Đường dẫn truy cập

Cần chăm sóc trẻ em


Hình minh họa.
Hình minh họa.

Năm 1975 qua Canada tị nạn, tôi sống ở một khu toàn những người lao động nghèo. Nhưng khi ra đường thấy trẻ em đứa nào cũng mập mạp, mặc quần áo lành lặn, màu sắc đẹp đẽ, em nào cũng đi giầy, đi “bốt” vào mùa Đông. Chúng tôi kết luận: Ở xứ này cũng có người nghèo nhưng không có trẻ em nghèo!

Sau khi tìm được việc làm rồi, đến cuối tháng tôi lại ngạc nhiên thấy một ngân phiếu của bộ Tài chánh gửi cho, gọi là “tiền cho trẻ nhỏ.” Hỏi ra mới biết gia đình nào có con em dưới 18 hay 16 tuổi đều được tặng món tiền hàng tháng, giúp nuôi trẻ em. Số tiền không lớn, tôi không nhớ ba cháu nhỏ được tặng bao nhiêu, nhưng đối với một người lãnh lương tối thiểu $3 đô la một giờ thì thêm đồng nào cũng quý. Tôi không biết nước Canada đã tặng như thế từ năm nào; nhưng đó đúng là một chính sách văn minh, tiến bộ, và khôn ngoan. Lo cho sức khỏe và giáo dục trẻ em là cách đầu tư chắc chắn nhất vào tương lai.

Bây giờ tôi lại thêm một ngạc nhiên nữa sau vài chục năm sống ở Mỹ. Các đại biểu quốc hội Mỹ sắp bàn coi có nên tặng một món tiền cho các gia đình nuôi trẻ nhỏ hay không; và nên tặng bao nhiêu.

Trong số các quốc gia giàu nhất thế giới, nước Mỹ chi phí ít nhất cho việc trông nom trẻ em. Theo nhà bình luận Greg Ip trên nhật báo The Wall Street Journal ngày 29 tháng 9, nước Mỹ có “Tỷ số Trẻ Em Nghèo” (child-poverty rates) cao nhất trong số 38 nước thuộc Tổ chức Cộng tác và Phát triển (OECD). Mỹ chi tiêu 1% Tổng Sản Lượng Nội Địa (GDP) cho các gia đình nuôi trẻ nhỏ, đứng hàng thứ 36!

Ít người Mỹ gửi con cho nhà giữ trẻ; nếu gửi thì cha mẹ trả tiền, khoảng $1,100 đô la mỗi tháng nếu có chỗ. Trong việc trông nom trẻ em từ 2 tuổi trở xuống, ký giả Claire Cain Miller trên báo The New York Times ngày 6 tháng Mười cho biết Mỹ chi tiêu khoảng 0.2% GDP dưới hình thức miễn thuế cho cha mẹ hàng năm. Các nước khác trong OECD chi gấp ba lần rưỡi, 0.7% GDP Chính phủ Mỹ chi tiêu cho trẻ em trước tuổi học mẫu giáo khoảng $2,600 đô la, bằng một nửa số chi trung bình của các nước OECD.

Ở Đan Mạch, trẻ em 2 tuổi được gửi nhà giữ trẻ cho đến năm 10 tuổi, phụ huynh chỉ trả một phần tư. Nếu giữ con ở nhà, chính phủ sẽ trả tiền cho người đến trông nom. Trung bình chính phủ Đan Mạch chi mỗi năm $23,140 mỹ kim cho một đứa trẻ.

Trẻ em ở Berlin và Hamburg được gửi miễn phí trước khi lên tiểu học, nhưng nhiều nơi ở nước Đức phụ huynh có lợi tức cao phải đóng học phí. Ở Pháp, trẻ em từ 2,3 tuổi gửi tới nhà trẻ (crèches), cha mẹ được giảm bớt thuế 85% số chi phí. Trẻ em ở Anh và Ái Nhĩ Lan được gửi nhà trẻ hoàn toàn miễn phí. Nhật Bản trợ cấp cho việc gửi trẻ nhưng phụ huynh vẫn phải trả một món tiền lớn, dù không lớn bằng ở Mỹ. Trong các lớp tuổi mẫu giáo và tiểu học, trung học, nước Mỹ cũng chi tiêu ít hơn các nước khác; trong số 38 nước OECD chỉ cao hơn Luxembourg.

Đầu năm 2021, nhân dự lật cứu trợ vì bệnh dịch Covia-19, chính phủ Mỹ đã phát tiền nuôi trẻ.

Các gia đình được tặng $3,600 đô la cho mỗi trẻ em dưới 6 tuổi, $3,000 đô la nếu các em lớn hơn, cho đến 17 tuổi. Một người không kiếm được đồng nào trong năm ngoái có thể nhận được $7,200 đô la nếu có 2 con dưới 6 tuổi, do Sở Thuế Liên bang IRS gửi cho mỗi tháng.

Bây giờ, trong dự luật mới, Đảng dân chủ đang tính giữ nguyên những khoản trợ cấp đó cho đến năm 2025. Nhưng đến năm 2025 các đại biểu quốc hội sẽ khó bỏ phiếu cắt đứt những món tiền cho trẻ em như thế!

Theo nhật báo Wall Street Journal thuộc khuynh hướng Cộng Hòa, tổng số tiền chi phí trong 10 năm sẽ lên tới $1 ngàn tỷ mỹ kim. Tờ báo này báo động, chính phủ sẽ phát những món tiền nuôi trẻ giống như phiếu mua thực phẩm (food stamps) hay trợ cấp tiền nhà bây giờ, tạo nên tình trạng nhiều gia đình lệ thuộc vào tiền trợ cấp xã hội! Vấn đề này sẽ được hai đảng tranh luận trong quốc hội trong thời gian tới.

Khi các quốc gia tiến bộ khác chi tiêu cho trẻ em, một món chi quan trọng là tiền gửi nhà giữ trẻ cho các em chưa đến tuổi học mẫu giáo. Gửi con vào nhà trẻ, các bà mẹ có thể đi làm, nhưng nếu tốn quá, gần bằng tiền lương thì không đáng, ở nhà trông con ích lợi hơn.

Dự luật mới sắp đem bàn sẽ trợ cấp để các gia đình nghèo có thể gửi con ở nhà giữ trẻ miễn phí. Cha mẹ nào khá giả sẽ trả tiền; tối đa bằng 7% lợi tức của họ, trong một mức lợi tức trên trung bình. Dự luật này bảo đảm trẻ em 3 và 4 tuổi đều được trông nom và sẽ tăng lương cho các thầy, cô giữ trẻ cho bằng các giáo viên. Hiện nay lương các cô giáo giữ trẻ chỉ được dưới $15 đô la, còn giáo viên lớp mẫu giáo được trả gần $33 đô la.

Nhiều người Mỹ muốn giữ con ở nhà, không thích gửi nhà trẻ. Đảng Cộng Hòa thường chủ trương đây là một vấn đề thuộc quyền các tiểu bang, chính phủ liên bang không nên can thiệp. Hiện nhiều tiểu bang ở Mỹ đã có các chương trình trợ giúp việc gửi con tới nhà trẻ, từ 3 hoặc 4 tuổi; bảy tiểu bang cho các em trên 4 tuổi. Nhưng 14 trong số 50 tiểu bang không có chương trình nào cho trẻ em trước khi lên tiểu học. Khi bệnh dịch Covid đến, các đạo luật được quốc hội liên bang thông qua mới chi tiền giúp những cha mẹ có con nhỏ.

Ngoài chuyện trợ cấp gửi con vào nhà trẻ, các nước trong nhóm OECD cũng cho các bà mẹ sinh con được nghỉ làm có trả lương (maternity leave). Trung bình, các bà được nghỉ 16 tuần lễ có lương. Ở Âu châu người cha thường cũng được nghỉ 14 tuần khi vợ sanh. Mỹ là quốc gia duy nhất chính phủ để cho các xí nghiệp tự do giải quyết theo cách họ chọn.

Năm 1993, Quốc hội Mỹ đã làm luật cho công nhân được nghỉ 12 tuần lễ nếu bị bệnh; nhưng họ không được trả lương. Lúc đó, những đại biểu tranh đấu cho luật này nghĩ rằng đó là một bước khởi đầu, dần dần sẽ tiến tới chế độ nghỉ bệnh có trả lương. Nhưng gần 30 năm rồi, luật không nhích thêm một bước!

Ông Biden nhân cơ hội Covid-19, muốn kéo dài các chương trình trợ giúp cho trẻ em sau khi cơn dịch chấm dứt. Vì vậy Tòa Bạch Ốc sẽ thúc đẩy quốc hội bàn thảo bản dự luật mới; lúc đầu trù tính chi $3.5 ngàn tỷ, nhưng chắc sẽ cắt gần một nửa trước khi quốc hội chấp thuận.

Nhưng dự luật có được cắt giảm vẫn vấp vào một chướng ngại, là ngân sách. Lấy tiền đâu ra chi cho trẻ em? Bản dự luật sẽ đề nghị tăng thuế những người giàu nhất nước; và thế nào cũng bị chống đối.

Nhà bình luận Greg Ip trên báo Wall Street Journal đã đặt câu hỏi: Liệu tăng thuế rồi thì nền kinh tế có chạy tốt được không? Ông trả lời là được! Ông thấy những đề nghị tăng thuế nhà giàu của đảng Dân chủ lần này không lên cao bằng các lần trước! Ông kể ra, dân Đức đóng thuế trung bình 49%; dân Pháp đóng 47%; Thụy Điển đóng 43%. Còn dân Mỹ đóng thuế bao nhiêu: Chỉ có 30%! Đó là chưa kể dân Âu châu khi mua sắm phải đóng thuế Trị Giá Gia Tăng, VAT.

Hy vọng trẻ em nước Mỹ sẽ được xã hội chăm sóc nhiều hơn!

  • 16x9 Image

    Ngô Nhân Dụng

    Ngô Nhân Dụng là bút hiệu của Đỗ Quý Toàn khi phụ trách mục Bình Luận trên Nhật báo Người Việt, từ năm 1995 khi ông về định cư tại Quận Orange, California, cho tới Tháng Hai năm 2020. Trước đó ông dạy môn Tài chánh học (Finance) ở các Đại học McGill và UQAM tại Montréal, Canada là nơi gia đình ông tới tị nạn từ năm 1975. Năm 1989, trước khi bức Tường Berlin sụp đổ, ông xuất bản cuốn Đổi Mới Kinh Tế dưới bút hiệu Vương Hữu Bột, kể kinh nghiệm thay đổi cơ cấu nền kinh tế cộng sản ở các nước từ Hungary, Trung Quốc, tới Nga và các nước Đông Âu. Cuốn sách xuất bản gần đây nhất, ký tên Ngô Nhân Dụng, là Đứng Vững Ngàn Năm – Nhờ đâu nước Việt vẫn còn sau ngàn năm Bắc thuộc?

    Cuốn sách đầu tiên ký tên Đỗ Quý Toàn xuất bản ở California là Yêu Con Dạy Con Nên Người Việt, do nhà Văn Nghệ ấn hành, năm 1979. Ông cũng đã in nhiều tập thơ từ năm 1965 và tập tiểu luận Tìm Thơ Trong Tiếng Nói do Thanh Văn xuất bản năm 1992.

    Trong blog này Ngô Nhân Dụng sẽ viết tiếp những bài Bình Luận về các vấn đề thời sự thuộc các lãnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, dưới mắt nhìn của một người Việt sống xa quê hương.

    Đây là một blog cá nhân được đăng tải trên Đài VOA nhưng không nhất thiết tương đồng với quan điểm của đài và của chính phủ Hoa Kỳ.

VOA Express

XS
SM
MD
LG