc biểu tượng Đức Quốc xã. Bác sĩ Quick bực mình quá, từ chức.

Hội Y tế Quận Cam (Orange County Medical Assn.) lên tiếng bênh vực bà, nhưng quá trễ. Người kế nhiệm, Bác sĩ Clayton Chau bãi bỏ “lệnh” này, chỉ dùng chữ “khuyến cáo.” Nhưng ông vẫn cương quyết nhấn mạnh: “Tôi đồng ý với các chuyên gia y tế, tôi tin tưởng rằng đeo mạng sẽ ngăn ngừa bệnh Covid-19 lan truyền và sẽ cứu nhiều mạng sống.”

Tháng Sáu năm ngoái, 25 người lãnh đạo công đoàn, đại diện 90 nghiệp đoàn đã tới trụ sở Quận Cam yêu cầu tái lập lệnh đeo mạng. Đó là những nghiệp đoàn của nhân viên các bệnh viện, các siêu thị, có người bán hàng nói đã bị khách đi chợ nhổ vào mặt khi được yêu cầu đeo mạng. Nhưng cùng lúc đó, những người chống đối cũng biểu tình. Họ coi các lệnh đề phòng và cấm đoán là thái độ độc tài, lại chống kinh doanh! Họ chế nhạo những người lấy thuốc sát trùng ra rửa tay!

Khác với Quận Cam, dân sống trên Quận Los Angeles đề phòng nghiêm ngặt hơn nhiều. Thành phố Los Angeles là nơi “cấm cung” nặng nhất trong cả tiểu bang; vì khi bệnh dịch phát khởi thì đó cũng là nơi bị tấn công nặng nhất. Không cần tiểu bang ra lệnh, trong năm qua chính quyền thành phố đã nhiều lần “ra tay” trước.

Dân chúng dần dần quen với lối sống “khắc khổ” đó! Khi trông thấy Nhạc sĩ Cung Tiến đứng trước cửa chào đón, ông vẫn đeo mạng che kín cả mũi làm tôi ngạc nhiên. Những người bạn quý đưa tôi tới, Nguyễn Thân và Bích Liên, cả ba chúng tôi đều không ai đeo mạng. Cung Tiến giải thích, ở đây mọi người ra khỏi căn hộ của mình vẫn phải đeo mạng! Một người mặc đồng phục, đeo mạng kín, ra mở cửa cho chúng tôi bước vào tòa cao ốc.

Nhưng “có kiêng có lành!” Kết quả sau cùng cho thấy số người bệnh và người chết ở California thấp nhất nước!

Thứ Sáu tuần trước, ngày 22 tháng Mười, bình quân cả nước Mỹ có 151 người mắc bệnh Covid-19 trong một tuần lễ, trên 100,000 dân. Riêng California trong 100,000 dân chỉ có 61 người mắc bệnh, theo con số của Sở Phòng Chống Bệnh Dịch (CDC, Centers for Disease Control and Prevention).

Những nơi khác ở Mỹ bị nặng hơn. Trong cùng tuần lễ đó, các tiểu bang Hawaii, Florida, Louisiana, Connecticut, New Jersey, Mississippi, Maryland, Georgia và Washington, D.C. có từ 50 đến 99 người bị bệnh. Montana, Wyoming, Idaho và Alaska bị nặng nhất, hơn 450 người nhiễm bệnh.

Số người chết vì Covid ở California cũng thấp nhất, trong tuần lễ trước ngày 22 tháng 10 chỉ có 3 người chết trong mỗi triệu dân. Trong cả nước Mỹ, mỗi tiểu bang trung bình có 27 người qua đời.

Một lý luận của những người chống đối là việc đeo mạng xâm phạm quyền tự do cá nhân. Tháng 5 năm ngoái, ông Jeff Hewitt, giám sát viên đơn vị số 5 Quận Cam nghi ngờ hiệu quả của việc đeo mạng, tuyên bố: “Đó là một quyết định cá nhân của tôi. Tôi nghĩ ai cũng đủ lớn khôn để tự quyết định lấy.” Một cụ già 78 tuổi đồng ý với ông, nói rằng cụ chỉ đeo mạng khi người chung quanh sợ vi khuẩn, “Tôi không sợ… Người ta già rồi thì ai cũng chết.”

Cuối cùng, ai cũng sẽ chết. Nói như vậy thì dù xóa bỏ tất cả hệ thống y tế của nhân loại cũng không sao!

Ngay từ đầu, nhiều người chống các “chiến dịch” phòng bệnh tập thể còn tung tin đồn rằng tất cả cơn bệnh dịch này là một vụ “bịa đặt!” Các con số người nhiễm bệnh và người chết vì Covid-19 đều là “giả tạo” được thổi phồng lên. Đến nay, đã có gần 46 triệu người bị bệnh giả tạo và 738,000 cái chết bịa đặt!

Bác sĩ John Brownstein, Bệnh viện Nhi Đồng Boston, nhận xét với nhật báo Los Angeles Times về tình trạng may mắn của dân California: “Chúng ta không biết chắc chắn yếu tố nào giúp ngăn bớt tai hại của cơn bệnh dịch, nhưng biết rằng tất cả các biện pháp và chính sách tập hợp lại có hiệu quả chắc chắn.”

Nhờ cả tiểu bang kiêng cữ hơn một năm trời, tôi đã được ngồi nghe Giao hưởng khúc số 4 của Gustav Mahler, lần đầu tiên được nghe “sống.” Các nhạc sĩ đều đeo mạng. Nhạc trưởng Gustavo Dudamel bước ra sân khấu, chào khán giả, miệng cũng đeo mạng. Dudamel tháo mạng đút vào túi, các nhạc sĩ cũng tháo ra! Khán giả thì không. Hai ngàn người giữ nguyên cái mạng che mũi, miệng; trong hơn hai tiếng đồng hồ, cho tới khi bước vào xe riêng của họ.

Có kiêng có lành.

  • 16x9 Image

    Ngô Nhân Dụng

    Ngô Nhân Dụng là bút hiệu của Đỗ Quý Toàn khi phụ trách mục Bình Luận trên Nhật báo Người Việt, từ năm 1995 khi ông về định cư tại Quận Orange, California, cho tới Tháng Hai năm 2020. Trước đó ông dạy môn Tài chánh học (Finance) ở các Đại học McGill và UQAM tại Montréal, Canada là nơi gia đình ông tới tị nạn từ năm 1975. Năm 1989, trước khi bức Tường Berlin sụp đổ, ông xuất bản cuốn Đổi Mới Kinh Tế dưới bút hiệu Vương Hữu Bột, kể kinh nghiệm thay đổi cơ cấu nền kinh tế cộng sản ở các nước từ Hungary, Trung Quốc, tới Nga và các nước Đông Âu. Cuốn sách xuất bản gần đây nhất, ký tên Ngô Nhân Dụng, là Đứng Vững Ngàn Năm – Nhờ đâu nước Việt vẫn còn sau ngàn năm Bắc thuộc?

    Cuốn sách đầu tiên ký tên Đỗ Quý Toàn xuất bản ở California là Yêu Con Dạy Con Nên Người Việt, do nhà Văn Nghệ ấn hành, năm 1979. Ông cũng đã in nhiều tập thơ từ năm 1965 và tập tiểu luận Tìm Thơ Trong Tiếng Nói do Thanh Văn xuất bản năm 1992.

    Trong blog này Ngô Nhân Dụng sẽ viết tiếp những bài Bình Luận về các vấn đề thời sự thuộc các lãnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, dưới mắt nhìn của một người Việt sống xa quê hương.

    Đây là một blog cá nhân được đăng tải trên Đài VOA nhưng không nhất thiết tương đồng với quan điểm của đài và của chính phủ Hoa Kỳ.

VOA Express

XS
SM
MD
LG