Đinh Yên Thảo - Alexis Dinh thực hiện
Peter Arnett là một trong những phóng viên chiến trường nổi tiếng với các tường thuật trực tiếp từ ngay những vùng chiến trận khốc liệt của thế giới. Là phóng viên tường trình về chiến tranh Việt Nam trong suốt 13 năm, kể từ 1962 đến 1975, với hàng ngàn bản tin, phóng sự, các phỏng vấn và ảnh chụp, ông đã góp phần mang cho thế giới một cái nhìn cận cảnh về chiến tranh Việt Nam lúc bấy giờ. Qua sự giới thiệu của thi sĩ Trần Mộng Tú, một cựu đồng nghiệp của Peter Arnett tại AP và là người bạn trong gia đình, ký giả Peter Arnett, ở tuổi 86 và đang cư ngụ tại Nam California, dành cho chúng tôi cuộc phỏng vấn về các cuộc chiến tranh mà ông từng trực triếp tường trình cùng những cuộc phỏng vấn mang tính lịch sử về mặt báo chí mà ông từng thực hiện.
***
Phóng Viên (PV): 60 năm trước, năm 1961, ông trở thành phóng viên chính thức của hãng thông tấn AP. Ông có thể kể về hành trình cùng những điều đã đưa ông từ một phóng viên địa phương tại Tân Tây Lan trở thành một trong những huyền thoại trong giới truyền thông thế giới?
Peter Arnett (PA): Các bạn có thể thắc mắc là tại sao một ký giả hầu như cống hiến toàn bộ sự nghiệp cả đời mình để tường trình về các cuộc chiến nhưng khi còn học trung học tại Tân Tây Lan và đang lên kế hoạch cho nghề báo thì việc trở thành một phóng viên chiến trường là điều cuối cùng tôi từng nghĩ đến. Tôi bước vào nghề báo như một ký giả tay non với nhật báo Southland Times tại Invercargill ở tuổi 17. Tôi được giao viết những bản tin địa phương đơn giản, rồi theo thời gian, khi thạo việc hơn thì tôi được giao những công việc trách nhiệm hơn, có cả việc cảnh sát đánh phóng viên.
Đến năm 20 tuổi, xem như đủ tiêu chuẩn cho một ký giả nói chung, tôi đã tường trình về chuyến viếng thăm của Nữ hoàng Elizabeth và Hoàng thân Philip đến với thị trấn chúng tôi, một sự kiện mà tôi gặp khá nhiều ký giả Anh thân thiện và tháp tùng theo cặp hoàng gia trong chuyến công du thế giới của họ. Điều này cho tôi cảm hứng muốn rời khỏi Invercargill để đến những vùng thử thách hơn. Đầu tiên là lên làm việc cho một tuần báo chính trị tại thủ phủ Wellington của Tân Tây Lan, sau đó qua đến thành phố Sydney của Úc. Càng có nhiều bài báo khác nhau đăng tải thì càng giúp tôi tăng thêm sự tự tin nghề nghiệp. Nó dẫn tôi sang đến Bangkok của Thái Lan vào năm 26 tuổi để làm việc cho tờ World có khá ít nhân viên.
Đến lúc đó, tôi mới nhận ra là trong nghề báo, bạn nhận được các nhiệm vụ dựa trên đánh giá của những vị biên tập về khả năng hoàn thành nhiệm vụ của bạn. Chánh văn phòng Associated Press tại Bangkok đã để ý những bài báo của tôi trên tờ World và thuê tôi làm một cộng tác viên, thỉnh thoảng thực hiện những bài báo địa phương cho dịch vụ tin tổng hợp. Cuối năm 1959, tôi được chọn làm biên tập viên của một tuần báo nhỏ có tên là Thế Giới Vạn Tượng (Vientiane World) ngay thủ đô của Lào, nơi mà vào tháng 8 năm 1960 đã xảy ra một cuộc đảo chính quân sự nhằm lật đổ chính phủ thân phương Tây và đe dọa đến ảnh hưởng của Mỹ tại Đông Nam Á. Việc đưa tin độc quyền về sự kiện này đã giúp tôi có được những bản tin ngắn đầu tiên xuất hiện trên hệ thống tin tức AP và trên các tờ báo Mỹ, mặc dù tôi chỉ là một cộng tác viên.
Đó là khoảng thời gian mà các giám đốc điều hành hãng AP đánh giá rằng tôi đã đạt được khả năng trở thành một ký giả thực thụ của họ và năm 1961, họ đã nhận tôi làm phóng viên tại Jakarta, Indonesia. Khi cam kết của Hoa Kỳ với miền Nam Việt Nam ngày càng gia tăng, AP quyết định là tôi đã có đủ khả năng để tường trình về cuộc chiến và đưa tôi sang văn phòng Sài Gòn.
PV: Chắc chắn là vậy, sau 10 năm trong nghề báo thì ông đã có nhiều kinh nghiệm để làm việc cho AP và tường trình về chiến tranh Việt Nam. Trong cuốn sách "Trực tiếp từ chiến trường" (Live from the Battlefield), ông đã dành nhiều chương để viết về cuộc chiến Việt Nam, một công việc mang lại cho ông giải thưởng báo chí danh giá Pulitzer vào năm 1966. Ông đã sống và làm việc tại Việt Nam như thế nào thưa ông?
PA: Tôi đến Sài Gòn vào tháng 6 năm 1962 và ngay từ ngày đầu tiên, tôi đã thấy rằng đây sẽ là một nhiệm vụ đầy tranh cãi. Chính phủ miền Nam Việt Nam của Tổng Thống Ngô Đình Diệm áp đặt chế độ kiểm duyệt và giới chức trách của đại sứ quán và quân đội Hoa Kỳ thì không hợp tác trong việc tường trình tin tức. Trưởng văn phòng AP Sài Gòn là ông Malcolm Browne đã thường trú được một năm, nói với tôi rằng ông đang gặp rắc rối với tổng hành dinh New York vì đưa tin tiêu cực về chính quyền ông Diệm.
Ông cho biết ký giả AP tại Bộ Quốc phòng ở Washington trong thời gian gần đây đã phàn nàn là tường trình của Browne hầu như "đối chọi trăm phần trăm" với những gì anh ta được nghe từ các cấp sĩ quan quân sự. Tôi cũng nhận ra là các viên chức Đại sứ quán Hoa Kỳ đã công khai nói dối về các căn cứ quân sự bí mật mà chúng tôi có thể thấy từ các con tàu trên sông Sài Gòn và tại phi trường Tân Sơn Nhứt. Tuy nhiên, bằng khả năng cùng sự bền bỉ, chúng tôi đã viết những bản tin hàng ngày phản ánh sự can dự ngày càng sâu rộng của Mỹ vào cuộc chiến này.
Tôi thấy vai trò ký giả của mình là đã đưa tin một cách công bằng và đầy đủ nhất có thể. Mối quan tâm của chúng tôi là mang tin tức đến cho công chúng, với niềm tin rằng một công chúng tự do phải là một công chúng hiểu biết. Lý giải duy nhất mà một phóng viên phải tranh đấu cho nó là để nói ra sự thật và toàn bộ sự thật.
Liên quan đến việc trực tiếp tường trình chiến sự thì tôi may mắn là đã từng tham gia khóa huấn luyện quân sự bắt buộc tại Tân Tây Lan nên chiến trường cũng không quá đáng sợ đối với tôi. Công việc của chúng tôi khi tường trình về một chiến dịch quân sự nào đó là lấy tin tức và hình ảnh chứ không phải tự mình ở vào vai trò một người lính. Tôi đã học cách phản ứng như người lính trong các tình huống chiến đấu để sống sót và không bị thương bằng mọi cách có thể. Malcolm Browne đã có kinh nghiệm Việt Nam, chỉ cho tôi rằng, "Nếu anh nghe một phát súng và nghĩ nó không phải từ phía phe mình thì đừng có mà đứng dậy và ngó quanh xem nó đến từ đâu bởi phát thứ nhì có thể bắn vào anh. Cứ nằm sấp dưới làn đạn và chỉ trườn tới. Hãy tìm chỗ nấp và bò về hướng đó". Tôi thường bám sát vị chỉ huy đơn vị, người thường ở vị trí an toàn nhất và dù sao thì tôi cũng học hỏi từ anh ta nhiều hơn hầu hết những người lính khác.
Ngoài cuộc chiến chống Việt Cộng trong những năm đầu tiên của tôi tại Việt Nam, còn là cuộc khủng hoảng Phật giáo vào năm 1963 và cuộc đảo chính lật đổ Tổng thống Ngô Đình Diệm vào ngày 1 tháng 11 năm 1963. Cả hai sự kiện này đều làm suy yếu nỗ lực chiến tranh. Giới lãnh đạo Phật giáo được sự ủng hộ của hầu hết người Việt Nam tại các thành thị, nhưng chế độ ông Diệm vẫn kiên quyết từ chối thương lượng với họ bằng thiện chí. Tổng thống John Kennedy thất vọng trước việc chính quyền Sài Gòn không muốn giải quyết ôn hòa cuộc khủng hoảng Phật giáo, đã chấp thuận cuộc đảo chính do các tướng lĩnh cao cấp của Việt Nam lên kế hoạch. Kết cuộc đã dẫn đến cái chết của ông Diệm và người em trai Ngô Đình Nhu, là cố vấn chính của ông ta. Đối với phía cộng sản, việc lật đổ chế độ ông Diệm là một tặng thưởng bất ngờ trong những nỗ lực làm suy giảm tính hợp pháp của chính quyền Sài Gòn và cuối cùng là tự họ giành được quyền lực.
PV: Nếu kể riêng một trong những ký ức lớn nhất của ông trong chiến tranh Việt Nam, thì đó là điều gì?
PA: Cuộc tấn công dữ dội trong Tết Mậu Thân 1968 vẫn là ký ức sâu đậm nhất của tôi về chiến tranh Việt Nam. Thứ nhất là vì nó nguy hiểm trực tiếp đến vợ tôi là Nina cùng hai con nhỏ là Andrew và Elsa, khi quân cộng sản tấn công vào các cơ quan chính phủ chỉ cách nhà chúng tôi hai khoảng đường. Thứ nhì là cuộc tấn công này đã đưa nước Mỹ vào chuyện phản chiến, thuyết phục Tổng thống Lyndon Johnson bắt đầu đưa ra các quyết định chấm dứt sự can dự của Mỹ. Cho dù đến thời điểm đó thì chính phủ Hoa Kỳ cùng với những đồng minh miền Nam Việt Nam đã khẳng định là cuộc chiến đang giành được thắng lợi và tướng William C. Westmoreland, Tư lệnh Quân Lực Hoa Kỳ tại Việt Nam thì tuyên bố vào cuối năm 1967 rằng, "đã có ánh sáng cuối đường hầm."
Nhưng nói chung thì việc tường trình kéo dài 13 năm của tôi tại Việt Nam có rất nhiều bài báo đã viết và tấm ảnh đã chụp không thể nào quên được. Ví dụ về trận đụng độ lớn đầu tiên của binh lính Mỹ trong cuộc chiến mà tôi theo tường trình. Thủy quân lục chiến Hoa Kỳ bắt đầu tới Đà Nẵng vào tháng 3 năm 1965 thì đến tháng 8 năm đó, đã có vài ngàn lính tham gia vào chiến dịch Starlite, một cuộc tấn công đường bộ và thủy vào các làng Việt Cộng ở bán đảo Vạn Tường thuộc phía Nam Đà Nẵng. Tôi đã bay trên một chiếc trực thăng tiếp liệu, hạ cánh xuống trạm tiếp liệu của Thủy Quân Lục Chiến Mỹ, nằm giữa các xe tăng và xe lội nước đang bị quân du kích Việt Cộng tấn công. Bài báo chứng thực về địa hình cùng với những tấm ảnh của tôi đã mang cho độc giả một tình trạng thực tế khó khăn mà quân lính Mỹ sẽ gặp phải vì không quen chiến đấu trong rừng rậm và ruộng lúa của Việt Nam.
PV: Một số người đổ lỗi cho truyền thông đã góp phần nào vào sự thất bại của Hoa Kỳ trong chiến tranh Việt Nam. Quan điểm của ông về điều này thế nào?
PA: Theo kinh nghiệm của tôi thì giới truyền thông Mỹ thường bị đổ lỗi cho những thất bại trong chính sách đối ngoại của chính phủ Hoa Kỳ vì vai trò tin tức nổi bật trong diễn ngôn chính trị của nền dân chủ chúng ta. Với Việt Nam cũng vậy. Những nhà báo chúng tôi tường trình về cuộc chiến cũng chịu sự nguy hiểm trên chiến trường với những người lính Mỹ và binh lính đồng minh, chúng tôi tường thuật những câu chuyện và phân tích theo diễn biến cuộc chiến và các gia đình ở quê nhà ngày càng nghi ngờ về cuộc chiến và những mục tiêu của nó. Chính quyền của ba đời tổng thống Mỹ là Kennedy, Johnson và Nixon đã cố gắng đưa ra một bức tranh lạc quan về các sự kiện trong chiến tranh nhưng lại không có can đảm chính trị để áp đặt sự kiểm duyệt chẳng mấy đại chúng.
Các nhà báo chúng tôi đã chọn sự thật, chia sẻ với độc giả báo chí và khán giả truyền hình những thực tế cay đắng về những ràng buộc chính trị đã khiến Việt Nam trở thành một cuộc chiến không thể thắng như thế nào, một cuộc chiến dẫn đến một kết cục đau lòng, không thể kham nổi trước sự chiến thắng của cộng sản vào năm 1975.
(Kỳ 2: Peter Arnett và chiến tranh vùng Vịnh cùng những cuộc phỏng vấn lịch sử)