Đường dẫn truy cập

Philippines hy vọng tòa án LHQ sớm ra phán quyết về vụ kiện Biển Đông


فلپائن میں دو روز قبل آنے والے سمندری طوفان ہاگوپٹ کی شدت میں منگل کو بتدریج کمی آ رہی ہے۔
فلپائن میں دو روز قبل آنے والے سمندری طوفان ہاگوپٹ کی شدت میں منگل کو بتدریج کمی آ رہی ہے۔
Philippines đang xúc tiến vụ kiện Trung Quốc về những yêu sách chủ quyền ở Biển Đông. Mới đây, các giới chức Philippines nói rằng họ hy vọng cơ quan trọng tài của Liên hiệp quốc sẽ đưa ra phán quyết sớm hơn dự kiến.

Nhà ngoại giao hàng đầu của Philippines cho biết nước ông hy vọng thẩm phán đoàn của Tòa án Quốc tế về Luật Biển của Liên hiệp quốc sẽ công bố phán quyết trước khi nhiệm kỳ của Tổng thống Benigno Aquino chấm dứt vào năm 2016. Trước đây, các giới chức Philippines nói rằng vụ kiện này có thể phải mất từ 3 đến 4 năm.

Hồi đầu tuần này, Ngoại trưởng Albert del Rosario phát biểu tại một cuộc hội thảo ở Manila rằng vụ kiện này là lựa chọn duy nhất sau khi Manila “đã dùng hết mọi phương tiện ngoại giao” để tìm cách giải quyết vụ tranh chấp với Trung Quốc về chủ quyền của những hòn đảo nhỏ và những bãi đá ngầm ở Biển Đông. Ông nói thêm như sau:

"Sự hiện diện liên tục và có tính chất áp đảo của lực lượng hải quân và tàu bè của Trung Quốc trong vùng này cũng đang góp phần làm gia tăng những mối căng thẳng khu vực."

Philippines, Việt Nam, Malaysia, Brunei và Đài Loan cũng có những yêu sách chủ quyền chồng chéo nhau ở Biển Đông trong lúc Trung Quốc khăng khăng cho rằng họ có “chủ quyền không thể tranh cãi” đối với hầu như toàn bộ vùng biển này.

Tháng giêng năm nay, Philippines đã nộp đơn kiện dựa theo Công ước Liên hiệp quốc về Luật Biển năm 1982, trong đó có qui định là những nước ven biển có chủ quyền đối với lãnh hải 22 kilomét. Công ước này cũng qui định khu vực đặc quyền kinh tế 370 kilo mét đối với hoạt động ngư nghiệp và khai thác tài nguyên thiên nhiên.

Trung Quốc bác bỏ vụ kiện của Philippines, tuy họ đã ký công ước này. Bắc Kinh không tham gia những thủ tục sau đó của tòa trọng tài, và điều này làm cho Philippines trở thành bên chủ động duy nhất của vụ kiện.

Tuần trước, luật sư trưởng của Philippines, ông Paul Reichler, nói với tờ Wall Street Journal rằng nếu Trung Quốc tiếp tục “giữ nguyên lập trường”, ông dự kiến tòa án Liên hiệp quốc sẽ đưa ra phán quyết trong khoảng thời gian từ giữa năm cho đến cuối năm 2014.

Ông Carl Thayer, một nhà nghiên cứu về vụ tranh chấp Biển Đông của Học viện Quốc phòng Australia, cho biết các thẩm phán quốc tế không liên hệ tới vụ kiện có những quan điểm khác nhau về kết quả của vụ này. Ông nói:

"Đó là vấn đề liên quan tới quyền quản hạt của tòa án trọng tài. Có người cho rằng tòa án không phân xử những vấn đề mà Trung Quốc đã tự cho mình được miễn. Có người cho rằng đòi hỏi của Philippines có cơ sở pháp lý rất vững chắc. Tôi nghiêng về quan điểm này."

Giáo sư Thayer cho biết trước khi ký Công ước Liên hiệp quốc về Luật Biển, Bắc Kinh đã chọn nằm ngoài quyền quản hạt quốc tế đối với một số vấn đề lãnh thổ, và trên thực tế, điều đó ngăn cấm sự giám sát của bên ngoài đối với một số vấn đề. Trong khi đó, Philippines đang tìm cách thuyết phục tòa án Liên hiệp quốc tái xác nhận yêu sách chủ quyền lãnh thổ của họ dựa trên luật pháp quốc tế.

Tại cuộc họp báo ở Bắc Kinh hôm nay, phóng viên VOA đã hỏi phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hoa Xuân Oánh là phải chăng Trung Quốc định tham gia tòa án Liên hiệp quốc khi Philippines nộp những bằng chứng cho yêu sách của họ vào tháng 3.

Bà Hoa Xuân Oánh trả lời rằng Trung Quốc không chấp nhận yêu cầu trọng tài do phía Philippines đệ nạp. Bà cũng thúc giục Philippines giải quyết vụ tranh chấp thông qua các cuộc đàm phán song phương.

Hồi tháng trước, Trung Quốc đã đứng ra tổ chức một cuộc hội nghị với khối ASEAN gồm 10 nước thành viên để bàn về việc thực thi Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông.

Văn kiện mà Trung Quốc ký với ASEAN năm 2002 này không có tính chất cưỡng hành. Philippines đã thúc đẩy cho việc thương lượng về một bộ qui tắc hành xử có tính chất ràng buộc về pháp lý và đang ra sức vận động sự hậu thuẫn của quốc tế cho mục tiêu này.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG