Đối với trên 400,000 người Việt tỵ nạn hiện đang định cư trên khắp 5 châu, chắc có lẽ phần lớn vẫn còn nhớ đến hai cái tên này: Morong, Bataan. Vì đây từng là một trong hai trại tỵ nạn lớn nhất ở Phi Luật Tân trong suốt hai thập niên. Từ đầu thập niên 1980 cho đến giữa thập niên 1990 khi những người Việt tỵ nạn cuối cùng ở trại Bataan được chuyển về trại Palawan, chấm dứt hành trình tìm đường vượt biển của người Việt tỵ nạn sang Phi.
Hôm thi đấu xong cả nhà vẫn ở lại Subic chơi cả ngày. Đến hôm sau trên đường về nhà mọi người mới quyết định ghé vào thăm trại Bataan cách khu cảng Subic chỉ trên dưới 10 cây số. Tính ra thì thấy tôi cũng hên thật vì từ trước đến nay, mặc dù tôi đã ở Phi trên 10 năm, nhưng tôi lại chưa bao giờ có dịp ghé vào thăm khu trại này. Một khu trại mà chỉ cần nghe qua tên hay thấy tấm hình của chiếc cổng chùa Vạn Hạnh nay đã bị bỏ hoang mà tôi vừa chụp lại đăng trên trang mạng Facebook là vô số người đã cho biết họ vẫn còn nhớ rõ khu nào, kể ra ở đâu họ từng sinh hoạt, chung sống trước khi đi định cư ở Úc, ở Mỹ.
Nhưng điều mà làm cho tôi ngạc nhiên nhất sau khi bước vào cổng trại là cho đến nay một số khu di tích như nhà thờ, chùa cũ và đền thờ quốc tổ vẫn được giữ gìn rất kỹ lưỡng, trân trọng. Kể cả chiếc tàu vượt biển năm xưa từng được đặt ở ngay giữa trại nay vẫn tiếp tục được trùng tu và đặt bên trong khu nhà bảo tàng với đầy đủ các hình ảnh, chi tiết của một thời tỵ nạn Bataan.
Không những thế một số nhà hảo tâm người Phi còn cho xây lại khu di tích nhà thờ nơi Đức Giáo Hoàng John Paul II từng ghé qua thăm những người Việt tỵ nạn đầu tiên ở trại Bataan vào năm 1981. Điều này hơn hẳn trại tỵ nạn Palawan ở cực nam nước Phi nơi hiện nay không còn nhiều di tích để lại. Cũng như các trại khác ở Hồng Kông, Thái Lan.
Bước vào khu vực chùa Vạn Hạnh nay đã bị bỏ hoang, cảnh vật đầu tiên đập vào mắt tôi là tượng đứng của Phật Bà Quan Âm to cao, nhìn thẳng về phía cổng chùa. Và sau lưng tượng là cả một thung lũng rộng lớn chảy dài cho đến cuối rặng núi ở phía xa. Với dòng suối lớn cắt dọc ngang theo thung lũng mà tôi tin chắc rằng có rất nhiều người, rất nhiều đã từng đứng nơi tôi đang đứng để hồi tưởng lại quãng đường gian khổ mà họ đã vừa bước qua. Để cảm nhận và ghi nhớ câu nói cho đến nay vẫn còn được khắc ghi trên tảng đá nằm cạnh:
The bones of countless people lie on the sea-bed.
People who bought freedom, just like you but who were not successful.
Freedom is a priceless treasure. Understand it. And guard it well;
Do not abuse it. Or waste it.
Đừng bao giờ quên điều này:
Những nắm xương tàn của biết bao người đang nằm dưới đáy biển.
Những người đã mua tự do, cũng như bạn, nhưng họ đã không thành công
Tự do là một bảo vật vô giá. Hãy cảm nhận nó. Cố bảo vệ nó.
Đừng lạm dụng nó. Hay hoang phí.
Đối với đa số người Việt tỵ nạn được nhận cho đi định cư ở Mỹ trong suốt thời gian này, phần lớn mọi người đều được chuyển vào trại Bataan (từ các trại tỵ nạn khác ở Đông Nam Á) trung bình khoảng 6 tháng để được học sơ qua về con người và văn hóa của nước Mỹ (acculturation). Vì vậy có thể nói hầu hết những ai sang Mỹ giữa thập niên 1980 và 1990 từ các trại tỵ nạn ở Hồng Kông, Mã Lai, v.v… đều đã có dịp sinh sống ở các khu 5, khu 7 nơi cổng chùa Vạn Hạnh và đền thờ quốc tổ vẫn còn được giữ nguyên cho đến nay.
Đấy là chưa kể đến nhóm con lai và gia đình của họ mà tôi biết là khoảng gần 100,000 người đã được nhận qua chương trình nhân đạo đặc biệt được gọi là Amerasian Homecoming Act kể từ năm 1989. Họ cũng đã phải trải qua một thời gian khá dài ở trại tỵ nạn Bataan.
Nếu có dịp tôi mong là các bạn đọc, bất kể là các bạn đã có từng sống qua ở Bataan hay không, hiện đang ở Mỹ hay ở Việt Nam, sẽ tìm đến nơi này. Vì chắc chắn một điều là sau khi rời khỏi trại để trở về với cuộc sống thường nhật, các bạn sẽ hiểu rõ hơn về di sản của những người Việt tỵ nạn hiện đang sinh sống khắp năm châu. Họ đã phải trải qua những khó khăn nào, trăn trở với các hệ lụy trong suốt hơn ba thập niên qua ra sao, v.v… tất cả đều có thể trả lời một cách gián tiếp qua những hình ảnh, di tích của những tháng ngày tỵ nạn không nhà, không cửa.
Đây cũng có thể là lý do tại sao vẫn có một số người Phi muốn gìn giữ những trải nghiệm của một thời. Của một giống dân mà so ra họ không có nhiều điểm tương đồng. Trong lịch sử cũng như văn hoá đất nước.
Thế nhưng, có phải chăng họ mới là người muốn tìm hiểu thêm và trân trọng những giá trị nhân bản đề cao sự tương trợ, khát khao tự do, dân chủ? Vì trong quyển sách lưu niệm chữ ký của những người ghé vào thăm trại trong thời gian vừa qua, tôi chỉ thấy toàn là tên họ của những người ngoại quốc. Tuyệt nhiên không có được một cái tên Việt Nam.
Mặc dù có gần nửa triệu người Việt đã từng lưu lạc đến nơi này.
* Blog của Luật sư Trịnh Hội là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.