Đường dẫn truy cập

Phó thủ tướng yêu cầu đưa tuyến đường sắt do Trung Quốc xây vào hoạt động


Tàu điện của dự án tuyến đường sắt Cát Linh-Hà Đông do nhà thầu Trung Quốc xây dựng. Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu đưa dự án vào hoạt động sau nhiều năm trì hoãn. (Ảnh chụp màn hình VnExpress)
Tàu điện của dự án tuyến đường sắt Cát Linh-Hà Đông do nhà thầu Trung Quốc xây dựng. Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu đưa dự án vào hoạt động sau nhiều năm trì hoãn. (Ảnh chụp màn hình VnExpress)

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng hôm 1/10 yêu cầu đưa tuyến đường sắt Cát Linh-Hà Đông do nhà thầu Trung Quốc xây dựng và bị đình trệ nhiều năm, vào hoạt động trong năm nay, theo báo chính phủ.

Ông Dũng đưa ra chỉ đạo này tại một buổi kiểm tra thực địa một số dự án giao thông trọng điểm tại Hà Nội.

Dự án đường sắt với chiều dài 13km nối liền Cát Linh với Hà Đông đã khởi công từ tháng 10/2011 với mức đầu tư hơn 18.000 tỷ đồng, theo Dân Trí.

Ban đầu, nhà thầu Trung Quốc tuyên bố sẽ hoàn thành dự án này vào năm 2013. Tuy nhiên sau đó dự án bị hoãn lại tới năm 2015 rồi năm 2016 và đến nay vẫn chưa hoàn tất như phía Trung Quốc đã hứa hẹn.

Dự án chính thức vận hành thử liên động toàn hệ thống vào tháng 9/2018. Sau khi kết thúc 6 tháng thử nghiệm, dự kiến bắt đầu khai thác thương mại trong tháng 4/2019, nhưng kế hoạch này đã không thể thực hiện do “vướng” 1% khối lượng dự án án chưa hoàn thành, theo Dân Trí.

Truyền thông trong nước cho biết đây là dự án đầu tiên thuộc loại này tại Việt Nam khi được thực hiện bằng tiền vay từ quỹ hỗ trợ phát triển Trung Quốc, và do nhà thầu Trung Quốc thi công.

Trong buổi gặp với Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng hôm 1/10, Tổng thầu Trung Quốc Đường Hồng được Dân Trí trích lời cho biết là “công trình đã hoàn thành 100%, hồ sơ đã trình và bàn giao, chúng tôi đang chờ ý kiến đánh giá cuối cùng của tư vấn độc lập.”

Dự án đường sắt trên cao Cát Linh-Hà Đông là tâm điểm chú ý trong dư luận trong nhiều năm qua do nhà thầu Trung Quốc vài lần trì hoãn thời biểu hoàn thành và vốn bị đội lên gần gấp đôi.

Việc đội vốn của dự án cũng gây phẫn nộ cho người dân trong nước. Nhà thầu Trung Quốc thoạt đầu tính toán chi phí thực hiện là 553 triệu USD nhưng sau đó đội lên 868 triệu USD, trong đó 670 triệu USD là vốn vay từ Trung Quốc, theo Economic Times.

Theo báo Tiền Phong, năm 2021 là thời hạn hết bảo hành, thanh quyết toán để kết thúc dự án trong khi theo tính toán của các chuyên gia, mỗi ngày chậm tiến độ, dự án phải trả lãi vay khoảng 1,2 tỷ đồng.

Hồi tháng 8 năm ngoái, công chúng cũng bày tỏ phẫn nộ khi các biển báo có tiếng Trung Quốc xuất hiện ở một nhà ga trên tuyến đường sắt dài 13km đi qua ba quận nội thành của thủ đô Việt Nam. Sau đó nhà thầu Trung Quốc bị Bộ GTVT buộc phải gỡ bỏ các biển báo này.

VOA Express

XS
SM
MD
LG