Đường dẫn truy cập

Phát hiện bệnh sốt bại liệt ở Syria


Tổng giám đốc UNICEF Anthony Lake (trái) nói chuyện với một bé trai đến một trung tâm y tế ở Damascus, Syria, để được uống vắc xin ngừa bại liệt, 29/10/13
Tổng giám đốc UNICEF Anthony Lake (trái) nói chuyện với một bé trai đến một trung tâm y tế ở Damascus, Syria, để được uống vắc xin ngừa bại liệt, 29/10/13
Tổ chức Y tế Thế giới, WHO, cho biết đã xác nhận 10 ca bệnh bại liệt được phát hiện ở đông bắc Syria vào giữa tháng 10. WHO cảnh báo các biện pháp phòng ngừa phải được tiến hành để ngăn chặn căn bệnh lây lan trong khu vực.

Tổ chức Y tế Thế giới nói 12 ca khác bị nghi là bại liệt còn đang trong vòng điều tra. Một người phát ngôn cho Chương trình Xóa bệnh Bại liệt nói với đài VOA rằng không có thêm các trường hợp gọi là “ca bệnh nóng” vào lúc này.

Ông Oliver Rosenbauer nói việc theo dõi bệnh đang tiếp tục ở Syria và các nước lân cận để đi tìm các ca bệnh bại liệt cấp tính khác. Nhưng, ngay lúc này, ông nói các ca bệnh duy nhất là 22 ca ở Deir Ezzor phát hiện được và được báo cáo ban đầu vào ngày 17 tháng 10.

Ông Rosebauer nói: “Bước kế tiếp sẽ là nhìn vào các virut cô lập này về mặt di truyền học để xem chúng phát xuất từ đâu. Như thế sẽ thầy rõ được nguồn gốc. Về mặt nguy cơ, dĩ nhiên đây là một chứng bệnh lây nhiễm, và với sự đi lại của dân chúng, thì bệnh có thể đi theo. Nó có thể đi tới các vùng khác, và vì thế rủi ro lây truyền bệnh khắp vùng rất cao.”

Ðây là vụ bộc phát bệnh bại liệt đầu tiên tại Syria từ 14 năm nay. WHO nói đa số nạn nhân là trẻ em dưới 2 tuổi, có lẽ không được chủng ngừa bệnh. Không có thuốc chữa khỏi chứng bệnh gây liệt này. Nhưng bệnh bại liệt có thể được ngăn ngừa qua việc tiêm chủng.

Trước khi chiến tranh bùng nổ vào năm 2011, 95% trẻ em Syria được chích ngừa bệnh bại liệt. WHO ước tính nửa triệu em chưa được chủng ngừa. Liên Hiệp Quốc và các cơ quan y tế khác đang tiến hành một chiến dịch 2 tuần chủng ngừa cho 2,4 triệu trẻ em ở Syria chống lại chứng bệnh này.

Ông Rosebauer nói các kế hoạch đang sẵn sàng để bắt đầu một chiến dịch chủng ngừa bệnh bại liệt ở quy mô lớn tại các nước láng giềng vào đầu tháng 11. Ông cho biết virut bại liệt di chuyển một cách thầm lặng qua biên giới.

Ông nói bệnh bại liệt rất nguy hiểm và gây mất khả năng, phải được ngăn chặn trước khi lây lan. Ông nói sự hiện diện của virut này ở Syria, một nước trước đây không có ca bệnh bại liệt nào, là một mối lo rất lớn.

Ông nói: “Tôi nghĩ điều thực sự cho thấy là các khu vực không có bệnh bại liệt ở khắp nơi trên thế giới có nguy cơ chừng nào ta vẫn còn thấy sự lây truyền virut ở bất cứ nơi nào. Và dĩ nhiên, các nước có dịch bệnh, 3 nước ta biết là Nigeria, Pakistan, Afghanistan, thì sẽ từ các nơi đó mà bệnh bại liệt tiếp tục lây truyền. Và tôi cho rằng các nước với những trường hợp khẩn cấp phức tạp, nơi các hệ thống y tế có khuynh hướng xấu đi, nơi mức chủng ngừa giảm sút, trẻ em ở những khu vực đó đặc biệt có nguy cơ bị các bệnh như bại liệt.”

Có 350.000 ca bệnh bại liệt vào lúc Tổ chức Y tế Thế giới bắt đầu chiến dịch xoá bệnh bại liệt vào năm 1988. Con số ca bệnh nay đã sụt xuống 99%. Nhưng diệt trừ một số ít ca còn lại của chứng bệnh gây liệt này từ ba nước có dịch bệnh mà lại đầy xung đột này tỏ ra là một thách thức vĩ đại.

Tổ chức Y tế Thế giới cảnh báo rằng chừng nào chỉ còn có một em nhỏ vẫn còn nhiễm bệnh, thì trẻ em ở tất cả các nước đều có nguy cơ nhiễm bệnh bại liệt.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG