Đường dẫn truy cập

Phẫn nộ cay đắng không phải của riêng ai


Thế là rõ. Bộ Chính trị Đảng CS Việt Nam đã quyết định không trả tự do cho tù nhân chính trị, trái với hy vọng của xã hội, trái với mong chờ của các công dân yêu nước, các chiến sỹ đấu tranh cho dân chủ, nhân quyền, trái với nguyện vọng của biết bao thân nhân, vợ chồng con cháu, bạn bè của hàng trăm tù nhân chính trị.

Những tù nhân chính trị kiên cường đấu tranh cho tự do của toàn dân bị chính quyền toàn trị chụp cho cái mũ "âm mưu lật đổ chế độ", "đe dọa an ninh quốc gia". Họ là những người con ưu tú, kiên cường của Tổ quốc, những công dân dũng cảm yêu nước, thương dân, quyết dấn thân cho quốc gia, dân tộc và nhân dân, đang bị giam cầm, đầy đọa bởi một chính quyền toàn trị thân Trung Quốc và tham nhũng. Họ vẫn bị đày đọa.

Mấy tháng qua đã có một luồng nhận thức lạc quan đối với thời cuộc. Nhiều người cho rằng cuối cùng Bộ Chính trị đã tỉnh ra đôi chút, đã có một sự chuyển hướng chính trị quan trọng, từ bỏ lập trường phụ thuộc Trung Quốc bành trướng, xích lại gần hơn với Hoa Kỳ và các nước dân chủ. Có nhà bình luận trong nước nhận định rằng đây là một chính sách "chuyển trục về chiến lược chính trị - ngoại giao - quốc phòng toàn diện ngọan mục, rất sáng suốt và quả đoán", tuy có chậm hàng chục năm, lẽ ra phải được quyết định từ đầu năm 1979 khi cuộc chiến tranh biên giới Việt - Trung nổ ra, khi ông anh lớn trở mặt thành quỷ dữ.

Trên mạng Chuyển Hoá, nhà bình luận Đinh Hoàng Thắng còn giật tít: "Bước tiến dũng mãnh của lịch sử"; bài báo nhắc đến nhận định lạc quan của một nhà nghiên cứu hàng đầu Hoàng Anh Tuấn ở Học viện Ngoại giao Hà Nội, cho đây là "chuyển biến cơ bản trong mối quan hệ Việt - Mỹ", rằng "mười, mười lăm năm sau sẽ còn nhớ đến thời kỳ chuyển hoá rẩt đẹp, rất hay này". Cán bộ ngoại giao Bùi Thế Giang, từng là đại sứ VN ở Liên Hiệp Quốc, cũng chung một nhận định cho rằng quan hệ thân thiện Việt - Mỹ từ thù thành bạn là một sự phát triển rất tốt đẹp cho tương lai nước ta. Hãy nhớ lời Phó Tổng thống Joe Biden nói với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng : "Chưa bao giờ chúng tôi mong thắt chặt quan hệ với Việt Nam như lúc này".

Quả thật, cần "dứt tình" với một người bạn tâm giao cũ khi chính họ gây sự, đem đại quân sang tàn sát 6 tỉnh biên giới , và nên bắt tay thân thiện với kẻ thù cũ nhưng nay kẻ thù cũ ấy lại chủ động giang tay yêu cầu kết bạn chân thành vì quyền lợi thiết thân của cả hai nước, của khu vực và toàn thế giới. Tận dụng được cơ hội hiếm hoi này là mệnh lệnh của Tổ quốc, của Dân tộc, là nguyện vọng của toàn dân.

Trung Quốc bành trướng còn cho giàn khoan HD- 981 xâm phạm vùng biển Việt Nam, giết hại ngư dân Việt Nam, chính họ đã tạo nên cơ hội đẩy Việt Nam vào thế phải liên minh mới với những bạn tốt đáng tin cậy. Cho nên việc bẻ lái chiến lược của Bộ Chính trị như trên mà mọi người mong ngóng chờ đợi là điều rất tự nhiên, gần như là tất yếu. Một quyết định chiến lược sáng suốt, có trách nhiệm, sẽ được nhân dân đánh giá cao.

Vậy mà có vẻ như cuộc bẻ lái chiến lược ấy đã không xảy ra. Chiến lược Thoát Trung không hề có trong cơ quan lãnh đạo Đảng CS như mọi người mong đợi. Chủ tịch nước vẫn sang Bắc Kinh dự lễ của họ, trong khi chính đồng bào ruột thịt của họ ở Đài Loan lại tẩy chay.

Không một tù nhân chính trị nào được trả tự do trong đợt Đại Xá cho hơn 18.000 tù nhân. Chỉ toàn là kẻ tội phạm viên chức, đảng viên tham nhũng, kẻ giết người, xì ke ma tuý, những kẻ đã chạy án, hối lộ cho ngành công an phụ trách quản lý các trại giam. Một mạng tự do cho rằng mỗi kẻ tội phạm hình sự phải nộp một triệu đồng để được ra tù lần này.

Không phải chỉ có thân nhân các tù nhân chính trị thất vọng cay đắng, mà một số nhà binh luận trong và ngoài nước cũng nổi giận, có người chửi đổng: "Không ăn thua gì, Lú vẫn hoàn Lú". Ngay trong đảng CS, không hiếm trí thức cảm thấy như bị đảng phản bội, không dám bẻ lái quặt hình chữ U, vẫn lao vào bụi rậm, từ bỏ lái vào Đại lộ Dân chủ của thời đại, bỏ qua một thời cơ cực hiếm.

Trong những người thất vọng, có lẽ cay đắng hàng đầu không thể thiếu ba nhân vật tôi nói đến ở đầu bài, nhà bình luận Đinh Hoàng Thắng, hai nhà ngoại giao Hoàng Anh Tuấn và Bùi Thế Giang, là những đảng viên cấp cao. "Bước chuyển biến dũng mãnh của lịch sử " chỉ còn là giấc mơ hão huyền. Họ sẽ làm gì khi bị đảng phản bội như thế ? Họ có dám gia nhập hàng ngũ đối lập của xã hội dân sự, hay sẽ cúi đầu cam chịu do bị ràng buộc bởi chiếc ghế quyền lực và cuốn sổ hưu, cam chịu trong im lặng và nuốt đắng cay?

* Blog của nhà báo Bùi Tín là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.

  • 16x9 Image

    Bùi Tín

    Nhà báo Bùi Tín hiện sống tự do ở Pháp, là một nhà báo chuyên nghiệp, một nhà bình luận thời sự quốc tế, và là cộng tác viên thường xuyên của đài VOA. Ðối tượng chính của nhà báo Bùi Tín là giới trí thức trong và ngoài nước, đặc biệt là tuổi trẻ Việt Nam quan tâm đến quê hương tổ quốc.

VOA Express

XS
SM
MD
LG