Toán pháp lý tháp tùng các giới chức cấp cao từ hành pháp, tư pháp đến lập pháp của Philippines trong tuần này sẽ tìm cách thuyết phục hội đồng trọng tài tại La Haye để quyết định về vụ kiện của nước này chống lại các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông. Thông tín viên đài VOA Simone Orendain gửi về bài tường thuật từ Manila.
Nhiều ngày trước khi đi Hà Lan, các giới chức Philippines cho biết họ “tự tin về lập trường của mình” và tin rằng hội đồng trọng tài sẽ thấy là họ có thẩm quyền hợp pháp đối với vụ kiện. Cuối tuần qua, người phát ngôn của Phó Tổng thống, bà Abigail Valte, người được tham gia với toán đi đến La Haye, cho biết nước này tin là họ “có lập trường kiên định”.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Philippines Charles Jose cho biết Manila chỉ cần trình bày những sự kiện thuộc phạm vi của Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển.
“Đối với chúng tôi, vụ kiện không phải là về vấn đề chủ quyền lãnh thổ mà chi để xác minh về các quyền lợi hàng hải, điều hoàn toàn nằm trong phạm vi thẩm quyền của tòa án.”
Philippines lập luận rằng các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc trên gần như toàn bộ Biển Đông là “quá đáng, quá lớn và không có cơ sở theo luật quốc tế”. Manila đã mâu thuẫn với Bắc Kinh về các bãi đá mà Bắc Kinh nắm quyền kiểm soát trong vùng biển mà Manila nói là thuộc vùng đặc khu kinh tế của mình. Trung Quốc nói họ có “chủ quyền không thể tranh cãi” đối với các đảo ở Biển Đông dựa trên các dữ liệu lịch sử.
Đây là vùng biển giàu sinh vật biển, có tiềm năng trữ lượng carbon lớn và là tuyến lưu thông biển rộng lớn với lưu lượng tàu vận chuyển trị giá hàng ngàn tỷ đô la. Brunei, Malaysia, Đài Loan và Việt Nam cũng có tuyên bố chủ quyền ở đây.
Trung Quốc đã biến 7 bãi đá, phần lớn nằm trong danh sách vụ kiện của Philippines, thành các đảo nhân tạo.
Toán Philippines trên sẽ không phải đối diện với bất kỳ đại diện nào của Trung Quốc tại Tòa án Trọng tài Thường trực tuần này bởi vì Trung Quốc bác bỏ vụ kiện và trọng tài về vấn đề này. Tuần trước, Bắc Kinh gọi vụ kiện của Manila trước tòa án La Haye là một “hành động khiêu khích chính trị”.
Mặc dù không tham gia vào vụ kiện trọng tài, Trung Quốc cũng đã công bố một văn bản về lập trường vào cuối năm ngoái, tuyên bố rằng việc xác định yêu sách chủ quyền lãnh thổ là vượt ra khỏi thẩm quyền của hội đồng trọng tài.
Philippines lúc đầu đã yêu cầu hội đồng phán quyết, trong một vụ kiện, cả hai vấn đề về thẩm quyền và liệu rằng yêu sách chủ quyền của Trung Quốc đối với vùng biển là hợp pháp hay không. Nhưng thay vì thế, các thẩm phán lại tách riêng hai vấn đề, dựa quyết định của tòa vào văn bản lập trường của Trung Quốc.
Trong một thông cáo báo chí hồi tháng Tư, tòa án đã nói sẽ coi các thông tư của Trung Quốc, gồm cả văn bản về lập trường, như là lời khai trong vụ án.
Giáo sư Carl Thayer, nhà phân tích an ninh khu vực Đông Nam Á của trường Đại học New South Wales tại Học viện Quốc phòng Úc, nói rằng tòa án có phần chắc sẽ gặp thách thức về mặt pháp lý.
“Nhưng nếu họ can đảm và đưa ra những quyết định khó khăn thì lại là một vấn đề khác, và cho dù họ sẽ đi tới cùng hoặc là chúng ta sẽ có được một số quyết định pháp lý rất hạn hẹp nghiêng về phía Trung Quốc một ít và về phía Philippines và các nước khác”.
Ông Thayer nói vụ kiện mang ý nghĩa là một trắc nghiệm pháp lý đối với lập trường của Trung Quốc. Nhưng ông cũng lưu ý rằng ngay cả khi tòa án ra phán quyết trong vụ kiện và nó mang tính cách ràng buộc về pháp lý, thì cũng không có việc cưỡng ép thực thi phán quyết đó.
Ông Jose nói nếu xác định rằng tòa có quyền tài phán, thì tòa án sẽ xếp lịch cho một cuộc điều trần về những lý lẽ trong vụ kiện của Philippines.