Đường dẫn truy cập

Phó TT Mỹ kêu gọi đẩy nhanh bộ quy tắc ứng xử Biển Đông


Phó tổng thống Mỹ Mike Pence phát biểu tại cuộc họp báo chung ở dinh tổng thống Singapore ngày 16/11/2018.
Phó tổng thống Mỹ Mike Pence phát biểu tại cuộc họp báo chung ở dinh tổng thống Singapore ngày 16/11/2018.

Phó tổng thống Mỹ Mike Pence kêu gọi Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đẩy nhanh bộ quy tắc ứng xử Biển Đông. Nhưng thỏa thuận từng có vẻ như sắp đạt được này giờ lại phải đối mặt với 3 năm đàm phán gay gắt.

Trong một bình luận hôm 16/11 với Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long, ông Pence nói các nước trong khu vực “phải có quyền thăm dò và khai thác tài nguyên của riêng mình và tự do đi lại trong vùng biển của chính mình”.

Tuy nhiên, điều này khó thực hiện vì Trung Quốc đã bao vây bốn đối thủ Đông Nam Á qua việc nhanh chóng mở rộng cơ sở hạ tầng, trong đó có một số dành cho quân sự, trên những hòn đảo nhân tạo mà Bắc Kinh đã bồi đắp. Việc hoàn thành bộ quy tắc cũng mất nhiều thời gian hơn dự kiến vì sự phức tạp tranh chấp chủ quyền.

Hồi cuối năm ngoái, Trung Quốc và các nước Đông Nam Á tranh chấp chủ quyền trên vùng biển giàu tài nguyên tự tin rằng trong năm nay họ có thể thông qua bộ quy tắc, vốn được giải thích là để tránh các sự cố, giảm khả năng xảy ra xung đột, chẳng hạn như các cuộc đụng độ hải quân chết người giữa Trung Quốc và Việt Nam ở Biển Đông năm 1974 và 1988.

Nhưng các cuộc đàm phán ban đầu giữa Trung Quốc và ASEAN cho thấy những vấn đề khó khăn về chủ quyền, thăm dò tài nguyên và giải quyết tranh chấp, đều là những vấn đề không thể giải quyết sớm được, theo lời các chuyên gia. Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường hôm 13/11 nói ông dự kiến kết quả sẽ có được vào năm 2021.

Ông Gregory Poling, Giám đốc Tổ chức Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á, thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (CSIS) có trụ sở ở Hoa Kỳ, nhận định: “Các bên không thể sớm thỏa thuận về nhiều điểm, thậm chí còn chưa bắt đầu thảo luận những vấn đề khó khăn nhất như phạm vi địa lý, chi tiết về việc chia sẻ tài nguyên hoặc cơ chế giải quyết tranh chấp”.

Vùng biển đông đúc

Trung Quốc tranh chấp với Brunei, Malaysia, Philippines, Đài Loan và Việt Nam về chủ quyền đối với thủy lộ rộng 3,5 triệu km vuông ở phía nam Hồng Kông. Trung Quốc tuyên bố chủ quyền hầu như toàn bộ Biển Đông, trong khi hàng triệu ngư dân vẫn chia sẻ vùng biển này cùng với các tàu vận tải và cảnh sát biển của các quốc gia có tuyên bố chủ quyền.

“Hoa Kỳ khuyến khích ASEAN thúc đẩy bộ quy tắc ứng xử có ý nghĩa và mang tính ràng buộc trên Biển Đông”, Phó Tổng thống Pence nói hôm 16/11.

Thỏa thuận khó khăn

Bắc Kinh và ASEAN năm ngoái đồng ý bắt đầu đàm phán và vào tháng 8 năm nay đã thông qua một dự thảo đàm phán.

Trong ba năm làm việc, theo hình dung của Thủ tướng Trung Quốc, thì Trung Quốc và ASEAN được kỳ vọng sẽ thương lượng gay gắt về cách để giải quyết bất kỳ sự cố nào bằng pháp lý hay chính trị. Việc thăm dò dầu khí ở những khu vực biển có tranh chấp cũng sẽ được đề cập đến trong chương trình nghị sự.

Vào năm 2014, các tàu Việt Nam và Trung Quốc đã đâm nhau sau khi Trung Quốc đưa một giàn khoan dầu vào khu vực biển phía đông của Việt Nam.

“Những vấn đề liên quan đến chủ quyền sẽ xuất hiện, và bất cứ khi nào chúng xuất hiện, các nhà đàm phán sẽ lại phải quay trở lại quốc gia của họ để tham vấn và như vậy, tất cả điều này sẽ mất rất nhiều thời gian”, ông Oh Ei Sun, giảng viên về nghiên cứu quốc tế tại Đại học Nanyang Singapore, nói.

Điểm khó khăn nhất có thể là làm thế nào để áp dụng rộng rãi bộ quy tắc. Việc thừa nhận tranh chấp của một quốc gia hàm ý đó có thể không phải là chủ sở hữu hợp pháp, vốn chống lại chính sách đối ngoại chính thức.

“Trước đây, vấn đề luôn luôn là về phạm vi của quy tắc ứng xử, nó sẽ được áp dụng ở đâu”, nhà nghiên cứu Termsak Chalermpalanupap của Viện ISEAS Yusof Ishak ở Singapore nói.

Trong khi đó, Phó Tổng thống Pence hôm 16/11 nói: “Biển Đông ‘không thuộc về bất kỳ quốc gia nào’”. Washington không phải là một bên trong tranh chấp, nhưng ông Pence nói Hoa Kỳ sẽ “tiếp tục đi lại và bay ở bất cứ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép và vì nhu cầu lợi ích quốc gia của chúng tôi”.

Hạn chót của Trung Quốc?

ASEAN và Trung Quốc thỉnh thoảng vẫn nói về quy tắc ứng xử Biển Đông kể từ khi ASEAN ủng hộ ý tưởng này vào năm 1996. Một số nhà phân tích nói Trung Quốc đã dừng quá trình này, nhưng đã quay trở lại vào năm 2016, sau khi thua kiện ở tòa án trọng tài quốc tế về tuyên bố chủ quyền trên khoảng 90% Biển Đông.

Trung Quốc đã “chèn thêm nhiều ‘chiến lược thuốc độc’” vào dự thảo văn bản đàm phán, dù biết rằng chúng không thể chấp nhận được đối với các nước Đông Nam Á có tuyên bố chủ quyền, nhà nghiên cứu Poling nói. Việt Nam và Indonesia cũng nằm trong những nước “không bắt đầu”, ông Poling nói thêm.

Để phê chuẩn một bộ quy tắc ứng xử, “tất cả các bên sẽ cần phải thể hiện rất nhiều sáng tạo và ý chí chính trị”, theo bài bình luận ngày 11/10 của Viện Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á.

Ý tưởng của Thủ tướng Lý về việc hoàn thành bộ quy tắc vào năm 2021 có thể là cách của Trung Quốc nói với ASEAN rằng nước này cam kết theo lịch trình đó, ông Alexander Huang, giáo sư về nghiên cứu chiến lược tại Đại học Tamkang ở Đài Loan nói.

“Đối với tôi, tôi chú ý nhiều hơn đến chuyện xác định một ngày kết thúc hoặc hạn chót để ký bộ quy tắc ứng xử cho chính họ”, ông Huang nói thêm.

XS
SM
MD
LG