Một toà án quốc tế hồi tuần trước đã khai mạc phiên toà để phân xử vụ tranh chấp lãnh thổ giữa Philippines với Trung Quốc ở Biển Đông. Bắc Kinh từ chối tham gia vụ kiện nhưng phiên toà vẫn tiếp diễn; và các giới chức Philippines cho biết họ lạc quan về vụ kiện nhằm khẳng định là dựa theo luật pháp quốc tế họ có quyền khai thác các bãi san hô, đảo nhò và bãi cạn nằm trong hải phận kinh tế của mình. Thông tín viên Simone Orendain của đài VOA tường thuật từ Manila.
Năm vị thẩm phán của toà án có hai vấn đề then chốt để quyết định. Thứ nhất là việc giải quyết vụ tranh chấp này có nằm trong phạm vi quyền hạn của họ hay không. Nếu có, họ sẽ quyết định về yêu cầu của Philippines đòi họ tuyên bố vô hiệu hoá đường 9 đoạn của Trung Quốc, tức là đường lưỡi bò mà Bắc Kinh dùng để chứng tỏ các yêu sách chủ quyền của mình.
Giải quyết tranh chấp
Sau các phiên toà hồi tuần trước, toà án ở La Haye đã yêu cầu cả Bắc Kinh lẫn Manila cung cấp thêm thông tin.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Philippines Charles Rose cho biết các vị thẩm phán đưa ra những câu hỏi rất cặn kẽ.
"Ngay từ lúc đầu chúng tôi đã cật lực làm việc để chuẩn bị cho vụ này, cho vụ kiện trọng tài này; và thưa quí vị, chúng tôi lạc quan dè dặt và dĩ nhiên là chúng tôi tin rằng toà án có quyền quản hạt đối với vụ án này."
Trình bày lập luận
Philippines cho rằng toà án này được trao cho quyền hạn để xác định các quyền của Manila bên trong khu vực đặc quyền kinh tế của mình dựa theo Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982, mà cả Philippines lẫn Trung Quốc đều đã ký kết.
Trung Quốc lập luận rằng vụ kiện này là để xác định chủ quyền quốc gia, một vấn đề nằm ngoài phạm vi quyền hạn của toà án trọng tài.
Mặc dù Bắc Kinh không trực tiếp tham gia tiến trình tố tụng, toà án trọng tài tuyên bố họ đang xem xét tới tất cả những thông tin hay phát biểu của Trung Quốc, kể cả một bạch thư về lập trường mà Bắc Kinh công bố hồi tháng 12 năm ngoái. Trung Quốc được dành cho thời hạn chót là ngày 17 tháng 8 để nộp phúc đáp trên văn bản cho toà án.
Ông Rommel Banlaoi, Giám đốc Viện Nghiên cứu Hoà bình, Bạo động và Khủng bố Philippines, nhận định như sau về những diễn tiến mới nhất của vụ kiện.
"Toà án đang xử lý vụ kiện với thái độ hết sức thận trọng, bởi vì đây là lân đầu tiên toà án thụ lý một vụ kiện loại này; và quyết định của họ sẽ có những ảnh hưởng vô cùng to lớn đối với thế giới chứ không riêng gì Philippines."
Tại cuộc họp báo thường lệ ở Bắc Kinh ngày hôm nay, nữ phát ngôn viên bộ ngoại giao Trung Quốc nói rằng thay vì kiện tụng, Philippines nên thông qua điều bà gọi là “hiệp thương” với Bắc Kinh để giải quyết những vụ tranh chấp.
Hội đồng trọng tài
Đây là lần đầu tiên vụ tranh chấp Biển Đông được xử lý bởi một cơ quan quốc tế, và việc này diễn ra vào một thời điểm mà Trung Quốc đang ráo riết xây dựng những hòn đảo nhân tạo tại những bãi cạn có tranh chấp ở Biển Đông để thiết lập các cơ sở có thể dùng cho những mục tiêu quân sự.
Toà án ở La Haye cho biết họ dự kiến đưa ra phán quyết đối với vấn đề phạm vi quyền hạn trước cuối năm nay.
Manila cho rằng yêu sách của Trung Quốc đối với khoảng 80 diện tích Biển Đông là “quá đáng”. Nhưng Bắc Kinh nói rằng họ có “chủ quyền không thể tranh cãi” đối với các hòn đảo ở vùng biển này dựa trên những tài liệu lịch sử.
Philippines đang chuẩn bị để nộp phúc đáp bằng văn bản trước ngày 23 tháng 7 đối với những câu hỏi mà toà án đã nêu ra tại phiên toà.