Blogger Anh Ba Sàm, tức Nguyễn Hữu Vinh, người sáng lập trang blog Anh Ba Sam được nhiều người truy cập, và một blogger khác đã bị bắt giữ tại Hà Nội.
Báo chí nhà nước Việt Nam tường thuật rằng Bộ Công an đã thực hiện lệnh khám xét khẩn cấp và bắt khẩn cấp đối với Nguyễn Hữu Vinh, biệt danh blogger Anh Ba Sàm, và trong cùng ngày cũng bắt giữ bà Nguyễn Thị Minh Thúy tại Hà Nội.
Bài báo dẫn lời Cơ quan An ninh điều tra nói cả hai bị bắt vì đã có hành vi 'đăng tải các bài viết trên mạng Internet với nội dung xấu, thông tin sai lệch làm giảm uy tín, mất lòng tin trong nhân dân về cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội, công dân' theo quy định của Điều 258 Bộ luật Hình sự Việt Nam.
Vụ bắt giữ người sáng lập ra trang Anh Ba Sàm, được coi là một trang mạng có uy tín, đã gây chấn động trong thế giới mạng quan tâm tới tình hình Việt Nam.
Tổ chức Ký giả Không biên giới lên án vụ bắt giữ Anh Ba Sàm và bà Nguyễn thị Minh Thúy. Điều mà họ đã làm là chỉ chia sẻ thông tin...họ đã không làm điều gì sai trái dựa trên các tiêu chuẩn quốc tế...Bà Lucie Morrillon, RSF.
“Tổ chức Ký giả Không biên giới lên án vụ bắt giữ Anh Ba Sàm và bà Nguyễn thị Minh Thúy. Điều mà họ đã làm là chỉ chia sẻ thông tin, điều quan trọng là người dân Việt Nam phải được tiếp cận thông tin, họ đã không làm điều gì sai trái, dựa trên các tiêu chuẩn quốc tế, vốn bảo đảm quyền tự do ngôn luận, tự do thông tin. Anh Ba Sàm và bà Minh Thúy phải được trả tự do càng sớm càng tốt. Chúng tôi e rằng giới hữu trách Việt Nam đang tiếp tục chính sách đàn áp của họ chống những tiếng nói bất đồng tại Việt Nam. Nhưng trong trường hợp này, tuyệt đối không có lý do nào có thể biện minh cho vụ bắt giữ hai blogger này, nhất là với lý do là họ lạm dụng các quyền tự do dân chủ, bởi vì tự do dân chủ là phải có tự do thông tin, phải tạo điều kiện cho người dân được tiếp cận thông tin. Đó chính là điều mà blogger Anh Ba Sàm và Minh Thúy đã làm.”
Mạng lưới Blogger Việt Nam cũng phổ biến bản lên tiếng về vụ bắt khẩn cấp hai blogger này. Họ nói rằng họ tuyệt đối tin là ông Nguyễn Hữu Vinh và bà Nguyễn thị Minh Thúy chỉ thể hiện quyền tự do ngôn luận của công dân như đã được quy định bởi hiến pháp Việt Nam, và được công nhận bởi các công ước quốc tế mà Việt Nam đã ký.
Nói chuyện với Ban Việt ngữ-VOA, một thành viên của Mạng Lưới Blogger Việt Nam, blogger Mẹ Nấm Nguyễn Ngọc Như Quỳnh nói:
“Tôi thấy rằng việc tiếp tục bắt giữ một blogger khác với điều luật 258 -Bộ Luật Hình sự với những thông báo không rõ ràng một lần nữa chỉ ra rằng Điều luật 258 là một điều luật áp dụng khá tùy tiện để bắt giữ những người thể hiện quyền tự do ngôn luận của mình trên internet. Hôm qua Mạng Lưới Blogger Việt Nam chúng tôi đã ra một bản lên tiếng, mời gọi tất cả các thành viên của mạng lưới cũng như các blogger khác quan tâm tới vấn đề này hãy tiếp tục chung tay với chúng tôi trong các hoạt động sắp tới để trước mắt, yêu cầu tự do cho Anh Ba Sàm và chị Minh Thúy, và tiếp đến là những nỗ lực vận động để xem xét lại điều 258 của Bộ Luật Hình sự.”
Vụ bắt giữ xảy ra giữa lúc cư dân mạng đang chú tâm theo dõi các tin nóng về việc Trung Quốc đưa giàn khoan HD 981 tới Biển Đông, vùng biển mà Việt Nam cho là thuộc lãnh thổ của mình, và cuộc điều trần tại quốc hội Mỹ về tự do báo chí và các sinh hoạt khác của các bloggers đến từ Việt Nam, liệu có liên quan gì tới vụ bắt giữ Anh Ba Sàm, xét trang blog này đặc biệt chú trọng đưa tin về cuộc tranh chấp giữa Trung Quốc và Việt Nam tại Biển Đông? Blogger Mẹ Nấm nói:
“Blogger Anh Ba Sàm là một trong các trang blog đưa tin rất nóng và khá chuẩn xác về tình hình biểu tình chống Trung Quốc xâm lược thì có thể nó giống như một cách để chia bớt các phần quan tâm đến những phản ứng, bên cạnh đó nó cho thấy là nỗ lực của các blogger ở bên ngoài trong cuộc điều trần về tự do báo chí và buổi điều trần ngày 12 tháng 5 sắp tới cần phải có những hành động, những áp lực mạnh hơn nữa.”
Giám đốc nghiên cứu đặc trách Á Châu-Thái bình dương của RSF nói điều vô cùng quan trọng là các nước có quan hệ với Việt Nam, kể cả Hoa Kỳ và các nước Âu Châu, phải đặt vấn đề nhân quyền và tự do ngôn luận lên hàng đầu nghị trình thảo luận với Việt Nam. Bà Morillon nói tiếp:
“Họ nên đề cập tới các trường hợp của các nhà báo, các blogger độc lập và công dân mạng đang bị cầm tù vì đã thông tin cho người dân. Cộng đồng quốc tế phải làm tất cả những gì có thể làm được để hối thúc trả tự do cho những người bị cầm tù. Hiện có 33 bloggers đang bị giam cầm ở Việt Nam, chỉ vì họ đã phổ biến thông tin và thực thi quyền tự do của mình dựa trên điều 19 của Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền. ”
Từ Washington, blogger Nguyễn Tường Thụy cho biết phản ứng của ông về vụ Anh Ba Sàm bị bắt giữ, và liệu tin này có làm nao núng tinh thần của đoàn blogger đến từ Việt Nam hay không.
“Chúng tôi cũng vừa nhận được tin vào trưa nay. Chúng tơi cũng rất bức xúc về thông tin này. Chúng tôi cho rằng đây là tín hiệu rất là xấu đối với các bloggers ở Việt Nam.”
“Như vậy ông có lo lắng cũng sẽ gặp nguy cơ bị bắt giữ như là Anh Ba Sàm một khi trở về Việt Nam?”
Blogger Nguyễn Tường Thụy cho biết:
“Thưa chị chúng tôi không lo lắng. Chúng tôi sẽ chấp nhận tất cả các gì sẽ diễn ra. Điều này trong đoàn của tôi ai cũng xác định như vậy. Trong đoàn chúng tôi biết chắc chắn một điều là sẽ giữ vững lập trường của mình và khơng ai tỏ ra run sợ hoặc là e ngại một điều gì; mặc dù ai cũng xác định rằng có thể là vì chuyến đi của chúng tôi có thể bị sách nhiễu hoặc là bị những điều tồi tệ hơn.”
Ông Nguyễn Tường Thụy là một trong 6 blogger đến từ Việt Nam để tham gia cuộc điều trần tại quốc hội Hoa Kỳ về tự do báo chí và tự do thông tin tại Việt Nam, và các sinh hoạt khác xoay quanh Ngày Tự Do Báo Chí Thế Giới năm 2014.
Vụ bắt giữ Anh Ba Sàm và blogger Nguyễn thị Minh Thúy diễn ra giữa lúc Trợ lý Ngoại trưởng Hoa Kỳ Daniel Russel lên đường sang thăm Hong Kong và Hà Nội từ ngày 5 tháng Năm. Ông Russel sẽ có mặt tại Hà Nội trong hai ngày 7/5 và 8/5 và trở về Washington trong cùng ngày 8 tháng Năm.