Đường dẫn truy cập

Ông Trump đắc cử, du học sinh lo lắng


Trên 65% sinh viên trong một cuộc thăm dò nói họ không muốn theo học tại Mỹ nếu ông Trump đắc cử Tổng thống.
Trên 65% sinh viên trong một cuộc thăm dò nói họ không muốn theo học tại Mỹ nếu ông Trump đắc cử Tổng thống.

Ông Donald Trump khiến nhiều du học sinh đang theo học tại Mỹ lo ngại vì những tuyên bố mà nhiều người cho là có tính cách kỳ thị đối với người nước ngoài trong cuộc vận động tranh cử Tổng thống vừa qua.

Anh Hussain Saeed Alnahdi là một trong số gần 400 sinh viên quốc tế của trường đại học Wisconsin-Stout.

Alnahdi, 24 tuổi, từ Ả Rập Xê-út đến Mỹ, theo học trường này vào năm ngoái. Tuy nhiên, vào sáng sớm ngày 30 tháng 10 năm nay, cuộc sống du sinh của anh Alnahdi đã kết thúc trong bạo động. Một kẻ tấn công không rõ tung tích đánh chết anh bên ngoài một nhà hàng tại thành phố Menomonie.

Vài tuần lễ sau đó, cảnh sát loan báo đã bắt được một nghi can. Cảnh sát cho biết họ không tin vụ tấn công này là một tội phạm có tính cách thù hận, hay một tội phạm bị ảnh hưởng vì chủng tộc.

Tuy nhiên, những sự việc như vụ tấn công tại Wisconsin làm cho những sinh viên quốc tế đang sinh sống và học tại Mỹ lo ngại.

‘Du học Mỹ’ là tên của một công ty hỗ trợ cho các sinh viên quốc tế muốn theo học tại các trường cao đẳng và đại học Mỹ. Vài ngày trước cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ, công ty công bố kết quả một cuộc thăm dò ý kiến của 1.000 sinh viên quốc tế thuộc 130 nước. Trên 65% những sinh viên này nói họ không muốn theo học tại Mỹ nếu ông Trump đắc cử Tổng thống.

Công ty FPP EDU Media cũng làm việc với các sinh viên quốc tế. Công ty công bố cuộc thăm dò 40.000 sinh viên vào tháng 6 năm nay. Kết quả cho thấy 60% sinh viên cũng có những cảm nghĩ tương tự.

Trong cuộc vận động tranh cử, Tổng thống tân cử Donald Trump đưa ra những tuyên bố về người Mexico mà nhiều người chỉ trích cho rằng kỳ thị chủng tộc. Có một lúc, ông kêu gọi cấm tất cả những người Hồi Giáo vào nước Mỹ.

Trung tâm Luật Nghèo khó miền Nam là một tổ chức dân quyền có trụ sở tại Montgomery, tiểu bang Alabama. Tổ chức này cho biết nhận được 437 báo cáo về những vụ đe dọa và quấy nhiễu trong vòng 6 ngày tiếp sau cuộc bầu cử.

Bà Renait Stephens là giám đốc điều hành công ty Du học Mỹ. Bà nói các sinh viên quốc tế và cha mẹ họ lo ngại. Tuy nhiên, bà cũng tỏ ra hy vọng. Bà cho rằng điều mà một chính trị gia nói khi vận động tranh cử và những điều họ làm khi lên cầm quyền là hai việc khác nhau.

Theo bà Stehens, các sinh viên quốc tế sẽ phải chờ xem chuyện gì sẽ xảy ra.

“Hãy còn quá sớm. Và cho tới khi chúng ta biết được nhiều hơn về bất cứ sự thay đổi chính sách nào, chúng ta phải thực sự nhấn mạnh rằng và hy vọng rằng hệ thống giáo dục của chúng ta vẫn tiếp tục như hiện nay. Do đó ngay bây giờ, chúng tôi chỉ cố gắng trấn an các sinh viên là không có gì thay đổi cả. Các trường đại học Mỹ vẫn an toàn, vẫn mở rộng cửa, vẫn đa dạng. Và các bạn vẫn hưởng được một nền giáo dục tuyệt vời.”

Những chuyên gia khác nói chưa từng có bất cứ mối đe dọa thực sự nào đối với việc học tập của sinh viên quốc tế. Viện Giáo dục Quốc tế IIE là một tổ chức bất vụ lợi chuyên nghiên cứu và hỗ trợ trao đổi sinh viên quốc tế.

Cùng với Bộ Ngoại giao Mỹ, Viện Giáo dục Quốc tế mỗi năm công bố phúc trình về số du học sinh tại Mỹ. Theo phúc trình Open Doors 2016, năm rồi có khoảng 1.044.000 sinh viên quốc tế theo học các trường cao đẳng và đại học Mỹ. Đây là một con số kỷ lục.

Bà Peggy Blumenthal là một giới chức của IIE. Bà cho biết tổ chức của bà đã thu thập dữ kiện về sinh viên quốc tế trong hơn 90 năm qua.

Bà nói hầu hết các sinh viên quốc tế đều quan tâm đến chất lượng giáo dục nhận được tại Mỹ. Vẫn theo lời bà, thế giới vẫn còn đánh giá là sức mạnh của hệ thống giáo dục cấp cao của Mỹ hơn hẳn đa số các nước khác.

Bà Blumenthal đưa ra một ví dụ lịch sử.

Khi Hoa Kỳ oanh tạc lầm tòa đại sứ Trung Quốc tại thủ đô Serbia vào năm 1999, những cuộc biểu tình rầm rộ diễn ra trước tòa đại sứ Mỹ ở Bắc Kinh. Tuy nhiên, bà cho biết, một ít lâu sau, các sinh viên Trung Quốc than phiền là tòa đại sứ Mỹ không cứu xét nhanh chóng đơn xin visa của họ.

Bà Blumenthal nói việc này cho thấy những biến cố trên thế giới không dễ dàng ảnh hưởng đến việc trao đổi sinh viên.

“Sinh viên quốc tế thực sự đánh giá cao cơ hội theo học tại Mỹ. Và xuyên qua suốt quá trình lịch sử thu thập các dữ liệu của chúng tôi, hầu như chưa bao giờ con số sinh viên quốc tế đến Mỹ giảm sút. Có nhiều thay đổi quan trọng trong chính sách của Mỹ, trong những hoàn cảnh quốc tế, trong kinh tế, nhưng số du học sinh vẫn tiếp tục gia tăng bất kể những gì xảy ra chung quanh họ.”

Bà Blumenthal công nhận là có thể có sự sụt giảm nhỏ về số lượng sinh viên Hồi Giáo đến Mỹ. Việc này từng xảy ra sau cuộc tấn công khủng bố tại New York ngày 11 tháng 9 năm 2001. Tuy nhiên, bà Blumenthal nói sự sút giảm sinh viên từ một quốc gia thường được cân bằng với sự gia tăng sinh viên từ những nước khác.

Sinh viên nước ngoài mang lại nhiều lợi ích cho nền kinh tế của nhiều thị trấn và thành phố trên toàn nước Mỹ. Bộ Thương mại Mỹ cho biết sinh viên quốc tế mang thêm 30 tỉ đôla cho nền kinh tế Mỹ trong năm 2015. Bà Blumenthal cho rằng không chính trị gia nào lại muốn mất số tiền này.

Tuy nhiên, ông Philip Altbach vẫn tỏ ra lo lắng. Ông Altbach là Giám đốc Trung tâm Giáo dục Cao cấp Quốc tế. Trung tâm này làm việc thông qua trường đại học Boston để nghiên cứu và hỗ trợ giáo dục quốc tế.

Ông Altbach nói có những ví dụ giảm sút giáo dục quốc tế tại những nước khác. Ông cho biết có sự giảm sút đáng kể những sinh viên Ấn Độ theo học tại Australia sau khi một vài sinh viên Ấn Độ bị tấn công tại Australia vào năm 2009 và 2010. Ông cũng nói ngôn từ mà ông Trump và các ủng hộ viên dùng trong cuộc vận động tranh cử đã làm cho thế giới đánh giá thấp nước Mỹ.

“Tôi nghĩ những bài diễn văn độc hại của cuộc vận động tranh cử và những điều ông Trump nói trong một thời gian dài thực sự gây tổn hại to lớn đối với hình ảnh của nước Mỹ một cách tổng quát và trong nếp nghĩ của những thầy-trò từ nước ngoài, những người có thể dự tính tới Mỹ để học tập hay giảng dạy; bởi lẽ lựa chọn nơi học tập trên thế giới tùy thuộc rất nhiều vào việc học sinh-phụ huynh có cảm thấy tiện nghi về đất nước mà họ tính tới học hay không.”

Ông Altbach nói sinh viên và các giáo sư quốc tế mang những viễn kiến khác biệt đến các trường mà họ theo học hay giảng dạy. Không có những người này có thể là một thiệt hại lớn cho các sinh viên Mỹ về mặt giáo dục và tài chính.

Ông nói sinh viên và giáo sư quốc tế liên hệ đến nhiều cuộc nghiên cứu được thực hiện tại hầu hết các trường đại học Mỹ. Tuy nhiên, việc giảm sút du học sinh có thể không ảnh hưởng đến những trường đại học lớn, nổi tiếng tại Mỹ. Nhưng nhiều sinh viên Mỹ muốn theo học các đại học thì cần phải có các du sinh nước ngoài chi trả toàn bộ học phí. Vẫn theo lời ông, có sinh viên quốc tế trả học phí nhiều hơn thì các trường đại học Mỹ có thể cho sinh viên Mỹ theo học với mức học phí phải chăng hơn.

Ông Altbach công nhận là hiện không có cách nào biết được chuyện gì sẽ xảy ra cho đến khi chính quyền mới nhậm chức. Tuy nhiên, cho đến lúc đó các trường đại học Mỹ phải đưa ra những tuyên bố công khai rõ ràng là các trường này sẽ hỗ trợ và bảo vệ sinh viên quốc tế. Nếu không, ông Altbach nói, nước Mỹ sẽ không còn là sự lựa chọn đầu tiên đối với những người muốn tìm tới một hệ thống giáo dục tốt nhất trên thế giới.

VOA Express

XS
SM
MD
LG