Một phái đoàn chính thức của Mỹ đang có mặt tại Cuba lần đầu tiên từ 35 năm nay, để dự các cuộc đàm phán về việc tái lập quan hệ ngoại giao và các mối quan hệ khác giữa hai nước. Thông tín viên Zlatica Hoke của đài VOA ghi nhận thêm chi tiết về các cuộc đàm phán hai ngày tại La Habana.
Phái đoàn Hoa Kỳ đến thủ đô của Cuba hôm thứ Tư, chỉ một tháng sau khi Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama và Chủ tịch Cuba Raul Castro loan báo hai nước sẽ thảo luận về việc nối lại quan hệ ngoại giao.
Cuộc họp hôm nay sẽ tập trung vào các vấn đề ngoại giao, trong đó có việc mở lại các đại sứ quán Hoa Kỳ và Cuba ở thủ đô của hai nước.
Vòng đàm phán đầu tiên hôm qua tập trung vào vấn đề công dân đi qua lại giữa hai nước.
La Habana phản đối các luật lệ của Hoa Kỳ cho phép người Cuba được ở lại Hoa Kỳ một khi họ đã đặt chân lên đất Mỹ.
Ông Gustavo Machin, giới chức của Bộ Ngoại giao Cuba nói:
“Chúng tôi hết sức lo ngại về việc tiếp tục áp dụng Đạo luật Điều chỉnh Cuba, và chính sách Chân ướt, Chân ráo, mà theo chúng tôi là nguồn khích lệ chủ yếu cho việc di dân bất hợp pháp từ Cuba vào Hoa Kỳ. “
Các giới chức Cuba cũng cáo buộc Mỹ dụ dỗ người Cuba có kỹ năng cao bỏ công việc làm đang có ở nước ngoài để nhận những việc làm trả lương cao hơn ở Hoa Kỳ.
Bà Josefina Vidal, giới chức của Bộ Ngoại giao Cuba nói:
"Chúng tôi phản đối việc tiếp tục áp dụng chính sách nhằm khuyến khích các chuyên gia và chuyên viên y tế Cuba bỏ việc của họ ở các nước thứ ba là một tập tục không thể chấp nhận được nhằm đánh cắp nguồn vốn nhân lực và tìm cách cướp đi tài nguyên con người cấp thiết đối với nhiều nước, được hưởng lợi ích từ sự hợp tác với Cuba."
Washington yêu cầu Cuba nhận lại những người Cuba mà La Habana không muốn có và đã đưa sang Hoa Kỳ cùng với những người Cuba có quyền hợp pháp di dân sang Mỹ. Một số những người đó là những người bất đồng chính kiến, và một số là những tội phạm.
Ông Alex Lee, Trợ lý ngoại trưởng Hoa Kỳ đặc trách Nam Mỹ và Cuba cho biết:
"Cuộc thảo luận của chúng tôi với các giới chức Cuba là một nỗ lực thuyết phục họ nhận lại người mang quốc tịch Cuba, mà chúng tôi tin là nghĩa vụ của tất cả các nước trong việc cho hồi hương và chấp nhận công dân của mình trên lãnh thổ của mình."
Một trong những đề tài chính được thảo luận tại La Habana trong ngày thứ Năm là việc nới lỏng các biện pháp cấm vận kinh tế mà Hoa Kỳ áp dụng đối với Cuba kể từ năm 1961.
Nhiều người Mỹ gốc Cuba chỉ trích việc Hoa Kỳ hoà giải với La Habana vì cho rằng làm như thế là thừa nhận tính hợp pháp của chế độ Castro. Họ trông đợi các đại diện của họ ở Quốc hội sẽ duy trì các lệnh chế tài của Mỹ đối với Cuba.
Ông Mike Gonzalez của Viện Heritage nói:
"Chỉ có Quốc hội mới có quyền quyết định bãi bỏ lệnh cấm vận, còn bất cứ hành động nào của Tổng thống Obama nhằm đơn phương dỡ bỏ lệnh cấm vận đều sai với pháp luật."
Cuộc đàm phán Cuba-Mỹ còn bao gồm việc Washington định danh Cuba là một nước bảo trợ khủng bố.