Đường dẫn truy cập

Tổng thống Obama nêu viễn kiến cho nước Mỹ trong diễn văn Tình trạng Liên bang


Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama đọc diễn văn về Tình trạng Liên bang tại Trụ sở Quốc hội ngày 20/1/2015.
Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama đọc diễn văn về Tình trạng Liên bang tại Trụ sở Quốc hội ngày 20/1/2015.

Tại sao các Tổng thống Hoa Kỳ đọc bài Diễn văn Về Tình trạng Liên bang?

Tại sao các tổng thống Hoa Kỳ đọc bài Diễn văn Về Tình trạng Liên bang?

Hiến Pháp Hoa Kỳ quy định, tổng thống “thỉnh thoảng phải cung cấp cho Quốc hội thông tin về Tình trạng Liên bang và đề nghị Quốc hội cân nhắc các biện pháp mà ông xét thấy là cần thiết và thiết thực.” - Điều II, Mục 3, khoản 1.

Diễn Văn Về Tình Trạng Liên Bang

- Tổng thống George đọc bài diễn văn về tình trạng của liên bang đầu tiên vào năm 1790.

- Tổng thống Franklin D. Roosevelt là người đầu tiên gọi bài diễn văn là “Diễn văn về Tình trạng Liên bang’ trong thập niên 1940, và tên này trở thành thông dụng từ đó.

- Bài Diễn văn về Tình trạng Liên bang lần đầu tiên được phát thanh vào năm 1923 là diễn văn của Tổng thống Calvin Coolidge.

- Bài diễn văn đầu tiên được truyền hình là diễn văn của Tổng thống Harry Truman vào năm 1947.

- Bài diễn văn của Tổng thống George W. Bush là bài đầu tiên được trực tiếp đưa lên mạng năm 2002.

- Đáp từ của khối đối lập về bài diễn văn thường niên này của tổng thống được chính thức truyền hình lần đầu tiên vào năm 1966, theo trang web Senate.gov. Từ năm 1982, đáp từ của đảng đối lập thường là thành viên của Quốc hội trở thành lệ thường.

- Tổng thống Ronald Reagan là tổng thống đầu tiên mời các khách mời đặc biệt ngồi cạnh Đệ nhất Phu nhân vào năm 1982, và tỏ sự cảm kích họ trong bài diễn văn của ông.

Nguồn: AP, history.house.gov

Bước vào năm thứ bảy lãnh đạo đất nước, Tổng thống Mỹ Barack Obama đề ra một chương trình nghị sự mà ông nói sẽ tăng cường an ninh quốc gia và toàn cầu và sẽ mở rộng an ninh kinh tế cho người Mỹ nghèo và có thu nhập trung bình.

Phát biểu tại Điện Capitol trụ sở của Quốc hội Hoa Kỳ, ông Obama nói trước toàn quốc và một Quốc hội mà Đảng Cộng hòa đã kiểm soát cả Thượng viện và Hạ viện sau khi giành chiến thắng áp đảo trong cuộc bầu cử giữa kỳ hồi tháng 11 năm ngoái.

Tổng thống ca ngợi nền kinh tế Mỹ đang phục hồi - với "một nền kinh tế đang tăng trưởng, thâm hụt ngân sách đang thu hẹp, ngành công nghiệp năng động và ngành sản xuất năng lượng bùng nổ," và tỉ lệ thất nghiệp ở mức 5,6 phần trăm, mức thấp nhất kể từ năm 2008.

Nhưng mặc dù thu nhập đang tăng lên trong giới người Mỹ giàu có, mức lương vẫn đứng yên. Trong những tuần vừa qua, ông Obama đã thúc đẩy những chính sách mà ông nói sẽ làm lan tỏa những lợi ích kinh tế đến những người mà phần lớn đã bị gạt ra khỏi quá trình phục hồi kinh tế.

Cải thiện kinh tế của tầng lớp trung lưu "nghĩa là giúp những gia đình lao động cảm thấy an toàn hơn trong một thế giới luôn thay đổi," Tổng thống nói. Và ông kêu gọi tăng lương cao hơn để giúp những gia đình thuộc tầng lớp trung lưu giải quyết những mối lo toan hàng ngày của họ.

Để giúp việc tăng lương trở thành hiện thực và bảo đảm một lực lượng lao động Mỹ có tính cạnh tranh, ông Obama nói Mỹ cần phải "làm nhiều hơn để giúp người dân Mỹ nâng cấp kỹ năng của mình" để cạnh tranh trong nền kinh tế của thế kỷ 21. Và ông nhắc lại lời kêu gọi miễn học phí cho đại học cộng đồng.

Tổng thống Obama tuyên bố sẽ phủ quyết một số ưu tiên của đảng Cộng hòa. Những ưu tiên này bao gồm việc Quốc hội phê chuẩn về một dự luật đường ống dẫn dầu gây tranh cãi từ Canada đến miền trung của Mỹ, cũng như phủ quyết những thay đổi làm suy yếu cải cách chăm sóc y tế và những hạn chế về tài chính đối với Wall Street.

Kêu gọi tăng thuế

Ông Obama kêu gọi trám những kẽ hở trong luật thuế giúp các công ty giữ lợi nhuận ở nước ngoài, và tưởng thưởng cho những công ty đầu tư vào Mỹ.

Ông cũng kêu gọi đơn giản hóa và điều chỉnh luật thuế, hiện cho phép 1 phần trăm những người giàu nhất tránh phải trả thuế đối với tài sản tích lũy của họ.

Khi ông Obama công bố một số đề xuất của mình trong những ngày gần đây, phe Cộng hòa đã mạnh mẽ chỉ trích là quá tốn kém. Các nhà lập pháp đối lập nói rằng tăng thuế cao hơn sẽ làm chệch hướng cải thiện trong nền kinh tế Mỹ, nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Chính sách đối ngoại

Nhà lãnh đạo của Mỹ cho biết Mỹ đang ngăn chặn đà tiến của những kẻ chủ chiến Hồi giáo ở Iraq và Syria.

Ông cũng thừa nhận đang ủng hộ "một phe đối lập Syria ôn hòa có thể giúp chúng ta trong nỗ lực này, và hỗ trợ người dân ở khắp mọi nơi chống lại tư tưởng phá sản của chủ nghĩa cực đoan bạo lực."

Ông Obama kêu gọi Quốc hội "cho thế giới thấy chúng ta hiệp nhất trong nhiệm vụ này bằng cách thông qua một nghị quyết cho phép sử dụng vũ lực chống lại ISIL," ông nói, sử dụng một từ viết tắt cho nhóm Nhà nước Hồi giáo.

Ông cũng nhắc đến tình trạng hỗn loạn ở miền đông Ukraine. Tổng thống nhắc lại rằng nước Mỹ đang "giữ vững nguyên tắc những quốc gia lớn hơn không thể bắt nạt những nước nhỏ bằng cách kháng cự hành động gây hấn của Nga, hỗ trợ nền dân chủ của Ukraine và trấn an các đồng minh NATO của chúng ta." Ông nói những biện pháp trừng phạt đã khiến nền kinh tế của Nga "tơi tả."

Về Cuba, ông Obama nói: "Sự chuyển dịch trong chính sách Cuba của chúng ta có tiềm năng chấm dứt một di sản của sự mất lòng tin ở bán cầu của chúng ta; loại bỏ cái cớ giả tạo cho những hạn chế ở Cuba; ủng hộ những giá trị dân chủ và chìa bàn tay hữu nghị ra cho nhân dân Cuba."

An ninh mạng

Ông Obama kêu gọi tăng cường an ninh mạng để đẩy lùi những kẻ xâm lược, như những người gần đây đã tấn công hãng phim Sony Pictures và những người khác tấn công một nguồn trang Twitter của Ngũ Giác Đài.

Ông cho biết chính phủ Mỹ đã tiến hành các bước để tích hợp "thông tin tình báo chống lại những mối đe dọa không gian mạng, giống như chúng ta đã làm để chiến đấu với chủ nghĩa khủng bố." Ông Obama thúc giục Quốc hội thông qua luật "để đáp lại thích đáng hơn những mối đe dọa đang phát triển của những cuộc tấn công trên mạng, chiến đấu với nạn trộm cắp danh tính và bảo vệ thông tin của con em chúng ta."

Cam kết chống biến đổi khí hậu

Ông Obama cho biết ông sẽ không để cho Quốc hội đảo ngược tiến bộ của đất quốc về vấn đề biến đổi khí hậu mà ông mô tả là mối đe dọa lớn nhất đối với các thế hệ tương lai.

Các nhà khoa học giỏi nhất nói rằng nếu các quan chức không hành động một cách mạnh mẽ, thế giới sẽ tiếp tục thấy "những đại dương dâng nước, những đợt nhiệt nóng hơn và dài hơn, những trận hạn hán và lũ lụt nguy hiểm, và những gián đoạn lớn có thể thúc đẩy nhiều người di cư hơn, nhiều xung đột và nạn đói hơn trên toàn cầu."

Ông nhấn mạnh Ngũ Giác Đài cho biết sự biến đổi khí hậu đề ra những rủi ro tức thời cho an ninh quốc gia và rằng ông "quyết tâm bảo đảm sự lãnh đạo của Mỹ thúc đẩy hành động quốc tế."

Nhấn mạnh những giá trị Mỹ

Ông Obama cũng kêu gọi những biểu hiện mạnh mẽ những giá trị của Mỹ. Ông nhắc tới việc chính quyền ông đã cấm tra tấn, việc Mỹ bảo vệ quyền tự do biểu đạt, và bác bỏ "những định kiến gây xúc phạm đối với người Hồi giáo, mà phần lớn trong số họ chia sẻ quyết tâm theo đuổi hòa bình như chúng ta."

Ông ca ngợi nước Mỹ là một nơi tụ hội giao thoa và là "một quốc gia đã cho một người như tôi một cơ hội."

Nhắc khéo đến cái chết gần đây của một số người đàn ông trẻ tuổi da đen, ông Obama kêu gọi cho "mọi đứa trẻ ở mọi khu dân cưu thấy rằng: cuộc sống của các cháu có giá trị, và chúng tôi cam kết cải thiện những cơ hội trong cuộc sống của các cháu cũng như cho chính con cái của chúng tôi."

Ông nêu ra sự đa dạng là một trong những thế mạnh của đất nước.

"Tôi muốn các thế hệ tương lai biết rằng chúng ta là một dân tộc coi sự khác biệt của mình là một món quà tuyệt vời, rằng chúng ta là một dân tộc coi trọng nhân phẩm và giá trị của mỗi công dân - đàn ông và phụ nữ, trẻ và già, da đen và da trắng, gốc Mỹ Latin và gốc Á, người nhập cư và người Mỹ bản địa, người đồng tính và dị tính, người Mỹ bị bệnh tâm thần hoặc khuyết tật về thể chất."

VOA Express

XS
SM
MD
LG