Hàng chục trường cao đẳng nhỏ ở Mỹ đã đóng cửa trong vòng 10 năm gần đây. Có dự báo con số đóng cửa sẽ còn tăng nhiều trong năm tới.
Nhiều người Mỹ có lẽ chưa bao giờ nghe nói đến trường cao đẳng McIntosh College ở bang New Hampshire. Tương tự như vậy đối với St. Catharine College ở Kentucky hoặc Đại học Bethany University ở California.
Nhưng ba trường này đều có hai điểm chung. Họ đều là các trường cao đẳng tư nhân nhỏ và đã phải đóng cửa trong vòng 10 năm qua.
Hoa Kỳ hiện có hơn 4.700 trường cao đẳng và đại học. Hầu như mỗi năm, đều có một số trường lâu năm đóng cửa, trong khi có các trường khác mở ra.
Và giờ đây một số chuyên gia đang cảnh báo về khả năng có sự tăng mạnh về con số các trường cao đẳng nhỏ của tư nhân phải đóng cửa. Họ tin rằng số trường phải đóng cửa hàng năm có thể tăng gấp ba vào năm 2017. Đây là sự gia tăng 200% so với hai năm trước đây.
Dịch vụ Nhà Đầu tư của Moody’s là một doanh nghiệp xếp hạng tín dụng. Họ nghiên cứu về giá trị và sự thành công của các công ty và các tổ chức khác. Năm ngoái, Moody phát hành một báo cáo về việc đóng cửa các trường cao đẳng của Hoa Kỳ. Báo cáo dựa trên thông tin được thu thập bởi Bộ Giáo Dục. Báo cáo cho thấy rằng trong quá khứ trung bình có 5 trường cao đẳng hoặc đại học đóng cửa mỗi năm.
Kế đến, báo cáo dự báo số trường đóng cửa hàng năm có thể lên đến 15 trường vào năm tới. Báo cáo cũng nói các trường cao đẳng nhỏ gặp rủi ro nhiều nhất.
Báo cáo định nghĩa rằng các trường cao đẳng nhỏ là trường tư có lợi tức hoạt động dưới 100 triệu đôla. Các trường cao đẳng công lập được xác định là những trường có thu nhập dưới 200 triệu đôla.
Dennis Gephardt là một lãnh đạo của nhóm giáo dục đại học tại hãng Moody’s. Ông lưu ý mức dự báo về con số đóng cửa vẫn chưa đến 1% tổng số tất cả các trường cao đẳng và đại học phi lợi nhuận trong cả nước. Ông cho rằng các trường tư, nhỏ thường rất khó cạnh tranh với các trường lớn hơn.
Ông Gephardt phân tích rằng trước hết các trường lớn có thể nhận nhiều sinh viên. Điều này có nghĩa là họ thu được nhiều tiền hơn từ học phí. Ông nói thêm các trường lớn thường có các khoản tiền và các khoản đầu tư khác do họ kiểm soát.
Nguồn thu là số tiền một trường cao đẳng hoặc đại học nhận được từ các khoản tài trợ và lợi nhuận từ đầu tư. Các trường thường sử dụng các nguồn thu của họ để giúp chi trả cho các hoạt động hàng ngày. Các nguồn thu cũng có thể giúp chi trả các chi phí vận hành nếu xảy ra sự sụt giảm khoản thu học phí.
Các trường lớn thường có nguồn thu lớn hơn.
Ông Gephardt bổ sung rằng các trường lớn hơn cũng thường nổi tiếng hơn. Những trường như vậy có thể cung cấp nhiều chương trình học hơn và có nhiều tiền hơn để quảng cáo đến với đông đảo mọi người hơn. Ông nói rằng trong một số trường hợp các trường lớn mang lại nhiều trải nghiệm hơn mà cũng chỉ có mức chi phí tương tự như các trường nhỏ hơn.
Ông nói thêm là cuộc suy thoái kinh tế trong một vài năm trước đây khiến nhiều tân sinh viên đại học suy nghĩ nhiều hơn về giá trị. Vào thời điểm đó có thêm nhiều sinh viên bắt đầu cân nhắc về các trường cao đẳng công lập lớn hơn có thể cung cấp hỗ trợ tài chính nhiều hơn. Ông nói điều này buộc các trường cao đẳng nhỏ phải cạnh tranh hơn với nhau về việc trường nào có thể cung cấp nhiều hơn mà lại thu ít tiền hơn.
Ông Gephardt nói: "Họ liên tục cạnh tranh khốc liệt về giá. Và do đó, những trường cao đẳng được coi là có giá trị thị trường thấp hơn hơn đã có một thời kỳ khó khăn".
Một ví dụ về một trường phải đối mặt với thời kỳ khó khăn là Sweet Briar College ở bang miền đông Virginia.
Sweet Briar, một trường cao đẳng tư nhân dành cho giới nữ, mở cửa vào năm 1901. Trong năm 2015, ban điều hành của trường bắt đầu lo lắng rằng tình hình tài chính của nhà trường có vẻ khó khăn. Trong tháng 3 năm đó, các thành viên hội đồng quản trị công bố họ sẽ đóng cửa trường Sweet Briar vĩnh viễn. Họ đã không thảo luận về mối quan tâm hoặc các kế hoạch của họ với các sinh viên, giáo viên, hay các nhân viên khác trước khi đưa ra thông báo.
Các sinh viên phải tìm trường mới và các nhân viên phải tìm việc làm mới.
Nhưng sau đó có chuyện đã xảy ra.
Tin tức về việc đóng cửa bắt đầu lan rộng. Các cựu sinh viên của Sweet Briar biết tin ngôi trường mà trường họ rất yêu quý sẽ không còn tồn tại. Và cùng với các sinh viên hiện tại và những người khác, họ bắt đầu chiến đấu chống lại.
Đội ngũ giảng viên đã tiến hành kiện hội đồng quản trị về việc vi phạm hợp đồng giảng dạy. Phụ huynh của các sinh viên cũng kiện. Họ lập luận rằng con cái họ đã không nhận được sự giáo dục đầy đủ như trường đã hứa.
Đến tháng 7 của năm đó, tòa án đã ra lệnh loại bỏ các thành viên hội đồng quản trị và dừng việc đóng cửa trường. Các cựu sinh viên sau đó có thể chọn một chủ tịch mới cho trường. Họ đã chọn Philip Stone.
Ông Stone có nhiều năm kinh nghiệm làm chủ tịch trường đại học và là thành viên quản trị của các tổ chức giáo dục. Nhưng khi ông đến Sweet Briar, ông biết sẽ mất rất nhiều công sức để cứu vãn ngôi trường. Khoảng 60% các giảng viên và nhân viên đã nhận các công việc mới.
Ngoài ra, ông Stone chỉ có 6 tuần để chuẩn bị trước khi các lớp khai giảng vào mùa thu.
Nhưng ông Stone đã hành động nhanh chóng. Ngay lập tức ông đã đưa trở về 200 người trong số đội ngũ giảng viên và nhân viên trước đây. Ông lên lại lịch cho tất cả các hoạt động thể thao từng bị hủy bỏ khi trường thông báo đóng cửa. Ông cũng đã lấy lại được chứng nhận kiểm định dành cho Sweet Briar.
Tuy nhiên, ông Stone đã không sửa chữa được tất cả các vấn đề của trường. Các cựu sinh viên cũng đã cùng với nhau quyên góp được hơn 20 triệu đôla trong vòng 12 tháng kế tiếp để giúp thanh toán chi phí pháp lý và điều hành.
Khi trường bắt đầu học kỳ mùa thu năm 2015, chỉ có 240 sinh viên. Nhưng ông Stone lưu ý rằng hiệu quả về tài chính của Sweet Briar trong năm học 2015-2016 đạt mức tốt nhất trong lịch sử của trường.
Ông Stone dự định sẽ kết thúc sự nghiệp của mình trong năm tới. Tuy nhiên, ông tin rằng Sweet Briar sẽ tiếp tục phát triển và sẽ sớm trở lại vị thế trước đây. Ông tin vào điều này vì các sinh viên của một trường cao đẳng nhỏ có sự kết nối vững chắc với nhau và với trường của họ.
Ông nói: "Một người mới tốt nghiệp sau 3 năm ra trường có thể gọi điện cho một người ở đâu đó trên đất Mỹ mà cô chưa bao giờ gặp, có thể người đó đã ra trường cách đây 50 năm, và họ ngay lập tức có sự gắn bó nhờ cảm giác họ là chị em trong môi trường đặc biệt của trường cao đẳng dành cho phụ nữ này".
David Warren đồng ý rằng tương lai của các trường cao đẳng nhỏ của tư nhân không xám xịt như báo cáo của Moody’s cho biết. Ông Warren là người đứng đầu của Hiệp hội Quốc gia Các Trường Cao Đẳng và Đại Học Độc lập. Tổ chức của ông đại diện cho hơn 1000 trường cao đẳng tư nhân, bao gồm cả Sweet Briar.
Ông Warren nói Moody’s đã không phân biệt được giữa các trường cao đẳng và đại học đóng cửa hoàn toàn với những trường sáp nhập vào các trường khác. Ông Warren nói tính trung bình thực tế hiện nay chỉ có 2 trường đóng cửa mỗi năm.
Ông Warren công nhận rằng cả việc sáp nhập lẫn đóng cửa đều có thể là những trải nghiệm khó khăn cho sinh viên, giảng viên và nhân viên. Nhưng cả hai đều hiếm khi xảy ra, đặc biệt là ở các trường nhỏ có bề dày lịch sử về lòng trung thành của tất cả mọi người liên quan.
Ông nói: "Những trường cao đẳng nhỏ này đã tồn tại bấy lâu nay, một số trường đã hoạt động trong 150 hay 200 năm. Họ có sự tận tụy phi thường của các cựu sinh viên, bạn bè và cộng đồng địa phương nơi họ có trụ sở. Và có câu ngạn ngữ là "Một trong những cái khó tiêu diệt nhất chính là một trường cao đẳng tư nhân nhỏ".
Ông Warren nói cơ hội tốt nhất để các trường cao đẳng tư nhân quy mô nhỏ thành công là thông qua việc hiểu rõ giá trị của riêng mình. Các trường cao đẳng nhỏ có thể mang lại nhiều trải nghiệm cá nhân hơn với những lớp học nhỏ hơn. Và các trường cao đẳng nhỏ thường có thể chuyên vào một bộ môn, như điều dưỡng hay nghiên cứu tôn giáo.
Nhưng quan trọng nhất, ông Warren nói, các trường cao đẳng nhỏ phải học cách cắt giảm chi phí. Họ sẽ có thể cạnh tranh với các trường lớn hơn nếu họ có thể tìm cách giảm học phí và quản lý tiền bạc của mình tốt hơn.