Chính phủ Iraq đã yêu cầu sự giúp đỡ của quốc tế sau khi các phiến quân Hồi giáo Sunni thuộc nhóm gọi là “Nhà Nước Hồi Giáo Iraq và vùng Levant” tịch thu vật liệu phóng xạ tại một trường đại học. Trước đó, các phiến quân cũng đã chiếm giữ một nhà máy sản xuất vũ khí hóa học bị bỏ hoang. Theo tường thuật của thông tín viên Henry Ridgwell của đài VOA tại London, các chuyên gia vũ khí cho rằng những vụ này không gây ra những mối đe dọa đáng kể.
Ông Abu Bakr al-Baghdadi, người được cho là thủ lãnh của nhóm ISIL, đã đọc một bài thuyết giảng hôm thứ 6 tuần trước tại buổi cầu nguyện ở Mosul, thành phố lớn thứ nhì của Iraq. Các chiến binh trang bị vũ khí hùng hậu của nhóm này đã chiếm thành phố này hồi tháng 6.
Chính phủ Iraq hôm thứ 5 cảnh báo rằng các phiến quân đã tịch thu 40kg uranium từ trường Đại học Mosul. Sự rút lui quá nhanh chóng của quân đội Iraq trước đà tiến của phiến quân đã khiến cho nhiều địa điểm bị bỏ ngỏ, theo ông Afzal Ashraf, một chuyên gia chống khủng bố của Viện Nghiên cứu An ninh và Quốc phòng Hoàng Gia Anh. Ông nói:
“Họ thực sự không có thời gian để làm bất cứ thứ gì. Và tôi nghĩ rằng không có ai lên kế hoạch để đối phó với những sự bất ngờ. Và điều có thể học được việc này là chúng ta phải nghĩ đến việc cần bảo vệ những thứ gì khi một thành phố hoặc một thị trấn bị rơi vào tay kẻ địch.”
Trong một bức thư gửi Liên Hiệp Quốc, Baghdad kêu gọi sự giúp đỡ của quốc tế để ngăn chặn nguy cơ các nhóm khủng bố sử dụng vật liệu phóng xạ này ở Iraq và ở nước ngoài. Nhưng Cơ quan Nguyên tử năng Quốc Tế nói chất liệu này ở dạng thấp và không gây ra nguy cơ đáng kể nào.
Ông Afzal Asharaf nói tiếp:
“Nhưng cái họ có thể làm nếu họ muốn, và chỉ với một chút chuyên môn, là tạo ra cái mà ta gọi là một “quả bom bẩn.” Và đó là một loại bom thông thường được bọc một chút vật liệu phóng xạ xung quanh, và khi nổ nó sẽ gây ô nhiễm toàn bộ khu vực xung quanh đó.”
Các phiến quân ISIL cũng đang kiểm soát nhà máy vũ khí hóa học bỏ hoang ở tây bắc Baghdad, nhưng các chuyên gia nói rằng đạn dược đã bị thoái hóa và không có khả năng sử dụng.
Đã một tháng sau khi quân nổi loạn bắt đầu cuộc tấn công, chính phủ Iraq dường như vẫn không thể lấy lại được những vùng lãnh thổ đã mất. Điều này sẽ cần đến sự tham gia của những người Sunni tại địa phương cùng với một cuộc tấn công quân sự, theo ông Ranj Alaaldin của Trường Kinh Tế Luân Đôn. Ông cho biết:
“Sẽ phụ thuộc rất nhiều vào việc nhà nước Iraq phản ứng lại thế nào; bất kể là làm như vậy với Iran hay với Thổ Nhĩ Kỳ, hay thậm chí với Mỹ. Và liệu họ có khả năng giữ vững hay cố gắng làm ảnh hưởng đến các sự kiện ở miền bắc của người Ả Rập theo giáo phài Sunni, có lẽ với sự giúp đỡ của các bộ tộc địa phương, hay những thành phần ôn hòa của phe Sunni.
Nhưng chính quyền Baghdad rõ ràng là đang bị chia rẽ nhiều hơn. Các chính trị gia người Kurd ở Iraq tuyên bố tẩy chay các cuộc họp nội các hôm thứ 5, sau khi thủ tướng Nouri al-Maliki tố cáo vùng tự trị của người Kurd ở miền bắc đã chứa chấp phiến quân Sunni.
Các nhà quan sát nói cuộc tranh cãi đang làm tăng khả năng là Chính Quyền Khu Vực người Kurd sẽ tìm cách tách khỏi Iraq để độc lập.