Phân loại hay phân cấp thông tin (classification of information), nhất là trong thời điểm chiến tranh, là hoạt động con người mà có từ lâu lắm rồi. Nhưng ngày xưa chỉ có vua chúa hay vòng rất nhỏ mới biết được thông tin này. Ngày nay bộ máy chính quyền (administration), hay cơ quan hành chánh (bureaucracy), ngày càng to lớn, cồng kềnh, như khoảng 9 đến 11 triệu nhân viên tại chính quyền liên bang Mỹ hiện nay, chẳng hạn, thì vấn đề trở nên phức tạp, tốn thời gian và vô cùng tốn kém tài chánh [1].
Nhưng còn cách nào khác? Nó là một nhu cầu an ninh quốc gia, và vì thế về mặt hành chánh sẽ an toàn hơn để phân loại hơn là không, mặc dầu ai cũng thấy choáng ngợp với số lượng thông tin đã được phân loại.
Tiến trình phân loại thì như thế, trong khi tiến trình giải mật thì phức tạp hơn nữa [2].
Thời xưa việc phân loại thông tin, như trong chính quyền Mỹ, có nhưng rất hiếm. Trong thời điểm thành lập Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ, một trong những trường hợp được biết đến là trong phiên họp của Hội nghị Lục địa Đầu tiên mà những người đại diện chấp nhận là cần giữ bí mật tiến trình hội nghị cho đến khi nào đa số biểu quyết được phép công bố nó [3]. Năm 1790, Tổng thống Mỹ lúc đó là George Washington đã gửi Quốc hội Mỹ cập nhật về những thương lượng với các bộ lạc bản địa Mỹ (Indian tribes) với ký hiệu rõ ràng là thông tin chứa đựng “giao tiếp bí mật”. Chỉ đến năm 1869, tức 4 năm sau khi Tổng thống Abraham Lincoln bị ám sát, mới bắt đầu có thủ tục thời bình đầu tiên để phân loại thông tin trong chính phủ dân sự. Còn hệ thống phân loại thông tin của Mỹ hiện nay bắt đầu hình thành kể từ thời gian dẫn đến Thế Chiến II.
Trong số Tháng 3/4 của Foreign Affairs kỳ này có bài viết rất hay của Patrick Radden Keefe tựa đề “Sự Sùng bái Bí mật”, tình trạng khủng hoảng phân loại thông tin của Mỹ (The Cult of Secrecy - America’s Classification Crisis) [4]. Bài viết của Keefe là để phê bình cuốn sách của giáo sư Matthew Connelly, người đã nghiên cứu về đề tài này trong nhiều năm qua. Tác phẩm này có tên ‘The Declassification Engine: What History Reveals About America’s Top Secrets’, xuất bản năm 2023, được phát hành đúng lúc trong khi bao nhiêu vụ vi phạm tài liệu mật bị phanh phui từ những người nắm giữ quyền lực cao nhất tại Mỹ.
Xin được nhắc rằng chuyện một số Tổng thống Mỹ đã xử lý sai các tài liệu chính thức xảy ra rất lâu trước khi Donald Trump xả chúng xuống nhà vệ sinh tại Nhà Trắng và tích trữ những tài liệu khác tại Mar-a-Lago, hay các tài liệu mật được tìm thấy tại tại nhà và văn phòng làm việc của Tổng thống Joe Biden, theo The Economist [5].
Theo bài viết của Keefe, giáo sư Connelly nhận xét rằng khi nhìn toàn bộ lịch sử của Mỹ, phân loại thông tin ở bình diện rộng không chỉ là sự phản bội các nguyên tắc thành lập của Hoa Kỳ mà còn là một sự bất thường trong thời điểm tương đối gần đây. Một thế kỷ rưỡi của nền cộng hòa được thể hiện bởi sự minh bạch cao độ, trong đó gián điệp và bí mật chỉ xảy ra thời chiến, nhưng trong thời bình nó biến mất. Ngay cả năm 1912, Tổng thống Woodrow Wilson còn quan niệm rằng “Không nên có nơi nào mà bất cứ điều gì có thể làm mà mọi người không biết.” Vào năm 1853, tiêu hủy bất kỳ hồ sơ liên bang nào cũng được xem là một tội nặng. Chính Tổng thống Franklin Delano Roosevelt, người nhìn thấy nhu cầu của tình báo và đưa sắc lệnh năm 1942 để hình thành cơ quan Office of Strategic Services (OSS), tiền thân của Central Intelligence Agency (CIA), cũng quan niệm rằng cần phải sắp xếp đủ chỗ để dung chứa Văn khố Quốc gia sau Thế Chiến II. Nhưng sau chiến tranh, chính quyền Harry Truman đã tiếp tục phải làm những gì đang làm, về tình báo và nhiều thứ khác trong Chiến tranh Lạnh, khi Mỹ đã nhìn thấy được bản chất của Liên Bang Xô Viết dưới sự lãnh đạo của Joseph Stalin thời đó.
Kể từ đó, luật về tình báo hay an ninh quốc gia ngày càng nhiều hơn, và xiết chặt hơn. Thông tin ngày càng được phân loại nhiều hơn.
Năm 2012 thôi, nhân viên chính quyền Mỹ đã phân loại 95 triệu lần, tức gần 3 lần một giây. Mỗi năm hàng tỷ tài liệu mới cần phải được phân loại. Nội Bộ Ngoại giao Mỹ thôi đã sản xuất hơn 2 tỷ emails mỗi năm.
Chính quyền mới nào cũng thấy phân loại thông tin nhiều quá và không còn kiểm soát được, và cam kết sẽ giải quyết chuyện này. Nhưng thực tế thì mỗi năm thông tin “tối mật” càng ngày chồng chất, và nhiều lĩnh vực hoạt động chính thức được đặt ngoài sự giám sát của công dân, nhà báo và thậm chí cả Quốc hội. Năm 2017, chính quyền liên bang Mỹ đã tốn kém 18 tỷ đô la để quản lý hệ thống phân loại thông tin này, gấp đôi chi phí so với 5 năm trước. Lý do là nhiều hoạt động của chính quyền mang tính bí mật, nên để cho hệ thống công quyền được hoạt động suông sẻ thì phải cho phép một số lượng nhân sự lớn tiếp cận thông tin tối mật này. Ước đoán khoảng 1.3 triệu người Mỹ hiện đang được phép tiếp cận tài liệu “tối mật” (top secret clearance). Có khoảng 3 triệu người tiếp cận được tài liệu kín (confidential) và mật (secret) [6].
Để phục vụ số lượng người như thế đòi hỏi nguồn lực quốc gia dồi dào. Và với thông tin ngày càng điện tử hay điện tử hóa, việc thông tin tối mật bị tiết lộ là điều sẽ tiếp tục xảy ra.
Connelly nhận định rằng khi mọi thứ trở thành bí mật, không còn gì là bí mật cả. Và “kích thước rất lớn của nhà nước đen tối này . . . đã trở thành rủi ro an ninh của chính nó.”
Vấn đề giữ bí mật quá mức của chính phủ được xem là nguy hiểm cho quốc gia, nhưng tại sao không mấy ai làm gì để cải tổ chuyện này? Theo Connelly thì một lý do là thẩm quyền phân loại đã trở thành một đặc quyền mà mọi chính phủ đều trân quý. Nó là một công cụ được sử dụng bởi các tổng thống, tướng lĩnh và nhiều lãmnh đạo cao cấp để che giấu các quyết định của họ trong bí mật và tránh bị giám sát hoặc chịu trách nhiệm giải trình. Trong mọi cơ quan hành chánh, khả năng để xếp loại một cái gì đó là bí mật trở nên một con cờ tay trên, mang tính quyết định, nên không thể cưỡng lại được; và nó lại là “một cách để trốn tránh sự giám sát, đưa ra những ưu tiên cục bộ và những thiếu sót khó hiểu.”
Connelly phân tích: “Hàng nghìn người khác, nhiều công chức chuyên nghiệp, bắt đầu tạo ra những bí mật của riêng họ và bảo vệ chúng một cách ghen tị, khiến việc xác định và bảo vệ những gì quan trọng đối với cá nhân tổng thống trở nên khó khăn hơn. Đồng thời, họ có thể rò rỉ bất cứ thứ gì họ thích, làm suy yếu khả năng quản lý chu kỳ tin tức của tổng thống.”
Một lý do và thách thức khác là khối lượng của tài liệu được phân loại quá lớn. Chính phủ phân loại nhanh hơn giải mật, do đó số lượng tiếp tục tăng lên hàng năm. Làm thế nào để bắt đầu giải mật tất cả thông tin này, và nếu không thể làm, thì điều gì sẽ xảy ra với hồ sơ lịch sử?
Để lịch sử được đánh giá đúng đắn và chính xác thì phải dựa vào thông tin, dữ kiện chính thức từ những người từng giữ vai trò quyết định và quan trọng hàng đầu trong thời điểm nhất định của nó. Bài học lịch sử sẽ không có nhiều ý nghĩa nếu người dân và thế hệ tiếp nối biết đến quá trễ. Giải mật (declassification) các khối tài liệu khổng lồ chồng chất nói trên là một thử thách quốc gia. Theo Keefe, nhận định sơ khởi là sẽ mất 250 năm với tốc độ xử lý hiện tại của chính quyền để đáp ứng các yêu cầu tồn đọng của Đạo luật Tự do Thông tin tại riêng Thư viện George W. Bush thôi, chưa nói đến các nơi khác.
Connelly nhận định không có hệ thống hiệu quả nào tồn tại để tự động hóa quá trình giải mật, và các cơ quan liên bang liên quan thì lại thiếu nhân sự và nguồn lực để xem xét và biên tập hàng tỷ tài liệu được phân loại. Connelly quan ngại: “Nếu thay vào đó, những hồ sơ này bị giữ lại vô thời hạn hoặc bị phá hủy, thì sẽ không thể tái tạo lại những gì các quan chức đã làm dưới lớp vỏ bí mật.” Connelly cho rằng nếu chính phủ Hoa Kỳ thậm chí không chịu trách nhiệm trước tòa án lịch sử thì chính phủ thực sự không chịu trách nhiệm trước bất kỳ ai. Cho nên Connelly nghĩ đến phương thức lập toán trình và trí tuệ nhân tạo/AI để phần nào đó tự động hóa việc giải mã các tài liệu không quá nhạy cảm, làm cho tốc độ và tiến trình giải mật được nhanh chóng hơn. Nhưng cuộc vận động của Connelly với chính quyền Mỹ chưa được thành công như ý muốn. Connelly suy luận: “Chúng ta không thể gán giá trị đồng đô la cho trách nhiệm giải trình dân chủ.”
Bài viết của Keefe và tác phẩm của Connelly làm cho chúng ta suy ngẫm. Phân cấp thông tin là một nhu cầu chính đáng, nhưng mọi công dân cần đặt câu hỏi là để bảo vệ gì, phục vụ cho ai, tại sao, ai có thể giám sát tiến trình này, và nhu cầu thiết thực là đến mức độ nào? V.v… Nếu không thì càng ngày quá nhiều lớp màn che đậy trên mọi mặt và mọi vấn đề thiết yếu của quốc gia, nhưng người dân thì lại không nắm rõ dữ kiện, hay biết sự thật. Như thế thì làm sao họ có thể kiểm soát được chính phủ đại diện mình? Dân chủ như thế chỉ còn là hình thức, không có nội dung. Còn những chế độ độc tài hay cộng sản mà mọi thứ đều là bí mật quốc gia khi họ muốn phân loại như thế để dễ bề cai trị thì đó là loại thể hiện quyền lực đen tối nhất.
Tài liệu tham khảo:
1. Paul C Light, “The true size of government is nearing a record high”, Brookings, 7 October 2020.
2. “Part 3: Declassfication and downgrading”, Executive Order, Office of the Federal Register (OFR), Access 12 March 2023.
3. Paul D Shinkman, “EXPLAINER: The What, Why, How Much and How Often Behind Classified Information in the U.S.”, US News, 24 January 2023.
4. Patrick Radden Keefe, “The Cult of Secrecy”, America’s Classification Crisis, Foreign Affairs, March/April 2023.
5. “The presidential mislaying of classified documents is infectious”, The Economist, 13 January 2023.
6. Bruce Riedel, “How does the government’s classification system work?”, Brookings, 23 January 2023.
Diễn đàn