Việc đảng Cộng sản Việt Nam chọn tiếp tục giữ ông Nguyễn Phú Trọng, một nhân vật được xem có xu hướng bảo thủ, ở vị trí cao nhất khiến nhiều người lo lắng tốc độ thay đổi của Việt Nam sẽ chậm hơn nữa so với thế giới, cũng như khả năng Việt Nam tiếp tục bị Trung Quốc lấn lướt nhiều hơn nữa.
Reuters hôm 27/1 nhận định dựa trên những gương mặt chủ chốt tái đắc cử vào Trung ương khóa 12, có thể thấy khó có một sự ‘thay đổi lớn’ nào sẽ diễn ra. Hãng tin này cho biết một số nhà đầu tư còn lo ngại là quỹ đạo kinh tế đã được thúc đẩy bằng một loạt các chính sách thông thoáng mới và việc Việt Nam tham gia vào các hiệp định thương mại đa phương hồi năm ngoái cũng sẽ rơi vào tình trạng ‘bất ổn’ vì sự chiến thắng của phe ‘bảo thủ’.
Bên cạnh những người tỏ ra thất vọng vì sự thua cuộc của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, người được cho là có lập trường cởi mở và thân Mỹ hơn, thì một số ít nhà quan sát khác hy vọng vào một tầng lớp trẻ mới, cả trong và ngoài đảng Cộng sản, có thể góp phần đẩy nhanh tiến trình ‘thay đổi để phát triển’.
Trong cuộc phỏng vấn dành cho Ban Việt ngữ đài VOA, Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng – một chuyên gia về chính trị và ngoại giao tại trường đại học George Mason ở Mỹ - bàn về vấn đề này cũng như vai trò của chủ thuyết Mác-Lê, điều mà ông Nguyễn Phú Trọng nhiều lần khẳng định là phải luôn ‘bám chắc’, trong chiều hướng lãnh đạo sắp tới của đảng Cộng sản.
Trước tiên, Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng nhận định về chiều hướng phát triển của Việt Nam sau khi ông Nguyễn Phú Trọng tái đắc cử:
Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng: Sự thay đổi là điều tất yếu trong tiến trình của xã hội. Thay đổi là chắc chắn rồi. Còn thay đổi như thế nào mới là điều quan trọng. Người ta thường phàn nàn về vấn đề có cải tổ kinh tế không, có cải tổ ngoại giao không. Chúng ta thấy khi ông Trọng sang đây, ông có nói hai điều: Thứ nhất, ông sẽ làm mọi cách để Việt Nam vào TPP, rồi ông ấy đưa ra Ủy ban Trung ương Đảng (khóa trước) và Ủy ban cũng đã chấp nhận dù biết rằng có những cái lợi, có những cái hại. Họ biết rằng có những cái hại mà họ vẫn nhất định vào, mà vào như vậy thì chắc chắn phải có cải tổ kinh tế. Đó là điểm thứ nhất.
Điểm thứ hai, khi ông ở bên này, ông vào nói chuyện với cán bộ trong tòa đại sứ thì ông nói một câu thế này ‘Mỹ quốc là một địa bàn hoạt động cực kỳ quan trọng của nền ngoại giao Việt Nam’, nghĩa là ông cũng đã chấp nhận việc Việt Nam phải đi gần về phía Mỹ. Hai đường đó quan trọng thì đã đi rồi, bây giờ chỉ còn là vấn đề chính trị thôi.
Chính trị thì chúng ta biết là mục đích của ông Trọng và những người của đảng là họ củng cố vai trò của đảng. Để củng cố vai trò của Đảng, họ đã dùng quan niệm kinh tế Marxist-Leninism. Nhưng ở Việt Nam đang có cuộc thảo luận. Ngay cả trong Hội đồng lý luận Trung ương, có những người cho rằng phải theo Marxist-Leninism, còn những ông ở ngoài thảo luận với hội đồng thì họ cho là Marxist-Leninism là sai rồi, mà phải chờ với tư tưởng Hồ Chí Minh, tức là không thể tách được, tức là các ông ở trong đảng lý luận thì quan niệm là ông Hồ Chí Minh áp dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lê. Còn những người khác, cũng ở trong đảng, không đồng ý. Họ cho là 2 cái đó khác nhau, bởi vì Marxist-Leninist là chủ trương đấu tranh giai cấp, còn ông Hồ Chí Minh chủ trương đoàn kết dân tộc. Họ vẫn giải thích là đảng Cộng sản phải chỉ huy, nhưng họ khác nhau về việc đó. Hiện nay là đang có cuộc tranh chấp ở đó.
VOA: Trong bài diễn văn khai mạc đại hội đảng, ông Nguyễn Phú Trọng cũng nhắc lại việc phải kiên trì ‘bám sát’ chủ nghĩa Marxist. Với việc ông Nguyễn Phú Trọng tái đắc cử, chủ thuyết này sẽ tiếp tục được áp dụng ở Việt Nam như thế nào? Và liệu có một sự ‘sáng tạo’ nào đó để đáp ứng nhu cầu thực tế là cần phải thay đổi hay không?
Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng: Chủ thuyết Mác-Lê thì đã nằm trong vai trò lịch sử rồi và không còn tính cách ‘relevant’ gì nữa trên thế giới này. Ở Việt Nam, tôi không nghĩ là người nào có đầu óc mà có thể tin vào chủ thuyết Mác-Lê nữa. Nhưng vấn đề là phải đưa chủ thuyết Mác-Lê ra để giải thích vai trò chỉ huy của đảng Cộng sản. Bởi vì nếu không theo chủ thuyết Mác-Lê thì không có lý do gì mà đảng Cộng sản lại có quyền hiến định để cai trị đất nước cả. Thành ra tôi nghĩ đó là một cách để biện minh thôi, nhưng thực tế nó bắt buộc phải thay đổi. Bởi vì tình hình thế giới thay đổi, thực tiễn Việt Nam thay đổi, thì họ cũng sẽ thay đổi và họ sẽ nói là họ áp dụng chủ thuyết Mác-Lê một cách sáng tạo.
VOA: Một vấn đề khác liên quan đến ông Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng là tuổi tác của ông. (Ông Trọng năm nay đã 72 tuổi, được tái cử theo diện “đặc biệt”). Theo ông, tuổi tác có là vấn đề lớn hay không?
Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng: Tuổi tác đối với đảng Cộng sản là vấn đề lớn vì phải đi về. Với ông Trọng, vì thế nên ông sẽ không đi hết nhiệm kỳ đâu. Ai cũng hy vọng là ông chỉ ở một nhiệm kỳ rất ngắn, để rồi sẽ thay thế người khác.
VOA: Có nghĩa đây chỉ là tạm thời…
Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng: Giải pháp tạm thời thôi. Giải pháp để đừng tạo nhiều thay đổi quá, tức là mục đích người ta chỉ muốn chống ông Dũng thôi. Suốt từ trung ương 6, họ đã tìm cách họ lật ông Dũng rồi và ông đã dùng mọi cách để chống lại. Thế nhưng mà cuối cùng thì ông ấy thua. Có thế thôi.
VOA: Một câu hỏi cuối: Khi ông Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tái đắc cử, việc chống Trung Quốc ở Việt Nam sẽ như thế nào? Liệu Việt Nam sẽ có tiếng nói mạnh hơn hay yếu hơn?
Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng: Ở Việt Nam, người nào bị mang tiếng là theo Trung Quốc thì tương lai chính trị không khá được. Sóng ngầm và sóng nổi ở Việt Nam cũng đều là không ưa Trung Quốc. Trung Quốc càng có thái độ cứng rắn bao nhiêu, ép đảng Cộng sản bao nhiêu, thì nó làm hại cho sự chính thống của đảng Cộng sản bấy nhiêu. Cho nên người nào lãnh đạo đảng Cộng sản Việt Nam thì cũng đều phải có một thái độ nào đó với sự lấn lướt của Trung Quốc.
VOA: Cám ơn giáo sư.