Hôm nọ sang Vancouver, Canada để làm MC cho chương trình gây quỹ giúp thuyền nhân Việt Nam ở Thái Lan, tình cờ tôi quen được một gia đình có gốc ở Phú Quốc. Anh chị nghe nói tôi cũng có từng ở Phú Quốc nên muốn đến làm quen. Tôi cũng thế. Nghe thấy có người gốc ở Phú Quốc tôi cũng muốn đến để hỏi thăm tỏ tường.
Vì Phú Quốc là nơi mà tôi có nhiều kỷ niệm nhất thuở thiếu thời. Không phải những kỷ niệm kiểu đi du lịch ra Phú Quốc để thưởng ngoạn như bây giờ. Mà là những kỷ niệm của những ngày khốn khó. Của những lần đi vượt biên suốt ngày sáng đêm nằm chờ ở bãi mãi đến khi bị công an bắt mới biết mình bị gạt. Hay gần gũi hơn là cuộc sống khổ cực của gia đình. Khi phải ăn độn bo bo, lúc lại phải vun đất trồng khoai, đào giếng sau khi cả gia đình bị buộc phải rời khỏi Sài Gòn ra Phú Quốc sinh sống.
Mà phàm ở đời kể ra cũng lạ. Những lúc vui sướng, ăn trên ngồi tróc thì không ai để tâm nhớ đến mãn đời. Nhưng khi gặp cảnh gian nan, phải sống trong túng thiếu, cơ hàn thì từ con người đến cảnh vật, không có gì làm chúng ta quên được.
Tôi vẫn còn nhớ mỗi tối xách giỏ ra Dinh Cậu ở Dương Đông để bán những bịch hạt dưa, hạt bí tự làm ở nhà để phụ giúp gia đình. Lúc ba tôi vừa vượt biên chẳng biết sống chết ra sao. Khi cả nhà đứa nào cũng phải phụ một tay giúp mẹ với đồng lương cô giáo không đủ sống. Cô em kế tôi mặc dù lúc đó chưa đến 10 tuổi nhưng đã biết bán hàng. Cái thùng thuốc lá bán bánh kẹo để trước nhà do một tay cô quán xuyến.
Riêng tôi thì có biệt tài…bán hàng rong. Mỗi tối chỉ mất độ khoảng 1, 2 tiếng là tôi đã bán hết tất tần tật hàng trăm bịch hạt dưa, hạt bí ngoài bãi Dinh Cậu. Nhờ ở cái khoản ‘đẹp trai không bằng chai mặt’ của tôi. Thấy những cặp tình nhân đang hú hí dưới các gốc dừa là tôi cứ y thế xáp vào. Đứng ngay ra đấy năn nỉ ỷ ôi kiểu ‘anh chị thương em mua giùm đi’. Hay ‘anh ơi, anh mua dùm em một bịch là em đi liền’.
Bảo đảm các bạn mười lần như một không lần nào mà tôi không bán hết hạt dưa! Để hoàn toàn còn đủ thời gian để chạy về nhà khoe với mẹ là đã bán hết hàng. Để được mẹ thưởng vài đồng đủ mua một tô cháo cá nóng, ngon không thể tả đến mãi bây giờ tôi vẫn còn nhớ.
Bởi thế những lúc tôi về Việt Nam gặp cảnh các em bé đi đánh giày hoặc bán vé số đứng năn nỉ tôi mua, không lần nào mà tôi không động lòng. Vì tôi luôn nghe thấy tiếng nài nỉ của chính mình qua những lời các em đang mời mọc.
Cũng bởi thế tôi vẫn thường cho rằng chúng ta đừng bao giờ đánh giá cao quá sự thông minh. Hay tài giỏi. Và đừng xem thường sự kiên tâm và may mắn. Nhất là may mắn. Đối với bất kỳ thành công nào, bán hết hạt dưa mỗi đêm hay tranh đấu thành công cho những người Việt tỵ nạn sau này, tôi nhận thấy yếu tố quan trọng nhất là sự quyết tâm theo đuổi đến cùng ước mơ của chính mình. Kế tiếp là sự may mắn. Sau đó mới đến sự hiểu biết và cách thức làm việc.
Ở đây tôi cũng muốn ghi nhận lại một điều mà tôi nghĩ là tôi nên chia xẻ với những ai hiện đang sống trong hoàn cảnh khó khăn, thiếu thốn. Đó là đối với trẻ thơ, những khó khăn, thiếu thốn ấy phần lớn chỉ là những cảm nhận của người lớn, của các bậc cha mẹ thương xót cho con mình. Chứ riêng đối với các em thì đấy chỉ là những đổi thay rất bình thường trong cuộc sống. Và các em vẫn cảm thấy vui sướng hạnh phúc được sống bên cạnh người thân, không hẳn luôn than thân trách phận như mình tưởng.
Tuổi thơ là tuổi của sự ngây ngô, thơ dại. Không biết đến tương lai và rất dễ hài lòng với những gì mình đang có. Tôi cũng thế. Ngày rời Phú Quốc để trở về Sài Gòn sinh sống trước khi sang Úc, tôi chỉ vừa tròn 12 tuổi. Tôi đã đủ lớn để biết thế nào là khổ cực, mỗi lần gánh nước là đau vai đến độ nào. Nhưng cũng như nhiều trẻ thơ khác lớn lên ở Việt Nam, tôi luôn cảm thấy đầy đủ, hạnh phúc là mình đã có được một cuộc sống hồn nhiên bên gia đình, hàng xóm.
Mãi cho đến bây giờ nếu phải nhìn lại và so sánh thì đúng là tuổi thơ của tôi không được đầy đủ như nhiều người. Nhưng ở vào thời điểm ấy tôi có thể xác nhận một điều là mình chẳng cảm thấy thiếu thốn một tí gì cả. Không hề! Nếu được cho làm lại một lần nữa, một sự lựa chọn khác, chắc có lẽ tôi cũng chỉ muốn được có thế. Được sống giữa thiên nhiên, tự tay làm vườn, lấy nước phụ giúp gia đình. Được chạy nhảy đó đây khi ra biển ngụp lặn với sóng dồn, lúc thả diều, chơi trò chơi cút bắt.
Và nhất là được thưởng thức những món ăn bình dân rẻ tiền mà chỉ ở Phú Quốc mới có. Gỏi cá sống chấm với nước mắm pha, trộn lẫn đậu phộng. Bánh nước dừa, bánh quai hay ngon hơn hết là một tô bún kèn đầy thịt cá vàng, lúp xúp nước lèo ngọt. Như hôm tôi tình cờ, rất tình cờ quen được gia đình anh chị Lợi ở Vancouver. Để được mời về nhà cho thưởng thức món bún kèn mà gần 30 năm sau tôi mới có dịp thưởng thức lại.
Nếu có dịp tôi sẽ kể cho các bạn nghe thêm về Phú Quốc, về quê ngoại của bên mẹ tôi, gốc người Hải Nam, rất xem trọng tình thân, vai vế trong gia đình, dòng họ. Về những vườn tiêu thẳng tắp một hàng. Những nhà thùng nước mắm nổi tiếng của một thời hay những đảo nhỏ, hòn Thơm, An Thới.
Nếu có dịp các bạn cũng nên ghé qua thăm một lần cho biết.
Nếu được về lại Việt Nam, chắc chắn tôi cũng sẽ cố thu xếp để về thăm Phú Quốc. Để ngồi lại trong ngôi nhà cũ nền đất, mái tranh của năm nào. Để thắp nhang trước mộ phần em trai duy nhất của tôi. Nó sinh ra ở đó và cũng chết ở đó.
Với cái tên: Trịnh Phú Quốc.
* Blog của Luật sư Trịnh Hội là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.
Vì Phú Quốc là nơi mà tôi có nhiều kỷ niệm nhất thuở thiếu thời. Không phải những kỷ niệm kiểu đi du lịch ra Phú Quốc để thưởng ngoạn như bây giờ. Mà là những kỷ niệm của những ngày khốn khó. Của những lần đi vượt biên suốt ngày sáng đêm nằm chờ ở bãi mãi đến khi bị công an bắt mới biết mình bị gạt. Hay gần gũi hơn là cuộc sống khổ cực của gia đình. Khi phải ăn độn bo bo, lúc lại phải vun đất trồng khoai, đào giếng sau khi cả gia đình bị buộc phải rời khỏi Sài Gòn ra Phú Quốc sinh sống.
Mà phàm ở đời kể ra cũng lạ. Những lúc vui sướng, ăn trên ngồi tróc thì không ai để tâm nhớ đến mãn đời. Nhưng khi gặp cảnh gian nan, phải sống trong túng thiếu, cơ hàn thì từ con người đến cảnh vật, không có gì làm chúng ta quên được.
Tôi vẫn còn nhớ mỗi tối xách giỏ ra Dinh Cậu ở Dương Đông để bán những bịch hạt dưa, hạt bí tự làm ở nhà để phụ giúp gia đình. Lúc ba tôi vừa vượt biên chẳng biết sống chết ra sao. Khi cả nhà đứa nào cũng phải phụ một tay giúp mẹ với đồng lương cô giáo không đủ sống. Cô em kế tôi mặc dù lúc đó chưa đến 10 tuổi nhưng đã biết bán hàng. Cái thùng thuốc lá bán bánh kẹo để trước nhà do một tay cô quán xuyến.
Riêng tôi thì có biệt tài…bán hàng rong. Mỗi tối chỉ mất độ khoảng 1, 2 tiếng là tôi đã bán hết tất tần tật hàng trăm bịch hạt dưa, hạt bí ngoài bãi Dinh Cậu. Nhờ ở cái khoản ‘đẹp trai không bằng chai mặt’ của tôi. Thấy những cặp tình nhân đang hú hí dưới các gốc dừa là tôi cứ y thế xáp vào. Đứng ngay ra đấy năn nỉ ỷ ôi kiểu ‘anh chị thương em mua giùm đi’. Hay ‘anh ơi, anh mua dùm em một bịch là em đi liền’.
Bảo đảm các bạn mười lần như một không lần nào mà tôi không bán hết hạt dưa! Để hoàn toàn còn đủ thời gian để chạy về nhà khoe với mẹ là đã bán hết hàng. Để được mẹ thưởng vài đồng đủ mua một tô cháo cá nóng, ngon không thể tả đến mãi bây giờ tôi vẫn còn nhớ.
Bởi thế những lúc tôi về Việt Nam gặp cảnh các em bé đi đánh giày hoặc bán vé số đứng năn nỉ tôi mua, không lần nào mà tôi không động lòng. Vì tôi luôn nghe thấy tiếng nài nỉ của chính mình qua những lời các em đang mời mọc.
Cũng bởi thế tôi vẫn thường cho rằng chúng ta đừng bao giờ đánh giá cao quá sự thông minh. Hay tài giỏi. Và đừng xem thường sự kiên tâm và may mắn. Nhất là may mắn. Đối với bất kỳ thành công nào, bán hết hạt dưa mỗi đêm hay tranh đấu thành công cho những người Việt tỵ nạn sau này, tôi nhận thấy yếu tố quan trọng nhất là sự quyết tâm theo đuổi đến cùng ước mơ của chính mình. Kế tiếp là sự may mắn. Sau đó mới đến sự hiểu biết và cách thức làm việc.
Ở đây tôi cũng muốn ghi nhận lại một điều mà tôi nghĩ là tôi nên chia xẻ với những ai hiện đang sống trong hoàn cảnh khó khăn, thiếu thốn. Đó là đối với trẻ thơ, những khó khăn, thiếu thốn ấy phần lớn chỉ là những cảm nhận của người lớn, của các bậc cha mẹ thương xót cho con mình. Chứ riêng đối với các em thì đấy chỉ là những đổi thay rất bình thường trong cuộc sống. Và các em vẫn cảm thấy vui sướng hạnh phúc được sống bên cạnh người thân, không hẳn luôn than thân trách phận như mình tưởng.
Tuổi thơ là tuổi của sự ngây ngô, thơ dại. Không biết đến tương lai và rất dễ hài lòng với những gì mình đang có. Tôi cũng thế. Ngày rời Phú Quốc để trở về Sài Gòn sinh sống trước khi sang Úc, tôi chỉ vừa tròn 12 tuổi. Tôi đã đủ lớn để biết thế nào là khổ cực, mỗi lần gánh nước là đau vai đến độ nào. Nhưng cũng như nhiều trẻ thơ khác lớn lên ở Việt Nam, tôi luôn cảm thấy đầy đủ, hạnh phúc là mình đã có được một cuộc sống hồn nhiên bên gia đình, hàng xóm.
Mãi cho đến bây giờ nếu phải nhìn lại và so sánh thì đúng là tuổi thơ của tôi không được đầy đủ như nhiều người. Nhưng ở vào thời điểm ấy tôi có thể xác nhận một điều là mình chẳng cảm thấy thiếu thốn một tí gì cả. Không hề! Nếu được cho làm lại một lần nữa, một sự lựa chọn khác, chắc có lẽ tôi cũng chỉ muốn được có thế. Được sống giữa thiên nhiên, tự tay làm vườn, lấy nước phụ giúp gia đình. Được chạy nhảy đó đây khi ra biển ngụp lặn với sóng dồn, lúc thả diều, chơi trò chơi cút bắt.
Và nhất là được thưởng thức những món ăn bình dân rẻ tiền mà chỉ ở Phú Quốc mới có. Gỏi cá sống chấm với nước mắm pha, trộn lẫn đậu phộng. Bánh nước dừa, bánh quai hay ngon hơn hết là một tô bún kèn đầy thịt cá vàng, lúp xúp nước lèo ngọt. Như hôm tôi tình cờ, rất tình cờ quen được gia đình anh chị Lợi ở Vancouver. Để được mời về nhà cho thưởng thức món bún kèn mà gần 30 năm sau tôi mới có dịp thưởng thức lại.
Nếu có dịp tôi sẽ kể cho các bạn nghe thêm về Phú Quốc, về quê ngoại của bên mẹ tôi, gốc người Hải Nam, rất xem trọng tình thân, vai vế trong gia đình, dòng họ. Về những vườn tiêu thẳng tắp một hàng. Những nhà thùng nước mắm nổi tiếng của một thời hay những đảo nhỏ, hòn Thơm, An Thới.
Nếu có dịp các bạn cũng nên ghé qua thăm một lần cho biết.
Nếu được về lại Việt Nam, chắc chắn tôi cũng sẽ cố thu xếp để về thăm Phú Quốc. Để ngồi lại trong ngôi nhà cũ nền đất, mái tranh của năm nào. Để thắp nhang trước mộ phần em trai duy nhất của tôi. Nó sinh ra ở đó và cũng chết ở đó.
Với cái tên: Trịnh Phú Quốc.
* Blog của Luật sư Trịnh Hội là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.