Đinh Yên Thảo
Nếu ở Việt Nam, có lẽ giờ này bà Juli Briskman có thể vẫn còn trong tù về tội "xúc phạm lãnh đạo" chứ không đắc cử vào chức vụ Uỷ Viên Giám Sát Hạt Loundoun tại Virginia trong cuộc bầu cử hồi thứ Ba vừa qua. Câu chuyện của bà Juli Briskman làm người ta liên tưởng đến phát biểu của một tiến sĩ viện trưởng tại Việt Nam mới đây rằng, "Ở đâu mà dân chủ và quyền con người được đảm bảo hơn Việt Nam?". Có phải là vậy?
Những người theo dõi thời sự vẫn ắt vẫn còn nhớ tấm ảnh một phụ nữ chạy xe đạp đưa ngón giữa, là một lời chửi tục khi đoàn xe tổng thống Hoa Kỳ chạy ngang hồi hai năm trước. Từng là nhân viên làm việc cho một công ty hợp đồng của chính phủ, tấm ảnh cùng bản tin về bà hầu như trở thành cơn sốt trên mạng và truyền thông khắp thế giới phổ biến vì hành động phản kháng khá thất lễ của bà được xem như sự bày tỏ thái độ giận dữ của một số người dân Mỹ với tổng thống.
Người binh kẻ chống, bà bị hãng cho nghỉ việc. Dù bị tòa bác đơn kiện nhưng bà vẫn được hãng trả đủ quyền lợi thôi việc. Câu chuyện dừng lại ở vấn đề dân sự vì như thế nào, hành động của bà được xem như quyền biểu đạt của người dân được hiến pháp bảo vệ. Cho dù hành động của bà xúc phạm đến người đứng đầu quốc gia. Đây là quyền mà thẩm phán Hugo Black của Tối Cao Pháp Viện từng tái xác nhận trong vụ án Bridges vs. California vào năm 1941 rằng, "là đặc quyền được trao cho người dân Mỹ, dù không phải lúc nào điều này cũng luôn thỏa mãn tuyệt đối với tất cả cơ quan công quyền" khi chính phủ bị người dân chỉ trích. Nên như nói trên, bà vừa đánh bại người Ủy Viên đương nhiệm để đắc cử vào một chức vụ dân cử tại Virginia, một phần cũng nhờ những người ủng hộ thái độ phản kháng của bà.
Còn ở Việt Nam, mới hồi tháng Bảy, khi đại biểu Hội Đồng Nhân Dân Phan Thị Hồng Xuân, người có "sáng kiến lu chống ngập" vừa bị người dân cười ngạo đã đòi "xử lý" những người chỉ trích bà trên mạng. Bà còn thêm rằng hy vọng Luật An Ninh Mạng sẽ "sớm triển khai để xử lý" những cá nhân như vậy. Tất nhiên chưa có ai "bị xử lý" vì cười ngạo bà nhưng điều này cho thấy suy nghĩ và thái độ những lãnh đạo xứ ta xem mình là bất khả xâm phạm như thế nào.
Trên thực tế, một bác sĩ tại Huế từng bị kỷ luật và xử phạt chỉ vì bình phẩm trên Facebook rằng, "Mụ ni nghỉ là vừa, để các giáo sư có kinh nghiệm, chuyên môn Y lên thay và dẫn dắt ngành Y sang một bước tiến mới" khi nói về Bộ Trưởng Y Tế Nguyễn Thị Kim Tiến. Họ chưa làm điều gì sai trái mà chỉ bày tỏ ý kiến, suy nghĩ của mình về các "công bộc" đã bị vậy.
Mới nhất là một năm tù mà tòa án Cần Thơ đã kết án Kiến Trúc Sư Phạm Xuân Hào, một giáo sư tại ĐH Cần Thơ vì "chia sẻ những bài viết trái chiều" trên Facebook, theo sau hai án tù cho hai Facebooker với tội danh tương tự. Theo dõi thời sự trong nước thì những mẩu tin đại loại như vậy, từ những việc người dân bị xử phạt hành chánh cho đến bị kỷ luật, bị án tù giam nặng nhẹ tùy theo trường hợp xảy ra ở khắp mọi nơi tại Việt Nam.
Phúc Trình của tổ chức Human Rights Watch cho biết có ít nhất 133 người Việt Nam đã bị bắt và kết án vì những biểu đạt ôn hòa như vậy trong năm nay. Con số lẽ ra không có nếu quả thật theo như lời vị viện trưởng rằng "dân chủ và quyền con người được đảm bảo" tại Việt Nam nói trên. Hay như chính lời kêu gọi phản biện của người đứng đầu chính phủ là Thủ Tướng Nguyễn Xuân Phúc đã phát biểu tại Đại Hội Đại Biểu Toàn Quốc Mặt Trận Tổ Quốc Việt Nam hồi tháng Chín rằng, "Đảng và nhà nước mong muốn được nhận nhiều hơn những đề xuất, góp ý...". Những phát biểu như vậy đã là cái cớ để người dân chỉ trích chính phủ khi không thực hiện những điều do chính mình đề ra.
Bức bối trước các vấn đề xã hội là động lực của những người dân lên tiếng. Cách này hay cách khác, chỉ khác nhau phương tiện. Đó là thái độ cần thiết của những công dân có trách nhiệm, không thờ ơ với hiện trạng quốc gia.
Mỗi quốc gia, mỗi thể chế có những hiến pháp cùng các hệ thống pháp luật khác nhau. Sẽ khó lòng so sánh hay áp dụng hệ thống một nơi này lên quốc gia khác. Câu chuyện của bà Juli Briskman nói trên đã có thể xảy ra khác đi tại các quốc gia độc tài. Nhưng những quyền căn bản của con người như sự tự do ngôn luận, tự do khỏi sự sợ hãi cần phải được tôn trọng và thực thi theo Hiến Chương Nhân Quyền của Liên Hiệp Quốc mà cả thế giới đang chuẩn bị chào đón Ngày Nhân Quyền Quốc Tế vào đầu tháng tới.
Trấn áp, bóp chết quyền ngôn luận của người dân là một thái độ sợ hãi của nhà cầm quyền, nó chỉ nung nấu và biến các ý tưởng ôn hòa của người dân trở thành những hành độ phẫn nộ khi có điều kiện. Bởi lịch sử đã chứng minh câu nói của Henry Patrick rằng, "Cho tôi tự do hay để tôi chết" đã xảy ra khắp mọi nơi. Há không phải cuộc cách mạng dân chủ tại Hồng Kông hiện nay đã diễn ra như vậy?